Sgt. Pepper’s Lonely Hearts Club Band

Album: Sgt. Pepper’s Lonely Hearts Club Band
Số ca khúc: 13
Xuất Bản: 26/05/1967

Thông tin: Năm 1967 là một năm quan trọng trong lịch sử của âm nhạc đương đại. Nó đánh dấu sự toàn cầu hoá của chủ nghĩa hippie và cái được gọi là “mùa hè của tình yêu”. Ở Mỹ, khi các nhóm acid rock như Doors, Jefferson Airplane, Grateful Dead bắt đầu cho ra đời những album mang tính thử nghiệm với ảnh hưởng của ma tuý ngày càng rõ rệt thì ở Anh, Beatles là nhóm đầu tiên khơi mào cho loại âm nhạc đầy tính sáng tạo. Nếu như “Revolver” đánh dấu sự bứt phá của nhóm ở mức ban đầu thì Sgt. Pepper năm 1967 làm thay đổi hoàn toàn cách nhìn nhận của mọi người về khái niệm album. Cho đến những năm giữa thập niên 60, thành công của một ban nhạc còn dựa vào sự phổ biến của đĩa single. Thông thường, nếu một nhóm nhạc có đĩa single bán chạy và có tên trên bảng xếp hạng thì hang đĩa sẽ góp nhặt khoảng mười bài hát vô thưởng vô phạt nào đó để cho nhóm nhạc đó thu âm rồi dồn tất cả vào một album. Và một single ăn khách cho tới thời điểm đó phải thoả mãn ba yêu cầu nhất định : không được dài quá ba phút, có nội dung về tình yêu, càng đơn giản càng tốt và quan trọng là phải dễ thuộc.. Nhưng Beatles là một nhóm hoàn toàn không chịu để khả năng sáng tạo tuyệt vời của mình bị trói buộc bằng những qui định mang đầy tính thương mại như vậy.

Bìa Trước
Bìa Sau

Với single “Penny Lane/ Strawberry Fields Forever” nhóm làm các fan hâm mộ cũ sửng sốt thậm chí quay lưng. Nhưng bù lại, Beatles mở rộng tầm ảnh hưởng của mình đến những đối tượng trước đây chỉ xem nhóm như là một nhóm nhạc pop bình thường. Khi “Sgt Pepper” ra đời, bỗng nhiên mọi bài hát trong album đều có giá trị ngang nhau, và các bài hát trong đĩa single không xuất hiện trong album như một chiêu thức câu khách. Điều đó có nghĩa là người nghe nhạc mua album để thưởng thức những ca khúc hoàn toàn mới chứ không phải mua album vì đĩa đơn trích từ album đó ra đạt đựoc thành công. Với 130 ngày thu âm cùng với những điều kiện thu âm hiện đại nhất, nhóm có cơ hội vươn tới những giới hạn thiên tài và điên rồ nhất của sáng tạo. Trong album này, người nghe có thể cảm nhận được sự kết hợp hài hoà giữa rock, blues, jazz với nhạc thánh ca hay thể loại country and western. Và dĩ nhiên công thức guitar + bass + trống không còn đủ sức để chuyển tải sự vĩ đại về mặt nghệ thuật và tư tưởng của album này nữa. Thay vào đó là sự tận dụng hiệu ứng của dàn nhạc dây, bộ kèn đồng, bộ kèn gỗ và cả dàn nhạc dân tộc của Ân Độ.

Nhiều người vẫn cho rằng “Sgt. Pepper” là concept album đầu tiên của nhạc rock, thật ra điều này không chính xác lắm. SP chưa bao giờ là một concept album theo đúng nghĩa của từ này mặc dù nó được dự định làm theo hướng đấy. Giữa các bài hát trong album không có mối liên kết như các bài hát trong một concept album thực sự ngoài trừ ca khúc chủ đề “Sgt. Pepper’s Lonely Heart Club Band” và phần reprise của nó. Nỗ lực thực hiện một loạt các ca khúc có lien quan chặt chẽ về mặt nội dung của nhóm bị thất bại vì John và Paul đều sang tác riêng và những tác phẩm của họ mặc dù không có sự kết nối nhưng lại quá hay để bị loại.Thật vậy, một điều không thể chối cãi được là mỗi ca khúc trong album đều có một vẻ đẹp không cưỡng lại được và được tác giả đầu tư khá kĩ lưỡng về mặt nội dung lẫn nghệ thuật. Có thể nói nguyên cả album là một phòng triển lãm tranh theo phong cách trừu tương và mỗi bài hát là một bức tranh có giá trị nghệ thuật riêng. Trong suốt cả album, không có bài hát nào chỉ đơn thuần nói về tình yêu trai gái bình thường. Một điều quan trọng hơn nữa là SP khuyến khích các nhóm nhạc và nghệ sĩ Anh viết và hát về những gì xung quanh mình, về cuộc sống của những người Anh chứ không phải hát lại hoặc bắt chước theo người Mỹ. Có thể nói không ngoa rằng, từ sau SP, British pop mới thực sự được sinh ra với những nhóm nhạc Anh viết và hát những ca khúc “thuần Anh” như Kinks, Bee Gees, Traffic, những nhóm nhạc theo gót Beatles đưa văn hoá Anh vào âm nhạc của mình.

Về mặt hình ảnh, nhóm Beatles đã thay đổi hình tượng của mình bằng cách để tóc dài và ria mép từ khi làm album Revolver, tuy nhiên, họ vẫn chưa thực sự dám giới thiệu hình ảnh mới của mình với công chúng cho đến khi single “Penny Lane/ Strawberry Fields Forever”. Điều này giải thích tại sao Beatles lại chọn giải pháp cắt dán những hình ảnh của nhóm trên báo từ những năm trước để làm bìa cho album “Revolver”. Sự thay đổi về mặt nghệ thuật cũng như hình ảnh bên ngoài đối với Beatles là một thắng lợi lớn, nhưng đối với ông Brian Epstein, đó là một trong những bất lợi. Với vai trò là một người quản lí, lợi nhuận chính mà ông Epstein thu đựơc là từ những show diễn live của nhóm. Việc Beatles quyết định ngừng lưu diễn vĩnh viễn là một đòn khá nặng giáng vào vai trò dẫn dắt và quan trọng hơn là chén cơm của ông Epstein. Giờ đây, các con bọ trút bỏ luôn cái vỏ bên ngoài “mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao” để khoác vào cái lớp vỏ già dặn hơn là hoàn toàn đi ngược lại qui luật của thị trường. Ông Brian có thể không quan tâm đến sự phát triển về mặt âm nhạc của nhóm vì điều đó không có lợi gì cho ông một khi Beatles thay đổi hình tượng và ngừng lưu diễn. Ngược lại, nhóm Beatles cũng không cần quan tâm đến cái gọi là lợi nhuận thị trường của thời kì “đầu nấm” với những chuyến lưu diễn và họp báo bất tận. Điều quan trọng nhất đối với Beatles trong thời điểm đó là chứng tỏ được năng lực sáng tạo thật sự của mình. Từ bỏ vai trò những ngôi sao nhạc pop, tứ quái bắt đầu gánh vác sứ mạng nặng nề hơn, sứ mạng của những nhà tiên tri, những người lãnh đạo về văn hoá (hay đúng hơn là của phong trào phản văn hoá) của giới trẻ trong thập niên 60.


Với tầm vóc vĩ đại của album, tất nhiên bìa đĩa cũng là một chuyện đáng phải bàn đến. Ý tưởng về bìa đĩa của SP là do Paul đề xướng với ý nghĩa là “mọi người” tập hợp xung quanh tâm điểm là tứ quái trong hình tượng mới Sgt. Pepper’s Lonely Hearts Club Band. Và dĩ nhiên, “mọi người ở đây” không phải là bất cứ ai mà là những người nổi tiếng, trong đó có cả nhóm Beatles cũ. Bìa đĩa thể hiện tham vọng của nhóm Beatles vượt lên tất cả những đỉnh cao về mặt văn hoá, chính trị, nghệ thuật của thời đại. Mỗi thành viên của Beatles được hỏi ý kiến về việc chọn lựa những gương mặt muốn đưa lên bìa đĩa. George muốn sử dụng những hình ảnh các thầy tu Ấn Độ, Ringo thì không hứng thú lắm với chuyện này nên để việc chọn lựa cho John và Paul đảm nhiệm.

Trong số những gương mặt mà John chọn có chúa Jesus, thánh Gandhi của Ấn độ và nhà độc tài Hitler. Với scandal Beatles nổi tiếng hơn chúa Jesus năm trước, hang EMI không dại gì mà đưa hình ảnh chúa Jesus lên bìa đĩa một lần nữa. Hình của Hitler cũng bị loại do không muốn chọc giận người Do Thái mà gần nhất là ông Brian Epstein. Cuối cùng cả hình của Gandhi cũng bị loại vào giờ chót thay vào đó là hình của nữ diễn viên Diana Dors vì hang sợ làm phật long cộng đồng người Ấn vốn sinh sống rất đông ở Anh. Người khổ nhất trong vấn đề này không ai khác hơn là ông Epstein. Là đại diện của nhóm về mặt pháp lí, ông Epstein phải liên hệ với hầu hết những người có mặt trên bìa đĩa để xin phép họ cho sử dụng hình ảnh của mình trong vòng thời gian một tuần. Nhiều người tỏ ra dễ chịu nhưng cũng có nhiều ngôi sao không cảm thấy thoải mái trong việc sử dụng hình ảnh của mình trên đĩa của Beatles. Shirley Temple đòi phải cho nghe album trước khi cho phép sử dụng hình của mình còn Marlon Brando thì lúc đầu cực lực phản đối. Cho đến ngày chụp bìa đĩa vẫn có hơn một nửa số nhân vật chưa được xin phép. Do quá căng thẳng vì sợ bị thưa kiện, trong chuyến bay từ New York về London, ông Epstein đã đánh điện về cho trợ lí của mình rằng nếu ông có mệnh hệ nào do tai nạn máy bay thì album phải được phát hành với bìa giấy màu nâu đơn giản để tránh phiền phức về mặt pháp luật.
Pete Blake, người chịu trách nhiệm thiết kế bìa đĩa phải mất hai tuần để sắp xếp các nhân vật cho hợp lí. Nhóm Beatles xuất hiện với bộ quân phục kiểu Victorian sặc sỡ và thay vì cầm những cây guitar quen thuộc, nhóm lại ôm những cây kèn như một ban quân nhạc. Mặt trống Ludwig với logo Beatles nổi tiếng được thay thế bằng mặt trống kẻ tên Sgt. Pepper’s Lonely Hearts Club Band. Các nhân vật đứng cùng hang với Beatles là tượng sáp được mượn từ bảo tang Madam Tussaud, còn lại tất cả đều được làm bằng bìa cứng.
Không chỉ dừng ở đó, bên trong đĩa là cuốn sách mỏng với tên của tất cả các nhân vật ngoài bìa đĩa được đánh số thứ tự cẩn thận theo trình tự sắp xếp, một postcard, hai cầu vai và huân chương cùng với ria mép của Sgt. Pepper và một bức hình nổi của nhóm Beatles có thể cắt ra, (những thứ này không có trong booklet của đĩa CD). Và quan trọng hơn hết là lần đầu tiên trong lịch sử nhạc pop, tất cả lời của các ca khúc được in ở phần mặt trong của bìa đĩa kèm theo album.
Như vậy với khẩu hiệu “a splendid time is guaranteed for all,” và một album được đầu tư cẩn thận đến từng chi tiết nhỏ nhất, SP ngay từ khi chưa phát hành đã đảm bảo một thành công rực rỡ. Thật vậy, khi được phát hành ngày 26/5/67 ở Anh, album đã leo thẳng lên hạng nhất bảng xếp hạng và bán được 250.000 bản ngay trong tuần đầu tiên. Ở Mỹ, thắng lợi của album còn kinh khủng hơn. Ngay từ lúc trước phát hành, album đã được đặt hang trước 1 triệu bảng và trong vòng ba tháng đầu tiên, doanh số bán ra đã vượt con số 2,5 triệu bảng. Album đã đứng nhất Billboard suốt 15 tuần liên tiếp. Cho đến nay, album đã được bán trên 30 triệu bản trên toàn thế giới. Năm 1968, album này được đề cử 7 giải Grammy và giành được bốn giải ở các hạng mục: album của năm, bìa đĩa đẹp nhất, hoà âm phối kĩ hay nhất và album đương đại hay nhất. Trong tất cả những cuộc bầu chọn album của các tờ báo âm nhạc uy tín thế giới, Sgt. Pepper’s Lonely Hearts Club Band luôn thắng với số điểm gần như tuỵệt đối để trở thành quán quân.

Không chỉ dừng ở đó, bên trong đĩa là cuốn sách mỏng với tên của tất cả các nhân vật ngoài bìa đĩa được đánh số thứ tự cẩn thận theo trình tự sắp xếp, một postcard, hai cầu vai và huân chương cùng với ria mép của Sgt. Pepper và một bức hình nổi của nhóm Beatles có thể cắt ra, (những thứ này không có trong booklet của đĩa CD). Và quan trọng hơn hết là lần đầu tiên trong lịch sử nhạc pop, tất cả lời của các ca khúc được in ở phần mặt trong của bìa đĩa kèm theo album.

Như vậy với khẩu hiệu “a splendid time is guaranteed for all,” và một album được đầu tư cẩn thận đến từng chi tiết nhỏ nhất, SP ngay từ khi chưa phát hành đã đảm bảo một thành công rực rỡ. Thật vậy, khi được phát hành ngày 26/5/67 ở Anh, album đã leo thẳng lên hạng nhất bảng xếp hạng và bán được 250.000 bản ngay trong tuần đầu tiên. Ở Mỹ, thắng lợi của album còn kinh khủng hơn. Ngay từ lúc trước phát hành, album đã được đặt hang trước 1 triệu bảng và trong vòng ba tháng đầu tiên, doanh số bán ra đã vượt con số 2,5 triệu bảng. Album đã đứng nhất Billboard suốt 15 tuần liên tiếp. Cho đến nay, album đã được bán trên 30 triệu bản trên toàn thế giới. Năm 1968, album này được đề cử 7 giải Grammy và giành được bốn giải ở các hạng mục: album của năm, bìa đĩa đẹp nhất, hoà âm phối kĩ hay nhất và album đương đại hay nhất. Trong tất cả những cuộc bầu chọn album của các tờ báo âm nhạc uy tín thế giới, Sgt. Pepper’s Lonely Hearts Club Band luôn thắng với số điểm gần như tuỵệt đối để trở thành quán quân.

Tải Album:
Mật khẩu: www.thebeatles.vn

Các ca khúc:
  1. Sgt. Pepper’s Lonely Hearts Club Band
  2. With A Little Help From My Friends
  3. Lucy In The Sky With Diamonds
  4. Getting Better
  5. Fixing A Hole
  6. She’s Leaving Home
  7. Being for the Benefit of Mr. Kite!
  8. Within You Without You
  9. When I’m Sixty Four
  10. Lovely Rita
  11. Good Morning Good Morning
  12. Sgt. Pepper’s Lonely Hearts Club Band (Reprise)
  13. A Day In The Life
Trích từ sách “The Beatles: Nửa Thế Kỷ Một Huyền Thoại – Huỳnh Chí Viễn”

    Bài Đăng Phổ Biến

    Video Thành Lập FC - 6/12/2015