The Beatles
Tình bạn đặc biệt giữa Paul McCartney và John Lennon (kỳ 1): Ngày hội ngộ của 2 huyền thoại
Thứ Tư, 10 tháng 12, 2014The Beatles Việt Nam
Ngày 6/7/1957, thời điểm John Lennon gặp Paul McCartney, đã đi vào lịch sử, gợi cảm hứng cho nhiều trang web, cuốn sách và cả những bức tranh. Đây được coi là một trong những mốc thời gian quan trọng nhất của lịch sử âm nhạc.
Thường nếu không phải với tình yêu nam nữ, người ta không quan trọng hóa về ngày gặp gỡ đến vậy. Paul McCartney gặp John Lennon khi cả hai đang là những cậu thiếu niên. Đó là tháng 7/1957 ở vùng ngoại ô Woolton của thành phố cảng Liverpool của nước Anh.
John Lennon cùng band nhạc The Quarrymen ngày 6/7/1957
Anh bạn chung Ivan Vaughan đã giới thiệu Paul, 15 tuổi, với John, 17 tuổi, người khi đó là ca sĩ chính kiêm thủ lĩnh ban nhạc The Quarrymen.
“Cậu ấy tài năng ngang với mình”
Paul gây ấn tượng với John ngay tức khắc khi biểu diễn xuất sắc ca khúc Twenty Flight Rock của Eddie Cochran. John khi đó chỉ biết chơi guitar ở trình độ sơ đẳng và không thuộc hết lời các ca khúc rock ‘n’ roll mà anh thường biểu diễn. Chính vì thế, Paul đủ tài năng để lấp những chỗ trống đó trong ban nhạc của anh.
John đã nhận Paul vào nhóm. Nhiều năm sau, John nhớ lại: “Lúc ấy tôi chỉ nghĩ rằng cậu ấy tài năng ngang với mình. Từ trước tới giờ mình vẫn là trụ cột, nếu nhận cậu ấy thì chuyện gì sẽ xảy đến”
Hai người bắt đầu cùng nhau sáng tác những bản hát nguyên gốc, chứ không phải hát lại (cover), một bước đi lạ đối với những nghệ sĩ trẻ chưa có tên tuổi thời đó. Ban nhạc của họ về sau đổi tên thành The Beatles. Và chẳng ai nhắc đến The Beatles mà lại không nhắc đến John hay Paul.
Điểm chung của họ không chỉ là về âm nhạc. Mẹ của Paul đã qua đời vì bệnh ung thư chỉ ít lâu trước khi mẹ John cũng qua đời vì một tai nạn giao thông thảm khốc. Hai cậu bé, hoặc hai chàng trai trẻ, có lẽ không hay tâm sự với nhau về những mất mát. Nhưng những trải nghiệm đó khiến họ mạnh mẽ hơn.
3 tháng sau khi họ gặp nhau, Paul lần đầu biểu diễn với tư cách thành viên của The Quarrymen. Người về sau trở thành nhạc sĩ kiêm ca sĩ thành công nhất mọi thời đại, nhưng khi ấy run rẩy trên sân khấu khi chơi một đoạn độc tấu guitar – phần đinh của tiết mục.
Không lâu sau đó, Paul ngại ngùng trình ra trước mặt John lời bài hát đầu tiên anh sáng tác, I Lost My Little Girl. John thích bài hát đó. Được gợi cảm hứng từ cặp nhạc sĩ tri kỷ Jerry Leiber – Mike Stoller, John đề nghị từ nay về sau, mọi ca khúc của hai người sẽ được đề tên “Lennon-McCartney”, bất kể họ có đồng sáng tác hay không. Paul đồng ý.
Trong những ngày đầu của The Beatles, Paul giữ thói quen đề lên mọi bản nhạc mới viết dòng chữ: “Một tác phẩm khác của Lennon-McCartney”. Họ viết nhạc cùng nhau hoặc có thể can thiệp vào mọi tác phẩm của nhau nếu muốn.
Thứ tự “Lennon-McCartney” hay “McCartney-Lennon” về sau cũng gây một vài tranh cãi giữa Paul và Yoko Ono, người vợ thứ hai của John. Nhưng đó là chuyện khi John đã qua đời.
Với tài năng của John và Paul, The Beatles từ những chàng thiếu niên chơi nhạc ở thành phố cảng đã trở thành hiện tượng âm nhạc toàn cầu trong thập niên 1960.
Từ “Beatlemania” (cơn cuồng Beatles) ra đời đã vĩnh viễn tước đi quyền được sống riêng tư của các thành viên ban nhạc, khiến họ mãi mãi thành những biểu tượng, với chuyện về họ đều là huyền thoại, gồm cả chuyện thật và chuyện thêu dệt.
Paul vui và John buồn
Nhưng thời gian trôi, Lennon-McCartney ngày càng xa nhau ra. Họ bắt đầu viết nên những bài hát có rất ít bóng dáng của người kia trong đó. Một bài vốn là tác phẩm của Lennon-McCartney lại trở thành hit của những nghệ sĩ khác. Bên cạnh đó, Paul còn đề tên giả “Bernard Webb” lên một bài hát (Woman) để thử xem có thành công không. Bài đó vẫn thành công.
Sự khác nhau giữa phong cách sáng tác của John và Paul ngày càng rõ ràng. “Paul như muốn nói: Đến đây và xem biểu diễn nào! Còn tôi nói: Hôm nay tôi vừa đọc báo, thật là buồn” – John ví von. Những người tinh ý dần nhận ra rằng âm nhạc của Paul thường tươi sáng, lạc quan (Ob-La-Di, Ob-La-Da hay Penny Lane), còn John cay đắng, tự vấn (I’m Only Sleeping hay Nowhere Man).
Không phải bao giờ cũng vậy. Paul cũng biết mô tả nỗi buồn sâu sắc (Yesterday) và John cũng biết đến niềm vui đời thường (Good Morning, Good Morning). Nhưng sự nghiệp hậu The Beatles của cả hai cũng phần nào chứng minh nhận định “Paul vui, John buồn” kia là có cơ sở.
Giữa cả hai là cuộc cạnh tranh thân thiện xem bài hát của người nào sáng tác sẽ thành công hơn. Kết quả: thường là các bài hát của Paul. John có hơi ghen tị về chuyện này. “I Am The Walrus (bài hát John viết) chỉ là mặt B của Hello, Goodbye (Paul viết). Có tin được không?” – anh từng nói.
Giữa thập niên 1960, Paul hẹn hò với hàng đống phụ nữ và sống một cuộc sống kiểu ngôi sao nổi tiếng, trong khi John ngoại tình với Yoko Ono khi đang có vợ là Cynthia và muốn bỏ vợ. Paul viết Hey Jude dành tặng Julian, con trai của John và Cynthia, để an ủi cậu bé khi bố mẹ cậu sắp ly dị.
“Này Jude, đừng sợ” – Paul hát. Sau này, một Julian trưởng thành thừa nhận: “Tôi đi chơi với Paul còn nhiều hơn với bố”.
Dù sao, tình bạn của họ vẫn tiếp diễn. Khi John đưa tên Paul vào lời bài hát Glass Onion như một sự tôn vinh, Paul cũng đóng góp rất nhiều cho bản thu ca ngợi tình yêu mới của John là The Ballad Of John And Yoko. Giữa họ, không phải chỉ có tình bạn, mà là anh em hoặc còn hơn thế.
Mi Ly
0 comments