The Beatles Việt Nam

Không phải Beatles,mà là Bít-tơn – Một Câu Chuyện Về Xuyên Văn Hóa

Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2016The Beatles Việt Nam

“I am he as you are he as you are me and we are all together.”. – John Lennon

Little Richard, một huyền thoại rock ‘n’ roll những năm 50, từng thổ lộ, ông yêu thích The Beatles ngay khi được nghe những đĩa ghi âm của họ vào đầu năm 1963, nhưng phải đến khi gặp 4 chàng trai tới từ Liverpool, ông mới biết họ là người da trắng. “Thú thực là nếu không thấy họ tận mắt thì tôi cứ nghĩ họ là một band nhạc da màu ở quê hương.”.

Luôn luôn có rất nhiều người mà đối với họ, ngày 8 tháng 12 là ngày của một người. Ở Central Park, người ta đem hoa hồng và nến đặt tại Strawberry Fields, trên phiến đá đen trắng có khắc từ Imagine. Âm nhạc của anh vang lên khắp nơi: trong những nhà hát, những sân vận động, trên tivi, trên radio, trên đường phố, trong những quán cafe, trong máy nghe nhạc của cô hàng xóm, trong tai bạn.


36 năm sau ngày mất, John Lennon vẫn được nhắc tới ở Việt Nam. Ngày hôm qua, có ít nhất 3 nơi tôi biết tổ chức đêm nhạc tưởng nhớ người thủ lĩnh năm xưa của The Beatles. Trong số đó có đêm nhạc mang tên Let it be của 2 band nhạc Twilight và Flashback HN.

Hãy khoan chưa bàn về cái tên Let it be vội.

Đêm nhạc bắt đầu từ 8h nhưng 7h tôi đã có mặt. Không phải vì sợ không có chỗ. Beatles có một lực lượng fan không quá đông đảo tại Hà Nội. Có khoảng đâu đó 100-200 khán giả tới theo dõi đêm nhạc tổ chức trong một góc của Quảng trường Sáng tạo của Hanoi Creative City. Một bộ phận trong số đó là những người mê rock. Bởi, bạn cũng biết rằng với người chơi rock, The Beatles có lẽ cũng không khác là mấy so với tầm quan trọng của Mozart trong lòng những người chơi nhạc cổ điển. Một người chơi violin gần như không thể tránh được việc phải học Mozart, và một người chơi guitar cũng khó mà tránh khỏi được việc phải học The Beatles. Một bộ phận khác là những người sinh ra những năm 60, 70, những người đến để nhớ về thời thanh niên nghe Beatles trong các trường đại học. Một bộ phận khác, thế hệ 80 – 90 nghe nhạc Beatles như một thú vui hoài cổ và lãng mạn.


Vấn đề chính là ở đây. Hầu như tất cả đến để tưởng nhớ The Beatles chứ không phải John Lennon. Nhưng ngay cả với Beatles, thì cũng rất nhiều người không biết rằng, không phải sự kiện John Lennon lập ra The Quarrymen là khởi đầu của The Beatles, mà sự kiện John Lennon gặp gỡ Paul McCartney tại nhà thờ St.Peter's mới là khởi đầu cho tất cả. Tất nhiên họ cũng không biết đến The Quarrymen và Paul McCartney.

Band nhạc Twilight với 5 thành viên trẻ tuổi đã mở đầu đêm nhạc bằng The fool on the hill, còn Flashback HN, một band nhạc già dơ trong cộng đồng rock Hà Nội, đã kết thúc đêm nhạc bằng tiếng ngân vang na na na na na na na cùng toàn bộ khán giả. Ca khúc kinh điển ấy không gì khác chính là Hey Jude. Chúng ta đang tưởng niệm John, nhưng 2 ca khúc đầu tiên và cuối cùng đều là các sáng tác của Paul, các sáng tác hoàn toàn McCartneyesque . Cho nên cũng không có gì ngạc nhiên khi đêm nhạc mang tên Let it be, cũng là một ca khúc của Paul nốt.

Đây không phải lần đầu tiên như vậy. Nếu bạn theo dõi đêm nhạc tưởng niệm John do đích thân đài truyền hình Việt Nam (một cơ quan uy tín đáng ra phải có trách nhiệm hơn) tổ chức vào năm ngoái, bạn cũng thấy họ hát Yesterday, Let it be, Ob-la-di- Ob-la-da... đều là bài hát của Paul cả. Tất nhiên họ cũng không thể nào bỏ sót Here comes the sun của George.


Đứng trên tư cách một người hâm mộ của Beatles, đây là chuyện khó có thể chấp nhận với tôi. Tôi đã chờ để được nghe Strawberry fields forever, I am the Walrus, Lucy in the sky with diamonds, và nhất là những sáng tác hậu tan rã của John. John có không ít những ca khúc tuyệt vời hậu tan rã, và họ có thể hát Oh my love, Woman, Working class hero, #9 dream, Instant Karma!, nhưng thay vì thế, họ lại hát Michelle, The long and winding road, Get back, Golden Slumber - Carry that weight - The end. Get back thậm chí còn được giới thiệu trở thành ca khúc John nài nỉ Yoko quay về, trong khi thực tế là ca khúc Paul viết về người chồng cũ của Linda (mặc dù John cho rằng mỗi khi hát đến câu Get back to where you once belonged, Paul đều liếc ánh mắt khó chịu về phiá Yoko). Và sự thực là Ob-la-di Ob-la-da, theo kỹ sư phòng thu Geoff Emerick, thì John ghét ca khúc ấy tới độ gọi nó là “Paul’s granny music shit”. Nhưng hàng năm ở Việt Nam nó vẫn được cất lên để tưởng nhớ John. Cũng có thể đó là lời an ủi John rằng cuộc sống có nhiều điều không vừa ý, nên cái chết xem ra cũng không hẳn là tệ. Nhưng tôi nghi ngờ khả năng này.


Gần như tất cả những bài hát được credit là của Lennon/McCartney đều nghiễm nhiên trở thành một sáng tác của John Lennon. Xem ra Sir Paul lo lắng cũng không phải thừa. Chính John đã từng kể về chuyện anh đi vào một quán bar có một nghệ sĩ vĩ cầm đang chơi Yesterday. Sau đó, anh này đã hỏi xin chữ ký của John lên cây vĩ cầm của mình. John tự hỏi không biết sẽ ra sao khi một ngày kia anh ta phát hiện ra mình đã xin chữ ký nhầm người. Nhưng đây lại là một câu chuyện văn hóa dài khác, còn hiện tại, chúng ta hãy tiếp tục nhìn câu chuyện của riêng Việt Nam.

Dịch giả William Weaver, người đã dịch rất nhiều tác phẩm của các nhà văn Ý như Calvino, Pasolini, Umberto Eco, từng kể câu chuyện vui rằng, khi mới tập tành dịch thuật, ông không hề có từ điển Ý-Anh. Ông chỉ có duy nhất một cuốn từ điển Ý-Đức, và ông không hề biết tiếng Đức. Nhưng sau này, khi ông đã thành thạo tiếng Ý và không mấy khi cần từ điển, ông mới nhận ra mình đã làm gì với tác phẩm, và thôi không dịch thuật. Đây hẳn chỉ là một cách nói quá của Weaver, nhưng nghệ thuật dịch chính là nghệ thuật biến một người Italia thành một người Mỹ. Một tác phẩm dịch có đời sống văn hóa của riêng nó, như Dumas trong tiếng Pháp thì vội vàng còn Dumas của tiếng Anh thì cầu kỳ và hoa mỹ.

Về Beatles cũng là như vậy. Beatles vào Việt Nam, và ở một khía cạnh nào đấy, họ biến thành “người Việt Nam.”. Nó không chỉ là chuyện những cuốn sách thời xưa đã dịch Beatles thành Bít-tơn, John Lennon thành Dôn Len-nơn, Paul McCartney thành Pôn Mặc-các-ni, George Harrison là Dọt Ha-ri-xơn, còn Ringo Starr là Rinh-gô Xta. Bạn có thể cười về lối biên dịch ấy nhưng ngay cả khi ngày nay không ai còn viết Beatles là Bít-tơn (trừ báo Lao Động), thì Beatles trong mắt nhiều người vẫn là Bít-tơn chứ không phải Beatles.

Âm nhạc của The Beatles du nhập vào Việt Nam từ những năm chiến tranh, đầu tiên là qua lính Mỹ cùng giới thượng lưu Sài Gòn, còn ở miền Bắc là thông qua thanh niên Việt Kiều, Hoa Kiều, và giới công nhân sản xuất. Họ sưu tầm đĩa nhạc, bắt chước Beatles lập band, chơi guitar, để tóc dài, ăn mặc theo lối thành thị. Vào thập niên 80, trên thế giới rộ lên cơn sốt quay về với những giá trị của những năm 60, họ nghe lại Jimi Hendrix, The Doors, The Velvet Underground, Led Zeppelin, Việt Nam cũng không nằm ngoài trào lưu đó, và với những người lớn lên vào thập niên 80, Beatles là một phần của đời sống sinh viên.


Dưới sân khấu, người ta nhắc tới Đại Bàng Trắng, tới Hà Trọc, những cái tên nổi bật trong giới rock ngày đó. Còn trên sân khấu, 3 ca sĩ mà Flashback HN mời tới hát hình như đều xuất thân từ Đại học Xây dựng, môi trường mà một thuở sáng thể dục, chiều thể thao, tối cất cao lời ca tiếng hát. Khác với Twilight cải biên những ca khúc của Beatles theo lối pop mơn trớn và ủy mị đúng thị hiếu ngày nay, Flashback HN giữ nguyên những bản phối của Beatles, họ hát bè và lấy guitar điện là nhạc cụ trung tâm, tất nhiên cũng có những đoạn solo guitar được thêm vào, và điều đáng nói hơn cả, họ sở hữu lối trò chuyện duyên dáng và hài hước, một trong những phẩm chất đã tạo nên sức hút có một không hai của The Beatles.

Tay organ mặc chiếc áo John Lennon mà anh đùa cợt gọi là Dôn Le-lôn. Anh giời thiệu giọng ca Minh ballad “vang bóng một thời”, vì yêu âm nhạc mà bán cả ô tô để mở salon âm nhạc. Cũng phải kể đến hai anh Hà, anh Hà Tăm và anh Hà Lực Điền, như kiểu “anh béo và anh gầy” của Chekhov. Họ vừa hát vừa lân la kể lại những chuyện thời còn đi học và phong trào hát nhạc Beatles. Một chị đứng bên cạnh tôi, khi họ đang biểu diễn I should have known better, cảm thán, ngày ấy cả một hội diễn chật cứng người, tất cả cùng hát một câu, vậy mới sướng. Chị là một người hâm mộ thực sự hiếm hoi trong tối hôm ấy đã thuộc hết tất cả những ca khúc của The Beatles, kể cả những ca khúc không dễ hát chút nào như Come Together hay ít được biết tới ở Việt Nam như For you blue.

Các ca sĩ của Flashback đều hát không rõ lời, lối phát âm cũng không được trơn tru, đúng theo kiểu tiếng Anh Việt Nam vẫn được dịch phiên âm trên báo Lao Động. Beatles của họ là một Beatles Việt Nam. Họ đã không chơi thuốc để hát Day Tripper. Họ không biết Get back là của riêng Paul McCartney. Nhưng tất cả những điều đó đều không quan trọng, vì điều quan trọng là họ đã hát lên, và âm nhạc sống qua âm nhạc chứ không phải bất cứ thứ gì khác. Beatles bất tử cùng vì thế. John viết I am the walrus dựa trên những trải nghiệm về LSD, nhưng bạn không nhất thiết phải xài LSD để nghe đi nghe lại hàng nghìn lần ca khúc ấy. Âm nhạc của họ không còn là âm nhạc của họ nữa, nó trở thành âm nhạc của riêng chúng ta, trải nghiệm của riêng chúng ta. Và không chỉ Beatles mà nghệ thuật đã, đang và vẫn luôn sống như vậy.

Và ngay cả với Twilight, tôi có thể không thích cách họ hát những ca khúc của Beatles quá êm dịu như vậy, nhưng đó là trải nghiệm The Beatles của họ. Người Việt Nam phần lớn chỉ biết đến Ob-la-di Ob-la-da mà không biết đến A hard day’s night, nhiều người biết đến Yesterday nhưng không phải ai cũng biết tới In my life, họ hoàn toàn không thích Beatles trong rock ‘n’ roll thời kỳ đầu và cả psychedelic thời kỳ đỉnh cao, họ nghe Paul rất nhiều vì giai điệu, mặc dù họ biết đến John nhiều hơn nhờ vụ ám sát anh cùng những hoạt động đấu tranh hòa bình, chính trị, đó là định nghĩa Beatles của họ, một định nghĩa không hoàn chỉnh nếu so với một The Beatles thực sự, nhưng cái gọi là “xuyên văn hóa” nằm ở chỗ đó. Nó có thể đúng và có thể sai nhưng nó nói lên rằng, các nền văn hóa là khác biệt, con người là khác biệt. Và như Little Richard trước khi nhìn thấy Beatles bằng xương bằng thịt, ông cứ nghĩ họ là người da màu, luôn luôn có một khoảng cách giữa bản thể và những bản dịch, một khoảng cách không thể nào lấp đầy, trừ khi người ta tận tay sờ vào, tận mắt chứng kiến.


Bỏ qua tất cả những tiểu tiết, (vì nếu chỉ muốn nghe một Beatles đích thực, cách duy nhất là về nhà và bật đĩa), thì ít nhất, chúng ta cũng đã được nhớ lại một quá khứ nào đó, và đem cái quá khứ ấy nhét vào balô, tiếp tục lên đường đi tới những ngả đường trước mặt. Dù ca sĩ có phát âm sai, thì bạn cũng sẽ không khỏi nhớ đến lúc 4 chàng bọ chơi bài trên tàu hỏa, với những cô gái ái mộ đứng vây quanh, John sẽ chơi ăn gian, rồi lôi ra chiếc harmonica, để bắt đầu hát I should have known better. Bạn sẽ nhớ đến cảnh đầu tiên của A hard day’s night, George, John và Ringo bị những fan cuồng rượt đuổi, George ngã mà nụ cười vẫn nở trên môi. Bạn sẽ nhớ concert trên mái nhà, nơi John đã luống cuống đến mức chơi sai và nhìn sang Paul như thuở ban đầu vậy, cả khi Paul bịa thêm lời cho Get back khi cảnh sát yêu cầu họ ngừng chơi nhạc. Rồi bạn lại nhớ cái lý do rất đơn giản mà bạn yêu George, đó là cách anh phát âm cụm từ “little darling” trong Here comes the sun, cái cách phát âm sao mà ngọt đến thế và tình đến thế, bạn nhớ lại lúc 4 chàng trai còn để đầu Moptop, tập trượt tuyết trên dãy Alps, nhớ lần Ringo chơi solo trống trong The end, bản nhạc cuối cùng, the swan song, trước khi “giấc mơ ấy qua đi”, giấc mơ ấy đã hết. Chỉ trong một đêm thôi, bạn đã nhớ tất cả những kỷ niệm đó, còn những người không biết tới những kỷ niệm đó, họ sẽ có những kỷ niệm khác với Beatles, có thể là một lần nào khi còn trẻ, đứng trong sân trường đại học, nhìn những người chơi No reply, và cũng muốn nổi loạn như thế, cũng muốn trở thành một phần của bọn họ, cũng muốn chơi nhạc, cũng muốn tung hoành, cũng muốn sống cho đã đời, sống cho tĩ tã. Đó là câu chuyện của riêng bạn, Beatles sống trong bạn vì đó là câu chuyện của riêng bạn, cho nên bạn sẽ không bao giờ quên. Đã có hàng triệu triệu người yêu Beatles, họ có cả nghìn câu chuyện khác nhau về Beatles, nhưng hãy nhớ, câu chuyện của bạn vẫn là một câu chuyện đặc biệt, không lẫn với ai.

Và hãy nhớ, đêm hôm nay, chúng ta đã hát.
Hiền Trang

Bài Viết Liên Quan

0 comments

Bài Đăng Phổ Biến

Video Thành Lập FC - 6/12/2015