George Harrison

George Harrison: Con bọ “không trầm lặng”

Thứ Hai, 30 tháng 11, 2015The Beatles Việt Nam


Trong bộ tứ huyền thoại Beatles, George Harrison người được mệnh danh là “con bọ trầm lặng” (The quiet Beatle) luôn bị lép vế so với hai ông anh lớn John Lennon và Paul McCartney ngay từ những ngày đầu tiên của ban nhạc cho tới sự nghiệp solo sau khi đường ai nấy đi. Nếu John Lennon luôn được xem như một biểu tượng bất diệt của hòa bình và ca khúc “Imagine” luôn được xem như một bài thánh ca của các phong trào chống chiến tranh và Paul McCartney luôn là tâm điểm của sự chú ý mỗi lần xuất hiện trong làng giải trí với hàng trăm giải thưởng danh giá, các album vừa làm hài lòng fan hâm mộ vừa được đánh giá cao về chất lượng của giới phê bình thì George Harrison ít được chú ý hơn nhiều. Sự nghiệp solo của George gần như được đóng khung với ca khúc “My Sweet Lord” và album “All Things Must Pass” ngay sau khi rời khỏi the Beatles. Còn đời tư của ông thì xoay quanh chuyện cô vợ Pattie Boyd đi theo tay guitar huyền thoại Eric Clapton, vốn cũng là bạn thân của George. Thật ra nếu so về tầm vóc và tài năng, George Harrison không hề kém cạnh John và Paul. Về những đóng góp mang tính cách mạng trong lịch sử nhạc rock, George cũng góp phần không nhỏ. Nhân dịp 14 năm ngày mất của George Harrison “thành viên kín tiếng” nhất trong bộ tứ Beatles, hãy điểm lại những cái nhất trong sự nghiệp của ông.   

1. Bản nhạc đầu tiên được sáng tác, thu âm và phát hành chính thức của the Beatles là một sáng tác của George và John.
Ca khúc đầu tiên mang tên tuổi của Beatles đến với công chúng yêu nhạc là đĩa đơn “Love Me Do” năm 1962, một sáng tác chung của John Lennon và Paul McCartney . Bắt đầu sáng tác cùng nhau từ thời niên thiếu, cặp Lennon/McCartney đã viết và thu âm hàng trăm ca khúc đỉnh cao thời kỳ Beatles, nhưng ít ai biết được rằng, ca khúc tự sáng chính thức được thu âm và phát hành dưới cái tên Beatles lại là một sáng tác của John Lennon và George Harrison mang tên “Cry for a Shadow”. Đây là một bản nhạc không lời nhái theo phong cách chơi guitar của nhóm nhạc hòa tấu guitar điện nổi tiếng thời bấy giờ là the Shadows với ngụ ý, các nhóm guitar điện hòa tấu sẽ nhanh chóng bị thất sủng. Đây là một trong số những ca khúc mà the Beatles thu âm khi còn là nhóm nhạc đệm và hát bè cho Tony Sheridan khi còn ở Hamburg năm 1961. Các ca khúc khác được nhóm cùng thu âm trong đợt này là “My Bonnie”, “Ain’t She Sweet”, “When the Saints Go Marching In” đều không phải là sáng tác của the Beatles. 

Bản hòa tấu “Cry for a Shadow” do John và George
sáng tác và thu âm chính thức năm 1961

2. George Harrison là thành viên chơi nhạc chuyên nghiệp đầu tiên của the Beatles.
Mặc dù là thành viên nhỏ tuổi nhất trong nhóm, George lại là thành viên đầu tiên chơi nhạc chuyên nghiệp. Năm 1956, George bắt đầu tập chơi guitar và tiến bộ rất nhanh. Chỉ vài tháng sau, cậu nhóc 13 tuổi đã trở thành tay guitar lead cho nhóm nhạc Rebels do người anh Peter thành lập cùng các bạn. Chính vì vậy khi Paul McCartney giới thiệu George cho John Lennon năm 1958, John đã bị khả năng chơi nhạc điêu luyện của George thu hút khi George chơi lại rất hoàn hảo ca khúc Raunchy, một bài có kỹ thuật guitar tương đối khó. Chính vì vậy anh chàng John ngạo mạn đã chấp nhận “thằng nhóc gầy còm tóc tai bù xù” George vào nhóm của mình. 


 
George đã chinh phục John khi chơi lại Raunchy của Duane Eddy

3. George Harrison là thành viên đầu tiên của Beatles đến Mỹ.
Đối với nước Anh những năm 60, nước Mỹ bên kia Đại Tây Dương là một thiên đường thật sự đối với giới trẻ. Nước Mỹ là đại diện cho sự giàu sang và hiện đại và hơn thế nữa là cái nôi của nhạc rock and roll. Đến Mỹ là một trong những ước mơ lớn nhất của các thanh niên Anh Quốc thời bấy giờ. George Harrison là thành viên đầu tiên của the Beatles được đến Mỹ vào tháng 9 năm 1963 để thăm chị ruột Louise Harrison ở Illinois. Ringo Starrr lúc đầu định tháp tùng George đi Mỹ nhưng sau đó đổi ý đi Hy Lạp để nghỉ mát trong khi John dẫn Cynthia đi nghỉ tuần trăng mật ở Paris. Khi đến Mỹ, George đã mua rất nhiều đĩa nhạc của các thần tượng trong đó có đĩa đơn “I Got My Mind Set On You” của James Ray. Đây là ca khúc mà năm 1987, George đã cover lại và phát hành trong album “Cloud Nine” trở thành single hạng nhất của ông. Ngoài ra, George còn chơi nhạc với nhóm nhạc the Four Vets, tặng họ album đầu tay của Beatles và mua một cây đàn Rickenbacker 425 màu đỏ lửa. Ông đã nhờ người sơn đen cây đàn để hợp màu với cây Rickenbacker của John Lennon. 

4. George Harrison là người đầu tiên giới thiệu cây đàn guitar 12 dây vào nhạc rock.
Khác với những nhóm nhạc Anh thập niên 60 bị ảnh hưởng nặng bởi phong cách nhạc blues trong cách chơi guitar như Rolling Stones hay Yardbirds, phong cách của the Beatles thời kì đầu, nhất là phần guitar solo lại mang đậm chất country & western do George chịu ảnh hưởng phong cách chơi đàn của Chet Atkins, Carl Perkins và Chuck Berry. Điều này khiến cho nhạc của the Beatles mang phong cách vui tươi và có phần hòa âm “sáng sủa” hơn hẳn. Năm 1964, George là người đầu tiên đặt mua cây đàn guitar 12 dây Rickenbacker 360/12 và sử dụng nó để thu âm album “A Hard Day’s Night” của the Beatles. Tiếng đàn lóng lánh đặc trưng của cây guitar 12 dây lập tức thu hút rất nhiều tay guitar khác sử dụng loại nhạc cụ lai giữa guitar và mandolin này mà người thành công nhất là Roger McGuinn của nhóm Mỹ folk rock the Byrds với rất nhiều ca khúc nổi tiếng thu âm bằng guitar 12 dây Rickenbacker. 


5. George Harrison là người mở đầu trào lưu Đông phương hóa nhạc pop.
Năm 1965, George lần đầu tiên được giới thiệu cây đàn sitar của Ấn Độ khi đóng bộ phim ‘Help!” Lập tức, ông bị những âm thanh huyền bí của nhạc cụ này hút hồn và lập tức tầm sư học đạo bậc thầy sitar lừng danh Ravi Shankar. Ca khúc “Norwegian Wood” với tiếng đàn sitar của George Harrison mở màn cho trào lưu chơi sitar trong những ca khúc của mình trong vô số các band nhạc Anh khác như the Kinks, Rolling Stones, Yardbirds, Moody Blues… Thậm chí hãng Rogue còn tung là một mẫu đàn tích hợp giữa sitar và guitar bán rất chạy trong thập niên 60 cho các nhóm nhạc muốn đưa nét huyền bí Đông phương vào âm nhạc của mình. Không chỉ dừng ở đó George còn học chơi một số nhạc cụ cổ truyền Ấn Độ như dilrubah, table… Những ca khúc do George sáng tác như “Love You To” (album Rubber Soul 1966) hay Within You Without You (album Sgt. Pepper 1967) đều mang đậm màu sắc Ấn Độ. Những ca khúc sau này của George Harrison trong sự nghiệp solo của ông cũng đều sử dụng sitar như “When We Was Fab” (1987), Marwa Blues (2001, kết hợp rất khéo giữa slide guitar, ukulele và sitar).


“Within You Without You” một bài đậm chất Ấn Độ của George Harrison

Chất Đông Phương trong âm nhạc của George Harrison ngoài việc sử dụng những nhạc cụ Ấn Độ và âm hưởng của ngũ cung châu Á còn thể hiện qua phần ca từ đầy triết lý Á Đông như “Within You Without You” (1967) kết quả của những chiêm nghiệm cá nhân khi tham gia những buổi thiền do thiền sư Maharishi Maheshi Yogi tổ chức, “the Inner Light” (1968) với phần lời trích từ Đạo Đức Kinh và “While My Guitar Gently Weeps” (1968) chịu ảnh hưởng của Kinh Dịch. Do đó, ngoài biệt hiệu “con bọ trầm lặng”, George Harrison còn có thêm một biệt danh là “con bọ tâm linh” (the spiritual Beatle). 

Ca khúc “Shanghai Surprise” soundtrack của bộ phimcùng tên
do George Harrison sáng tác mang đậm chất Trung Quốc.

6. George Harrison là ngưởi đầu tiên có mang một nghệ sĩ khác vào thu âm trong những tác phẩm của Beatles.
Trong quá trình sáng tác các ca khúc cho album the Beatles năm 1968, George có chơi ca khúc mới viết của mình mang tên While My Guitar Gently Weeps cho hai ông anh John và Paul nghe. Đây là một ca khúc acoustic guitar với phần lời mang tính triết lý trừu tượng cao nên John và Paul không thích nó. Không nản lòng, George đã mời bạn thân là danh cầm Eric Clapton vào thu âm phần solo guitar cho mình. Eric lúc đầu đã từ chối vì sợ phiền phức với John và Paul. Ông nói: “Không được đâu, chưa một nhạc sĩ bên ngoài nào được phép chơi trong một tác phẩm của Beatles cả.” và George dã trấn an bạn mình bằng cách đảm bảo không có chuyện gì xảy ra với Eric. Bù lại, Eric thỏa thuận sẽ không ghi tên mình vào phần tham gia thu âm (credit) để tránh những rắc rối về pháp lý. Thế là “While My Guitar Gently Weeps” với phần solo tuyệt vời của Eric đã ra đời, trở thành một trong 100 ca khúc có phần guitar solo hay nhất mọi thời đại. 


Ca khúc “While My Guitar Gently Weeps” bản demo là một ca khúc acoustic ballad.

7. George Harrison là người đầu tiên phát hành album solo trong bộ tứ Beatles.
Năm 1968, bộ phim huyền ảo mang đậm chất psychedelic Wonderwall của Anh cần nhạc nền. Lúc đầu, nhà sản xuất phim đã đề nghị nhóm Bee Gees sáng tác và thu âm album soundtrack cho album này vì nhóm đang được lăng xê rất mạnh ở Anh năm 1967. Nhưng do lịch đi tour và phát hành album dày đặc, ông bầu của nhóm Bee Gees là Robert Stigwood đã từ chối hợp đồng. George Harrison thích bộ phim này và quyết định nhận viết soundtrack như một dự án riêng ngoài Beatles. Kết quả là album Wonderwall Music, một album không lời kết hợp giữa nhạc Ấn độ và nhạc phương Tây ra đời với sự giúp sức của Eric Clapton và Ravi Shankar. Đây cũng là album đầu tiên mang nhãn đĩa Apple Records. Cũng trong năm 1968, George thu âm và phát hành một album nhạc điện tử với dàn âm thanh Moog, tiền thân của cây keyboard ngày nay, mang tên Eletronic Sounds. Hai album này vừa được phát hành lại dưới dạng CD trong box set George Harrison- the Apple Years (1968-1974) năm 2014. Như vậy, George Harrison đã cho ra đời đến hai album solo trước khi the Beatles tan rã. 

8. George Harrison là người đầu tiên có album và đĩa single đạt hạng nhất trong bộ tứ Beatles.
Trong thời gian Beatles còn tồn tại, George Harrison viết rất nhiều ca khúc nhưng phần lớn đều bị John và Paul không cho thu âm. Điều này tạo nên một sự ấm ức bất mãn rất lớn trong lòng George. Khi the Beatles tan rã, George đã kết hợp với nhà sản xuất Phil Spector phát hành album ba đĩa mang tên All Things Must Pass (1970) bao gồm tất cả những sáng tác bị dìm hàng của mình. Album nhanh chóng đứng nhất bản xếp hạng album và đĩa đơn “My Sweet Lord” cũng đứng nhất bảng xếp hạng ca khúc trong năm. Nhiều nhà phê bình đánh giá đây là một album hay không kém bất cứ một tác phẩm nào của George thời còn là thành viên của Beatles. Với đĩa đơn và album đứng đầu bảng xếp hạng, George là thành viên đầu tiên của Beatles chứng minh được tài năng của mình ở vai trò nghệ sĩ solo chứ không phải là John hay Paul.

Ca khúc “My Sweet Lord” gắn liền với tên tuổi của George thời tách ra solo.

9. George Harrison là người đầu tiên khởi xướng phong trào hòa nhạc từ thiện:
Sẽ không có những buổi hòa nhạc lớn vì mục đích từ thiện quy tu các siêu sao nhạc rock như Unicef: a Gift of Songs (1979), Concert for Kampuchea (1979) và nổi tiếng nhất là Live Aid (1985) nếu không có buổi hòa nhạc gây quỹ từ thiện cứu trợ cho nạn đói ở Bangla Desh năm 1971. Sau nhiều năm bất ổn về mặt chính trị và kinh tế, Đông Pakistan quyết định ly khai khỏi Tây Pakistan để thành lập nước Cộng Hòa Hồi Giáo Bangla Desh năm 1971. Nạn đói năm đó đã khiến cho hơn 2 triệu người Bangla Desh chết vì đói khát và bệnh tật. Theo lời kêu gọi của Ravi Shankar, George đã tập hợp những ngôi sao hàng đầu nhạc rock lúc bấy giờ là Ringo Starr, Eric Clapton, Bob Dylan, Leon Russell, Billy Preston và nhóm Badfinger để thực hiện một show diễn từ thiện, một chương trình truyền hình trực tiếp và một album nhạc sống với toàn bộ số tiền thu được gửi đi cứu trợ cho người dân bị nạn ở Bangla Desh. John Lennon cũng được mởi tham gia nhưng khi biết rằng Yoko Ono không được biểu diễn cùng thì đã nổi giận rút tên khỏi danh sách. Buổi diễn thành công ngoài sức mong đợi.Tuy nhiên, số tiền thu được từ việc bán vé, phát hành album đã bị các công ty truyền thông cắt xén phần lớn và trì hoãn rất lâu trước khi đến với người bị nạn. 
  
George chơi “Here Comes the Sun” trong buổi hòa nhạc từ thiện cho Bangla Desh.

10. George Harrison là người “háo sắc” nhất trong bộ tứ Beatles.
Cả bốn chàng trai Beatles đều là những người đào hoa, điều đó không thể chối cãi vì tài năng và tiếng tăm của họ. Nhưng có một điều khó tin là George Harrison, con bọ trầm lặng nhất lại theo đạo Hindu với tinh thần tiết dục khổ hạnh lại là người “háo sắc” nhất trong bộ tứ. Mal Evans, trợ lý riêng của the Beatles mô tả George Harrison như một cậu trai trẻ có đầu óc đen tối luôn nghĩ về sex. “Sex xuất hiện trong tất cả những câu chuyện của George, từ nghiêm túc cho tới đùa cợt. George và Pattie thường ở lì trong phòng riêng cả ngày trong những chuyến lưu diễn của the Beatles. Chỉ có Chúa mới biết họ làm gì trong đấy!” Mặc dù đã có người vợ sắc nước hương trời, George vẫn thèm khát những người phụ nữ khác trong đó có cả em vợ của mình và vợ của Ringo Starr. Chính George đã tạo điều kiện cho vợ mình qua lại với Eric Clapton để tiện bề tán tỉnh cô em vợ và anh cũng bị cáo buộc là một trong những nguyên nhân làm tan vỡ hôn nhân của Ringo Starr và Maureen. Khi sản xuất bộ phim Shanghai Surprise, George Harrison cũng làm dấy lên tin đồn cặp kè với nữ ca sĩ mới nổi Madonna, người đóng vai chính trong phim. Năm 1991, khi đường dây gái gọi hạng sang cao cấp ở Paris và London bị khui ra, trong danh sách khách VIP của đường dây này có tên của George Harrison như một khách hàng thường xuyên. 

11. Kỹ thuật chơi slide guitar của George khiến những anh hùng guitar khác phải thán phục.
Bên cạnh việc giới thiệu cây đàn guitar 12 dây và đàn sitar của Ấn Độ vào nhạc rock, George còn hoàn thiện kỹ thuật chơi slide guitar, một kỹ thuật vốn dành riêng cho nhạc blues thành một ngón đàn riêng mang đậm dấu ấn của mình. Kỹ thuật này được George hoàn thiện và đưa vào thu âm các ca khúc trong thời kì solo chứ không sử dụng trong giai đoạn Beatles. Chính Eric Clapton, một bậc thầy guitar và cũng là bạn thân của George Harrison đã phát biểu: “Kỹ thuật chơi slide guitar của George đã đạt đến mức tuyệt hảo và tôi không phải là đối thủ trong lĩnh vực này!” 

 “This Is Love” một ca khúc với phần slide guitar đặc trưng của George Harrison

Và phần intro bằng slide guitar trong “Free As a Bird” năm 1995. 

12. Tài năng của George không chỉ dừng ở âm nhạc.
Ngoài tài năng không bàn cãi về âm nhạc, George Harrison còn được biết dến như một nhà sản xuất phim với hãng phim Handmade sản xuất series hài cực kì được ưa thích ở Anh Quốc là Monty Python, một nhà làm vườn giàu kinh nghiệm và một tay đua không chuyên của xe đua thể thức 1, niềm đam mê mà George có được sau lần đi xem giải đua xe năm 1955. Ngoài ra George còn là một họa sĩ nghiệp dư. 

13. Hài hước và thông minh không kém John Lennon:
Mỗi thành viên của the Beatles có một kiểu hài hước riêng: John Lennon hài hước kiểu trí tuệ, Paul thì giả ngây thơ và có cái gì đó hơi trưởng giả, Ringo thì ồn ào và xuề xòa. Riêng George ẩn sau vẻ đạo mạo nghiêm nghị là một sự hài hước trí tuệ không kém gì John. George là người sáng tác những ca khúc châm biếm xã hội như “Taxman” (1966, châm biếm chế độ thuế khóa nặng nề), “Piggies” (1968, châm biếm thói trưởng giả của tầng lớp thượng lưu Anh Quốc), “Savoy Truffle” (1968, trêu chọc thói nghiện ăn ngọt của Eric Clapton), “I Me Mine”“Not Guilty” thể hiện sự ấm ức bất mãn khi bị John và Paul bắt nạt chèn ép. Trong chương trình Christmas with Rutland Weekend Television năm 1975 , George đã gây bất ngờ bằng cách hóa trang thành một tên hải tặc và khi ban nhạc đánh ca khúc “My Sweet Lord”, George ứng khẩu hát một bài về hải tặc “the Pirate Song” khiển mọi người ngã ngửa. Trong bộ phim the Rutles: All You Need Is Cash (1979) chế giễu the Beatles, George xuất hiện trong vai một vai phóng viên. Sự hài hước của George rất hợp gu với chương trình hài kịch Monty Python và hãng phim Handmade của ông đã nhận sản xuất cho series hài kịch này trong đó có những bộ phim rất nổi tiếng và kinh điển của hài kịch Anh Quốc như Life of Brian hay The Holy Grail. Năm 1987, nhóm the Beatles được vinh danh trong bảo tàng Rock and Roll Hall of Fame, khi được mời lên phát biểu, George lại làm cử tọa bật cười sảng khoái bằng câu giới thiệu: “Tôi sẽ chẳng nói gì đâu bởi vì thiên hạ ai cũng gọi tôi là con bọ trầm lặng.” 

“My Sweet Lord” hay “the Pirate Song”?

14. Là thành viên của một siêu nhóm nổi tiếng nhất của nhạc rock.
Ngoài việc là thành viên của the Beatles huyền thoại, George Harrison còn là thành viên của siêu nhóm country-rock mang tên the Traveling Wilburys bao gồm Bob Dylan, Tom Petty, Jeff Lynn, và Roy Orbison. Nhóm đã cho ra đời hai album chất lượng tuyệt hảo Vol.1Vol.3 bán được hàng triệu bản đĩa. Nếu không có cái chết đột ngột của Roy Orbison thì có lẽ the Traveling Wilburys sẽ vẫn còn tiếp tục.
 
“End of the Line” một single thành công của Traveling Wilbury

Huỳnh Chí Viễn

Bài Viết Liên Quan

0 comments

Bài Đăng Phổ Biến

Video Thành Lập FC - 6/12/2015