The Beatles

The Beatles đã từng bị căm ghét như thế nào?

Thứ Năm, 9 tháng 1, 2014The Beatles Việt Nam

Cả khi vừa xuất hiện 50 năm trước và sau này, The Beatles không phải lúc nào cũng được tung hô là huyền thoại. Thậm chí đã có lúc họ phải nhận những từ như “rác rưởi” và “chán phèo”.

Tại sao thực tế này đến bây giờ mới được tiết lộ? Theo hãng tin AP, ngày 26/12 vừa qua là dịp tròn 50 năm ca khúc ra mắt nước Mỹ I Want To Hold Your Hand của The Beatles được phát hành. 50 năm là mốc quan trọng, theo luật của nhiều nước, là mốc chấm dứt tác quyền. Vì thế, rất nhiều tài liệu liên quan đến The Beatles đã được công bố sau mốc này.


Trong số đó, một cuốn sách nghiên cứu có tên The Beatles BBC Archives 1962 – 1970 đã ra mắt độc giả. Theo AP, đây là tài liệu thú vị, cung cấp những thông tin ít biết hoặc đã bị quên lãng về lịch sử của The Beatles ở BBC, đài phát thanh và truyền hình lớn nhất nước Anh – quê hương họ.

Trò đùa” The Beatles

Trong cuốn sách The Beatles BBC Archives 1962 – 1970, tác giả Kevin Howlett của BBC đã chỉ ra một thực tế: dù được lịch sử ghi nhận là những thiên tài âm nhạc, được mến mộ khắp thế giới, nhưng trong suốt sự nghiệp lừng danh của mình, The Beatles cũng có lúc nhận phản hồi là ban nhạc kinh khủng, tệ hại. Hai thái độ đó tồn tại như những mặt mâu thuẫn tất yếu của thế giới này.

Vào đầu thập niên 1960, nếu muốn nổi tiếng, các ban nhạc phải chơi nhạc trên đài BBC, bởi thời đó đài phát thanh này thu hút hàng triệu thính giả. “BBC là một phần của cuộc sống thường nhật” – Howlett viết. The Beatles, xuất hiện như một làn gió mới, cũng cạnh tranh để có được công chúng BBC như tất cả các đối thủ khác.

“Những ngày đó” – đại diện của BBC là Peter Pilbeam nhớ lại – “chúng tôi dành 2 hay 3 buổi tối hàng tuần để đến miền Bắc nghe nhạc của hàng loạt ban nhạc. Rất nhiều trong số đó là rác rưởi. Và bất ngờ ban nhạc này nổi lên trong một buổi tuyển chọn của chúng tôi, tên là The Beatles. Cái tên đến kỳ quặc và mọi người thốt lên: Ôi thật là một trò đùa!”.

Mặc dù vậy, Pilbeam lại cho The Beatles trúng tuyển. Trong nhóm, ông thích người này hơn người kia: “John Lennon: được, Paul McCartney: không”.



Năm 1964, một phóng viên từng bình luận sau cuộc gặp gỡ ban nhạc: “Thật tuyệt nếu được thấy Paul McCartney giải nghệ. Nhưng có lẽ phải chờ đến những năm 2010”. Năm nay là 2014 và Paul vẫn chưa giải nghệ, lại vừa ra album mới cuối năm ngoái. Có vẻ như ông và ban nhạc đã làm tốt hơn điều người ta mong đợi.Năm 1964, trước khi ra album Hard Days Night, ban nhạc vẫn chưa được coi trọng lắm. Với album đó, chỉ 29% công chúng chấm điểm A, còn 33% chấm điểm C. Nhiều nhận xét cho rằng âm nhạc của họ ồn ào, nhàm chán. Một số nghe chỉ vì tò mò và không hiểu nổi tại sao ban nhạc nổi tiếng”.


Ngay cả vào năm 1967, khi The Beatles phát hành album kiệt tác Sgt Peppers Lonely Hearts Club Band, công chúng nghe đài BBC vẫn đầy hoài nghi. Ban nhạc gây tranh cãi ầm ĩ khi nhạc được phát trong bộ phim về chính họ là Magical Mystery Tour (1967). Phim bị giới phê bình và công chúng chê tơi tả, nhận đến 74% điểm C, đi kèm là một loạt lời chê bai.

Không những vậy, trong năm 1967, ban nhạc còn bị coi là có vấn đề nghiêm trọng do âm nhạc thể hiện quá đà sức ảnh hưởng của ma túy. Đạo diễn âm thanh của BBC từng viết thư cho hãng đĩa EMI than phiền: “Trong bài A Day In The Life, khi nghe đi nghe lại, chúng tôi nhận ra có câu “Anh muốn làm em phê”, được đệm kèm những hiệu ứng âm thanh khác, có thể mang ý nghĩa độc hại. “Phê” (turned on) là một từ thịnh hành trong giới nghiện ma túy khi đó”.


Ngày nay, nếu ai đặt nghi vấn về mức độ vĩ đại của The Beatles thì cả thế giới sẽ cho kẻ đó là ngớ ngẩn. Nhưng sự thực là tại một vài đỉnh cao trong sự nghiệp đầy ắp đỉnh cao của mình, ban nhạc gồm toàn các thiên tài này vẫn bị công kích thậm tệ, vấp phải vô số chỉ trích, chứ không hoàn toàn thuận buồm xuôi gió.

Mi Ly

Bài Viết Liên Quan

0 comments

Bài Đăng Phổ Biến

Video Thành Lập FC - 6/12/2015