The Beatles

Nhạc “sống”: “Con ghẻ” thành dấu ấn lịch sử

Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2019The Beatles Việt Nam

Yesterday là bản thu âm solo đầu tiên từ “một Beatle”. Paul McCartney nổi tiếng đã viết giai điệu bài hát khi đang ngủ, trong một đêm mơ năm 1963 ở London, tin rằng giai điệu ấy từng dai dẳng trước đó đến mức đi vào cả giấc ngủ của mình. Ông hát cho mọi người nghe, hỏi xem họ có biết đó là bài hát gì không. Không ai biết. Vì vậy cuối cùng McCartney quyết định đó là bài hát của mình. (McCartney cẩn thận như vậy vì The Beatles cũng từng có những giây phút “xấu hổ” khi “trùng ý tưởng” mà không nhớ họ từng nghe ở đâu đó.)

Theo lời Paul McCartney, giai điệu đã đến với ông trong một căn phòng gác mái trong ngôi nhà năm tầng của bạn gái lúc đó là Jane Asher. McCartney hẹn hò với cô gái 17 tuổi này sau khi cô đến phỏng vấn ban nhạc. Khi ấy, The Beatles cũng mới thuê căn hộ cùng nhau. Mặc dù cuối cùng cũng có phòng riêng, McCartney ghét bầu không khí lạnh lẽo ở đó. Ngược lại, mẹ của Jane, bà Margaret Asher, Giáo sư Học viện Hoàng gia Anh, đã tạo ra một ngôi nhà ấm cúng cho gia đình, và mời cả bạn trai của con gái đến sống cùng họ.


Trong bầu không khí ấm áp đó, McCartney tỉnh dậy với giai điệu trong đầu. Ông chộp ngay cây đàn guitar cạnh giường và ngân nga một cách đắm đuối. Tin chắc rằng đó là một trong những điệu jazz cũ mà cha mình từng nghe, ông chơi cho mọi người nghe để xem có ai nhận ra bài hát. Trong một buổi tối tại căn hộ của nữ diễn viên kiêm ca sĩ Alma Cogan, khi anh ngồi chơi giai điệu không lời với Cogan và chị gái Sandra, mẹ của họ Faye, bước vào phòng khách và hỏi liệu có ai muốn dùng món trứng bác (scrambled eggs) không. McCartney tiếp lời ngẫu hứng:

Scrambled eggs
Oh my baby how I love your legs
Not as much as I love scrambled eggs

“Những quả trứng khuấy” tiếp tục nằm trong lời bài hát cho đến chuyến đi Bồ Đào Nha vào năm 1965, nơi mà những lời bất ngờ đến với McCartney và ông vội viết nguệch ngoạc lên mặt sau của một phong bì.

Đến lúc thu âm, hóa ra phần còn lại của The Beatles lại là dư thừa. Nhà sản xuất George Martin cảm thấy rằng thứ mà Yesterday cần không phải là trống hay thêm tiếng guitar, mà là tứ tấu đàn dây (string quartet).


Ban đầu, người ta tính phát hành Yesterday là một đĩa đơn (single) solo của McCartney. Nhưng người quản lý Brian Epstein thì không muốn như vậy, dù phần còn lại của The Beatles không quan tâm đến bài hát. Bởi vì đây là một màn trình diễn solo và vì nó không giống với bất kỳ sản phẩm nào trước đó của họ, The Beatles không muốn phát hành single ở Anh, khiến cho hai bản cover của Matt Monroe và Mantovani còn thành danh trước chính bản gốc.

Tất nhiên thì họ cũng có cái lý của mình, nhưng dù bị đối xử thế nào, Yesterday lại ghi nhận là một trong những bài hát hay nhất lịch sử. Quả là trớ trêu! Ước tính, nó là bài hát được cover nhiều nhất trong lịch sử âm nhạc đại chúng, từ Elvis đến Frank Sinatra.

Đó là một bài hát xinh xắn mà đượm đà. McCartney đã hát về sự hối tiếc, về việc biết rằng mình đã làm chuyện hay hóa dở, thậm chí còn muốn nhốt mình trong quá khứ. Ông không cho quá nhiều sự ủy mị vào trong bài hát (và tất cả bài ông sáng tác đều vậy, dù nói về chủ đề gì đi nữa). Thay vào đó, ông hát bằng sự trống rỗng giản đơn, pha thêm một chút mộng tưởng, một chút niềm tin vào những việc mình đang làm, dù rất nặng nề. Tiếng đàn dây của Martin lại thêm một lớp che lên sự ủy mị một cách hoàn hảo, thêm sắc thái tinh tế đủ để đến gần mà không làm lu mờ McCartney, hoặc nhấn chìm người ca sĩ. Yesterday khắc lên người nghệ nhân âm nhạc đã có bước nhảy vọt, đi từ trạng thái mông mị mờ mịt đến việc chấp nhận rủi ro và mỉm cười với đời. Nó là bằng chứng cho thấy một trong những nhạc sĩ nổi tiếng nhất hành tinh có thể sáng tạo và đầy cảm xúc đến nhường nào. Nó còn là biểu tượng cho thấy một ca khúc đại chúng thì cần như thế nào.



Nếu có gì phải “phàn nàn” thì hẳn là Yesterday quá đơn giản, quá mỏng manh đến mức khiến ta gần như e ngại chạm vào nó, mà có thì cũng phải cực kỳ cẩn thận nâng niu, không thì e sẽ vỡ vụn. Nó buồn mênh mang. Nó nhẹ thênh thang. Chỉ cần một chút sơ sẩy khi hát cũng biến nó thành một thứ nhàm chán. Thế nên, bất kể ai cover nó, cũng chẳng thể mang lại cảm xúc như Paul McCartney đã cho chúng ta, mà chỉ có bóng ma của bài hát gốc ám ảnh. Có lẽ, chẳng bài hát nào có thể làm được như Yesterday.

Du Du / Sống Mới

Bài Viết Liên Quan

0 comments

Bài Đăng Phổ Biến

Video Thành Lập FC - 6/12/2015