Paul McCartney

Paul McCartney, sự nghiệp, bạn bè và the Beatles

Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2015The Beatles Việt Nam

Cuối tháng 4–2015, tại thành phố Osaka (Nhật Bản), tour lưu diễn Out There của Paul McCartney đã diễn ra được gần hai năm. Tour diễn đã thu hút gần hai triệu khán giả từ thủ đô Montevideo (Uruguay) đến thành phố Winnipeg (Canada) từ Nashville (Mỹ) đến Warsaw (Ba Lan). Và vẫn còn rất nhiều người tại Seoul (Hàn Quốc), Marseille (Pháp) và Stockholm (Thụy Điển) háo hức chờ đợi anh đến biểu diễn. Out There đã nối tiếp thành công của hai tour diễn trước đó là On the Run và Up and Coming. Tôi có thể điểm lại những sự kiện trong quá khứ để hiểu quá trình chinh phục thế giới không mệt mỏi của Paul nhưng khó có thể đong đếm được nhiệt huyết và đam mê anh đã cống hiến ở mỗi giai đoạn sự nghiệp. Mỗi buổi diễn của Paul có thể có đến 40 ca khúc ở mọi giai đoạn trong sự nghiệp hơn 50 năm và kéo dài khoảng ba giờ. Từ năm 1965, khi chỉ mới 23 tuổi, anh đã biểu diễn một lượng bài hát nhiều như vậy và chính điều đó khiến nhiều người tự hỏi làm thế nào mà giờ đây anh vẫn có thể làm được như vậy.

 
Thực tế thì Paul không hề tỏ ra mệt mỏi hay muốn dừng lại. Paul McCartney thường có khoảng thời gian nghỉ khá dài giữa mỗi điểm diễn. Và cũng lâu rồi anh không biểu diễn trước công chúng. Vài năm trước, Paul trở lại sân khấu với ban nhạc cũ, đội ngũ nhân viên cũ, những người bạn và kịch bản chương trình cũ. Anh biểu diễn những ca khúc đã làm nên tên tuổi và mang lại sự giàu có cho mình. Có thể bạn và hàng triệu người khác trên thế giới đều biết hoặc thuộc nằm lòng những bài hát ấy. Ai lại không biết đoạn mở đầu của ca khúc Yesterday chứ?

Lúc 7 giờ sáng ngày 20–4–2015, khi chuyến bay của Paul đáp xuống sân bay quốc tế Kansai (Nhật Bản) thì đã có một đám đông người hâm mộ cuồng nhiệt chờ sẵn. Sự cuồng nhiệt này không chỉ mới diễn ra gần đây mà đã có từ những năm 1960. Bất cứ lúc nào Paul xuất hiện đều tạo ra sự chú ý của mọi người với một đám đông ồn ào chen lấn, xô đẩy nhau. Thật khó có thể cảm nhận được không khí của đám đông khoảng 500–800 người chờ đợi Paul tại sân bay khi xem qua đoạn video mà Stuart Bell quay bằng điện thoại. Có một điều tôi chắc chắn là hầu hết bọn họ đã đội mưa để đón anh từ rất sớm. Họ cầm những biểu ngữ tự làm với những dòng chữ như: “Anh là thần tượng của tôi” hay “Cảm ơn Paul vì đã quay lại đây”… Khi anh xuất hiện từ xa, đám đông bắt đầu la hét, vỡ òa vì xúc động và cực kỳ phấn khích. Bước ra khỏi khoang máy bay cùng vợ mình là Nancy, Paul mặc trang phục thường ngày với quần jeans tối màu, áo sơ-mi trắng, áo khoác denim và đeo kính râm. Anh mang chiếc đàn violin bass guitar hiệu Hofner, một đặc điểm nhận dạng của anh kể từ khi trình diễn trong chương trình Royal Variety vào năm 1963. Cây đàn Hofner cùng Paul và trợ lý John Hammel đi lưu diễn khắp nơi và có hẳn một ghế riêng.

Trước khi đến Nhật, Paul đã tham gia buổi lễ vinh danh người anh em cũ trong ban nhạc The Beatles, Ringo Starr, ở Rock and Roll Hall of Fame tại Cleveland (Mỹ). Anh kể rằng mình đã ngủ trên máy bay và cảm thấy thoải mái, thư giãn khi đến sân vận động Kyocera Dome để chuẩn bị cho buổi diễn trước 55.000 khán giả vào ngày hôm sau. Lịch làm việc khi đi tour của Paul được sắp xếp rất kỹ lưỡng. Anh sẽ ăn sáng, tập thể dục, sau đó có thể là đi massage rồi họp với các cộng sự. Nếu thời tiết tốt và tình hình an ninh thuận lợi, Paul có thể đạp xe đi dạo ở khu vực gần khách sạn. Trong trường hợp khách sạn ở gần bến cảng, anh sẽ đi dạo bằng thuyền. Hôm nay, Paul sẽ có buổi tập chương trình với ban nhạc, sau đó anh sẽ dùng bữa tối với vợ và một vài người bạn trong nhóm sản xuất. Buổi chiều ngày hôm sau sẽ là buổi tổng duyệt chương trình. Khi gần đến giờ diễn, Paul sẽ rút vào phòng thay đồ để xem vài chương trình giải trí trên ti-vi. Sau buổi biểu diễn, anh sẽ đi uống vài ly, ăn tối rồi đi ngủ. Sáng hôm sau, anh sẽ dậy sớm để đến Tokyo chuẩn cho buổi biểu diễn tiếp theo.

Khi tôi hỏi Paul rằng động lực nào khiến anh làm việc liên tục trong nhiều năm như thế, anh đáp: “Đó là những công việc và cũng là cuộc sống của tôi”. Đôi khi tôi không biết phải hỏi Paul điều gì vì cuộc sống và sự nghiệp của anh đều đã đầy trên mặt báo. Tệ hơn nữa, những câu trả lời gượng ép thường dài dòng và chán ngắt. Paul thuộc týp người hoạt ngôn và có tài kể chuyện. Những cuộc trò chuyện với anh thường chậm rãi nhưng không thể ngừng lại được. Bạn khó có thể điều khiển được nội dung cuộc trò chuyện theo ý mình. Nếu không chủ động ngắt lời, Paul sẽ nói liên tục không thôi. Để buổi phỏng vấn tốt đẹp, bạn cần phải ngắt lời anh để chuyển sang câu hỏi tiếp theo dù điều đó có phần lỗ mãng.


Để thực hiện bài viết này, tôi phải gặp Paul McCartney hai lần. Mỗi buổi phỏng vấn của tôi kéo dài hơn 30 phút một chút và đó là một ngoại lệ vì mỗi buổi phỏng vấn tiêu chuẩn chỉ dài 20 phút. Thậm chí nhiều người phải phỏng vấn qua điện thoại. Buổi phóng vấn đầu tiên được thực hiện ở Osaka.

ESQUIRE (ESQ): Hiện giờ, anh không cần tiền, cũng chẳng cần danh tiếng. Điều gì đã khiến anh tổ chức những buổi biểu diễn ở Nhật thay vì ngồi nhà nghỉ ngơi?

PAUL MCCARTNEY (PM): Có ba lý do: tôi thích làm việc, đó là công việc của tôi và tôi đến đây vì các khán giả. Khi hát, tôi cảm nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt và tán dương của họ. Ai mà chẳng thích cảm giác đó chứ? Thêm nữa là ban nhạc chơi rất tuyệt. Tôi nghĩ là chỉ có ba lý do nhưng giờ đã có khoảng bảy lý do rồi. Một nguyên nhân khác là tôi cần phải tập luyện lại mấy bài hát của mình nữa.

ESQ: Anh chưa bao giờ nghĩ đến việc giải nghệ à?

PM: Anh đang nói đến chuyện nằm ở nhà và xem ti-vi à? Hay là làm vườn, chơi golf? Mấy thứ đó không hợp với tôi. Mấy chục năm trước, người quản lý cũ của tôi từng khuyên tôi nên giải nghệ lúc 50 tuổi vì anh ta nghĩ lúc đó tôi sẽ không còn bảnh bao nữa. Tôi cũng cho rằng anh ta có thể đúng. Nhưng đến giờ tôi vẫn thích công việc sáng tác và biểu diễn.

ESQ: Vì anh cảm thấy mình còn nhiều điều muốn thể hiện?

PM: Tôi đã cống hiến và đạt được nhiều thành công. Nhưng đôi khi tôi thấy như thế vẫn chưa đủ và mình có thể làm tốt hơn nữa. Có thể tôi sẽ sáng tác những ca khúc hợp thời hơn. Những suy nghĩ như thế sẽ đẩy bạn tiến xa hơn trong sự nghiệp.

ESQ: Tôi thấy nhiều người nói viết những ca khúc vui khó hơn ca khúc buồn. Điều đó có chính xác không?

PM: Những tư tưởng như vậy sẽ bóp chết sáng tạo nghệ thuật. Tôi không đồng tình với suy nghĩ đó vì chúng ta vẫn có những ca khúc vui nhộn rất hay. Vấn đề không nằm ở ca khúc đó vui hay buồn mà nằm ở sự tự mãn. Sự tự mãn là kẻ thù của người làm nghệ thuật. Họ phải luôn nghĩ rằng mình có thể làm tốt hơn vào ngày hôm sau. Đó là cách giúp chúng ta tiến bộ hơn.

ESQ: Một buổi biểu diễn kéo dài đến 3 giờ với 40 ca khúc có phần hơi bất thường.

PM: Buổi diễn của Bruce Springsteen còn dài hơn như vậy nữa. Đơn giản là vì chúng tôi có rất nhiều ca khúc để hát.

ESQ: Trong quá khứ, sự nghiệp của anh ảnh hưởng nhiều bởi tên tuổi của The Beatles. Anh đã không chơi nhạc The Beatles trong nhiều năm qua. Đã có những thay đổi gì sau khi nhóm tan rã?

PM: Sau khi The Beatles tan rã, tôi thành lập nhóm Wings. Lúc ấy, tôi luôn tự nhủ: “The Beatles đã là chuyện quá khứ. Mình phải bỏ hết những chuyện cũ và làm lại từ đầu”. Tuy nhiên, đó là một việc làm mạo hiểm và những người làm công tác quảng bá không thích điều đó chút nào. Họ luôn cố gắng thuyết phục tôi hát bài Yesterday vào cuối chương trình và câu trả lời luôn là “ Không”.
ESQ: Nếu khán giả yêu cầu bài Yesterday?

PM: Dĩ nhiên vẫn có người muốn nghe ca khúc đó. Tôi thường đáp lại họ rằng: “Thật tiếc là tôi không thể đáp ứng yêu cầu của các bạn. Tôi không muốn dựa vào danh tiếng của the Beatles mãi”.

ESQ: Anh đã sáng tác nhiều bài hát mang tính tự sự. Những bài đó được nhiều người yêu thích vì họ biết chúng được viết về ai, như Let It Be là về mẹ anh, Maybe I’m Amazed về Linda. Anh có nghĩ về người thân khi đang trình diễn những bài đó không?

PM: Không phải lúc nào cũng thế. Tôi biểu diễn những bài đó vì nó là một bài hát hay. Như khi tôi hát Let It Be, tôi không nghĩ về mẹ mình. Nhưng có một điều tôi chắc chắn là khán giả sẽ nghĩ đến nhiều điều khác. Nếu có 50.000 người tham dự buổi biểu diễn thì sẽ có đến 50.000 suy nghĩ khác nhau.

ESQ: Có nghĩa là anh không thực sự đồng điệu với cảm xúc của khán giả?

PM: Hầu như là vậy. Nếu bị cảm xúc lấn át thì bạn chỉ có thể khóc mà không hát được. Nhưng cũng có lúc tôi tìm được sự đồng cảm nơi khán giả. Như khi thấy một khán giả khóc lúc tôi đang biểu diễn thì nó có thể làm tôi vỡ oà trong cảm xúc. Những lúc bình thường, đó chỉ đơn thuần là một bài hát, nhưng ở một mức độ nào đó thì nó mang ý nghĩa rất lớn đối với tôi. Tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy một cô gái khóc òa lên khi tôi hát. Tôi nghĩ bài hát đó rất có ý nghĩa với cô ấy. Lúc đó, tôi không chỉ là một ca sỹ mà còn làm được nhiều hơn thế.

ESQ: Khi phỏng vấn các nghệ sỹ, tôi thường hỏi họ tâm đắc câu hát nào nhất vì nó có thể nói lên rất nhiều điều về họ. Tôi không biết có nên hỏi anh câu đó không bởi anh đã viết quá nhiều bài hát?

PM: Anh có thể thử.

ESQ: Anh thích câu hát nào nhất?

PM: Why don’t we do it in the road.

ESQ: Ồ, tôi không nghĩ anh sẽ chọn câu đó mà là một câu hơi “sến” như “And in the end, the love you take is equal to the love you make”. Đó cũng là câu cuối cùng trong bài hát cuối cùng của The Beatles. Tôi nghĩ đó là một câu mang nhiều ý nghĩa.

PM: Câu đó chỉ chợt nảy ra trong đầu tôi khi đang sáng tác như nhiều bài hát khác thôi. Có nhiều người hỏi tôi: “Anh nghĩ gì về The Beatles?”, tôi cảm thấy tự hào về nhóm vì chúng tôi đã mang đến cho mọi người nhiều thông điệp có ý nghĩa tốt. Còn bây giờ thì tất cả đã hết. Chúng ta kết thúc buổi trò chuyện ở đây nhé. Đừng cố day dưa chuyện đó nữa.


Lúc này, Paul chào tôi rồi đi ra phía hậu đài. Thay vì tìm một ai đó làm cầu nối để cố trò chuyện với Paul thêm một lúc nữa thì tôi đứng đó xem anh tập dợt chương trình.
Một tháng sau, tôi gặp lại Paul McCartney để chụp bộ ảnh trong bài viết này ở khách sạn Rosewood London, Anh quốc. Hôm ấy, anh mặc một bộ suit tối màu, áo sơ-mi trắng. Chúng tôi trò chuyện trong lúc ăn nhẹ và Paul vẫn hoạt ngôn như mọi khi. Trong lần gặp này, tôi quyết định dẫn dắt câu chuyện thật nhanh để có thể hỏi được càng nhiều thông tin càng tốt trong vòng nửa giờ. Tôi đã cắt ngang câu chuyện của Paul để chuyển sang chủ đề khác nhiều lần và anh cũng “chống trả” khá quyết liệt. Cuối cùng thì chúng tôi đã trò chuyện suốt 40 phút. Tôi thấy Paul là một người vui vẻ, thẳng tính, khó đoán, hơi cộc cằn nhưng cũng rất nhiệt tình. Nếu bạn không thích Paul McCartney thì chắc bạn có vấn đề rồi.

ESQ: Cuộc sống của anh như thế nào trước khi nổi tiếng?

PM: Tôi không thể vào bất kỳ câu lạc bộ đêm và chẳng ai để ý đến tôi. Tôi cũng chẳng có tiền. Tôi nhớ hết mọi thứ trong đời mình và đặc biệt là lúc còn bé. Sau đó, tôi gia nhập The Beatles và tìm cách để trở nên nổi tiếng.

ESQ: Có khi nào anh cảm thấy hào quang của sự nổi tiếng không tốt đẹp như mong đợi?

PM: À, cũng có chứ. Sự nổi tiếng mang lại nhiều điều phiền phức nhưng cũng có nhiều thứ rất tuyệt. Dù gì thì chúng tôi cũng đã được cảnh báo trước. Khi tên tuổi của chúng tôi bắt đầu đi lên thì chúng tôi phải lựa chọn liệu có nên tiếp tục phát triển hay không. Điều này làm tôi nhớ đến nữ minh tinh Marilyn Monroe vì sự nổi tiếng có thể mang đến kết cục rất bi thảm. Nhưng có lần chúng tôi đến Hy Lạp biểu diễn và phát hiện không nhiều người biết đến tên tuổi của nhóm. Chúng tôi có thể đi chơi với một nhóm nhạc ở khách sạn và họ chẳng biết The Beatles là ai cả. Nhưng khi chúng tôi trở lại Hy Lạp sau đó một thời gian thì mọi chuyện đã khác.

ESQ: Nhiều người phải vật lộn với sự nổi tiếng và bị nó hạ gục. Nhưng anh lại kiểm soát nó khá dễ dàng.

PM: Ở một mức độ nào đó thì có thể nói là vậy. Nếu bạn gặp trở ngại trong cuộc sống như lúc the Beatles rã nhóm, những hào quang trong quá khứ sẽ trở thành một cơn ác mộng kinh hoàng vì bạn không có cách nào thoát ra khỏi nó. Đó là lúc nó vật ngã bạn. Có những người đã bị đánh gục dù cuộc sống của họ khá phẳng lặng.

ESQ: Hay là do họ không chịu được sự soi mói, chú ý thái quá của công chúng?

PM: Tôi không lo mấy chuyện đó. Với tôi, sự nổi tiếng là điều tôi thích và muốn có được. Tôi không ngại bị người khác chú ý và thường nghĩ: “Mình nổi tiếng và đó là con đường mình đã chọn. Không được đổ lỗi cho ai khác”. Mọi thứ sẽ tốt đẹp nếu bạn biết cách tận hưởng nó. Nếu có bất kỳ vấn đề gì xảy ra thì phải giải quyết nó ngay.

ESQ: Anh xuất thân từ một gia đình bình thường ở Liverpool phải không?

PM: Một gia đình nghèo thì chính xác hơn.

ESQ: Nhiều người nói vào thập niên 1960, xã hội không phân chia giai cấp. Điều đó có chính xác không?

PM: Tôi không nghĩ như vậy nhưng đó là thời kỳ xã hội phát triển theo hướng không phân biệt giai cấp. Thời đó, bạn có thể gặp và trò chuyện với bất kỳ ai như nhạc sỹ, họa sỹ, các nhà quý tộc hay nhà soạn kịch. Không ai màng đến chuyện giai cấp, nghề nghiệp cả và đó cũng là điều tôi thích. Dù vậy, giới quý tộc vẫn luôn là tầng lớp cao nhất trong xã hội.

ESQ: Anh đã được phong tước hiệp sỹ. Anh có thấy mình thuộc về giới quý tộc?

PM: Không hẳn là thế. Tôi không giao thiệp với giới quý tộc nhiều lắm. Khi được phong tước hiệp sỹ, tôi nghĩ mình sẽ phải tham dự nhiều sự kiện xa hoa với những quý ông, quý bà khác. Nhưng vấn đề là những người phụ nữ khiến tôi bị thu hút lại không hứng thú với việc theo đuổi những địa vị cao trong xã hội.

ESQ: Dù thích hay không thì anh vẫn được xem là một “bảo vật quốc gia”. Điều đó có thể khiến người ta cảm thấy tự mãn, lười cống hiến rồi trở nên nhạt nhòa.

PM: Chính xác là vậy. Ca sỹ Bob Geldof đã không có thêm sản phẩm nào khác sau khi được phong hiệp sỹ.

ESQ: Tên tuổi của anh và John Lennon luôn đi đôi với nhau?

PM: Tôi hy vọng là vậy.

ESQ: Đôi khi tôi thấy anh không mấy thoải mái khi bị so sánh rằng John giỏi hơn mình.

PM: Đúng thế. Tôi luôn nhìn đời theo cách của một người bình thường. Khi nhóm nhạc tan rã, chúng tôi trở thành những nghệ sỹ độc lập. Mỗi người theo đuổi sự nghiệp riêng của mình. Nó giống như thời chúng tôi còn làm việc chung, các thành viên trong nhóm đều bình đẳng. Nhưng điều đó đã biến mất khi John bị giết. Sự kiện đó đã biến John thành một nghệ sỹ hy sinh vì nghệ thuật. Tôi cảm thấy ngán ngẩm khi mọi người bắt đầu nhắc đến John như một đại diện duy nhất của the Beatles mà quên mất những thành viên khác. Đúng là John có nhiều tác phẩm tuyệt vời và cũng có không ít tác phẩm khá tệ. Nhưng sau khi bị ám sát, anh được nâng lên một đẳng cấp khác. Mọi người bắt đầu ca ngợi John và so sánh với tôi. Họ mang những tác phẩm tốt của John đi so sánh với những tác phẩm tầm tầm của tôi.



ESQ: Nhưng vẫn có nhiều tranh luận về điều này vì tên người sáng tác luôn là Lennon – McCartney chứ không theo thứ tự ngược lại.

PM: Khi còn trẻ, chúng tôi luôn nghĩ cách để ghi tên tác giả cho sáng tác của mình. Trong một buổi họp với Brian Epstein và John, lúc tôi đến thì John và Brian nói: “Chúng tôi nghĩ rằng nên chọn tên tác giả là Lennon và McCartney”. Tôi bảo họ: “Cũng được nhưng sao không gọi là McCartney và Lennon?”. Cả hai đáp: “Tốt thôi, vậy chúng ta sẽ chọn cả Lennon và McCartney, McCartney và Lennon”. Nhưng cái tên kia chưa bao giờ được chọn và tôi cũng không mấy bận tâm. Đó là một thương hiệu tốt như Rogers and Hammerstein. Nếu đặt là Hammerstein and Rogers thì nghe không hay lắm. Mãi đến năm 1996, khi album Anthology được phát hành, tôi thấy họ ghi phần tác giả là: “Sáng tác bởi John Lennon và Paul McCartney”. Lúc đó đã không còn Lennon và McCartney nữa, không còn thương hiệu nào nữa cả. Với Yesterday, John hầu như không tham gia sáng tác và cũng không thành viên nào khác trong nhóm góp phần. Tôi tự sáng tác và hát ca khúc đó. Nó không nằm trong bản thu âm của nhóm và cũng không ai khác tham gia vào quá trình sản xuất. Tôi từng đề nghị họ nên ghi phần tác giả là Paul McCartney và John Lennon trong các sáng tác như bài Strawberry Fields, Nowhere Man, Penny Lane. Lúc đầu Yoko Ono, vợ John, đồng ý nhưng vài ngày sau lại đổi ý và bảo rằng đó không phải là một ý kiến hay. Điều đó làm tôi cảm thấy khó chịu vì một số tác phẩm thành công như Yesterday ghi phần tác giả là John Lennon và Paul McCartney rồi đặt ảnh của John ở phía trên. Tôi nổi điên vì điều đó nhưng họ chẳng hề có ý định điều chỉnh lại cho đúng.

ESQ: Thật khó để anh có thể sáng tác ra những bài hát có sức ảnh hưởng lớn như Yesterday, Hey Jude hay Let It Be một lần nữa. Mà chắc cũng không ai có thể làm được như vậy.

PM: Chắc vậy. Khi sáng tác một ca khúc mới, ta sẽ không muốn nó giống tác phẩm trước đó. Tuy nhiên, nó còn phụ thuộc vào những yếu tố khác nữa. Những bài hát anh vừa đề cập đều được phát hành dưới tên The Beatles, một trong những nhóm nhạc vĩ đại nhất mọi thời đại. Giả sử đến tận bây giờ tôi mới phát hành bài Let It Be thì sẽ chẳng mấy ai chú ý đến nó. Bạn sẽ rất khó để tạo ra một bài hát có cá tính nhưng vẫn êm tai như chúng tôi từng làm. Nhưng điều đó cũng không làm tôi nản lòng và ngừng sáng tác.

ESQ: Phải nói rằng the Beatles xuất hiện vào một thời điểm rất đặc biệt. Thế giới sẵn sàng chào đón họ. Liệu một ban nhạc nào khác có thể tạo ra được sức ảnh hưởng lớn như vậy nữa không? Hay văn hóa thế giới đã thay đổi quá nhiều?

PM: Chúng tôi xuất hiện vào đúng thời điểm thiên thời, địa lợi. Nhưng không thể bỏ qua yếu tố “nhân hòa” vì cả bốn thành viên trong nhóm cũng rất tài năng. Chúng tôi cùng nhau chơi nhạc và tự sáng tác. Liệu điều đó có thể lặp lại không? Tôi không biết chắc. Tôi mong rằng chúng ta sẽ có những nhóm nhạc tài năng mới nhưng tôi thấy điều đó rất khó xảy ra.

ESQ: Anh có cảm thấy mình may mắn không? Làm sao mà bốn người gặp nhau?

PM: Do duyên số cả thôi. Sau này nghĩ lại, tôi nhận ra nhờ có số phận run rủi mà chúng tôi gặp nhau. Tôi thường thấy John trên xe buýt trước khi quen anh ấy. Thật tình cờ là người bạn thân ở trường của tôi quen biết John và giới thiệu chúng tôi với nhau. Chúng tôi cùng thích bài Twenty Flight Rock. Tôi cũng gặp George Harrison trên xe buýt và trò chuyện với nhau vài lần. Sau đó, chúng tôi học cùng trường và cùng thích chơi guitar. Tôi mời John tham gia nhóm nhạc của mình dù anh còn trẻ. Rồi chúng tôi gặp thành viên cuối cùng là Ringo Starr.

ESQ: Anh có tin vào định mệnh hay sự sắp đặt của thượng đế không?

PM: Tôi không biết nữa. Nhưng đó là một điều rất tuyệt vời. Bốn chàng trai sống ở ba khu vực khác nhau chắc sẽ không bao giờ có cơ hội gặp nhau. Nhưng chúng tôi đã gặp và cùng làm việc với nhau. Chúng tôi biết mình đặc biệt, khác biệt và có những thứ mà các nhóm nhạc khác không có được. Đơn giản là thế thôi!
Dù tôi còn rất nhiều điều muốn hỏi Paul nhưng thời gian cho buổi phỏng vấn đã hết. Tôi ra về với một ấn tượng rất sâu sắc về Paul. Anh là một người thông minh, tràn đầy năng lượng, nồng nhiệt và hào phóng nhưng cũng rất nhạy cảm và gai góc.

Esquirevietnam dịch

Bài Viết Liên Quan

0 comments

Bài Đăng Phổ Biến

Video Thành Lập FC - 6/12/2015