The Beatles

Ca khúc 'The Word' của The Beatles: Khởi nguồn cho triết lý về tình yêu và hòa bình

Thứ Hai, 11 tháng 5, 2020The Beatles Việt Nam

The Word nằm trong album Rubber Soul (năm 1965) của The Beatles. Có thể không thuộc những ca khúc đình đám nhất của Tứ quái nhưng đây chính là khởi nguồn triết lý của John Lennon, điều sẽ được nhắc lại và làm rõ hơn trong những kiệt tác về sau, từ All You Need Is Love, Come Together tới Imagine và Mind Games.


Bài hát được ghi nhận là đồng sáng tác của Lennon và Paul McCartney nhưng theo Lennon, nó được viết “chủ yếu bởi tôi”. Hoàn cảnh sáng tác The Word cũng là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử bộ đôi huyền thoại khi xuất hiện yếu tố vừa “cản trở” lại vừa mang tới tầm vóc mới.

“Tình yêu” - một từ nhiệm màu
Âm nhạc từ khi hình thành tới nay luôn là tiếng nói tâm tư của con người, từ bi ai tới hạnh phúc. Trong nửa thế kỷ trở lại đây, giữa những cuộc chiến tranh liên miên, âm nhạc, hơn bao giờ hết, là nền tảng thể hiện khao khát hòa bình và tình yêu nhân loại.

Thập niên 1970 có lẽ là thời điểm bùng nổ hiện tượng này với rất nhiều ca khúc đình đám như Love Is The Answer của Todd Rundgren, Peace Train của Cat Steven, Love Train của The O’Jays, và, tất nhiên, Imagine của John Lennon là tiêu biểu cho niềm hy vọng tương lai này. Thập niên 1980 thậm chí còn nâng cao quan điểm này khi kêu gọi mọi người lập tức đứng lên hành động như trong Do They Know It’s Christmas và We Are The World.

Không khó để tìm ngược trở lại một chút về nguồn gốc của hiện tượng này. Phong trào “Mùa hè tình yêu” năm 1967 với sự tham gia của hơn 100.000 người phản đối cuộc chiến tranhdo Mỹ gây ra tại Việt Nam có lẽ đã được truyền cảm hứng từ những ca khúc rất được ưa chuộng trên đài bán dẫn khi đó là People Got To Be Free của The Rascals hay Get Together của The Youngblood. Tất nhiên, All You Need Is Love của The Beatles, phát hành năm 1967, cũng được coi là đứa con của thời khắc này và là nền tảng cho Give Peace A Chance của John Lennon 2 năm sau.

Tuy nhiên, những người hâm mộ The Beatles nhanh chóng chỉ ra rằng, trước phong trào “Mùa hè tình yêu” gần 2 năm, Tứ quái đã mở ra ý niệm đặc biệt về “tình yêu” nhân loại này. Đó là vào tháng 12/1965, hoàn toàn bất ngờ, John Lennon và Paul McCartney phát hành nhạc phẩm mà tác giả Barry Miles trong cuốn tiểu sử về McCartney: Many Years From Now gọi là “một trong những thánh ca hippie đầu tiên”.

“Thánh ca” được nói tới là The Word với mở đầu đầy triết lý: “Nói lên từ đó và anh sẽ tự do/ Nói lên từ đó và hãy như tôi/ Nói lên từ mà tôi đang nghĩ/ Anh đã bao giờ nghe thấy từ “tình yêu”?

Chân lý vĩnh cửu
“Rất khó để viết được ca khúc hay với chỉ một nốt như kiểu Long Tall Sally. Thật sự là rất khó. Đôi khi chúng tôi muốn làm một điều kiểu vậy. Chúng tôi đã gần đạt được với The Word” - McCartney chia sẻ về ý định trong sáng ban đầu khi viết The Word như vậy. Nhưng nó có thật sự trong sáng?

Không hẳn. Bộ đôi đã sáng tác The Word khi đang… “phê”. “Thường thì chúng tôi không hít khi làm việc. Nó cản trở việc sáng tác vì đầu óc cứ trên mây -Ôi trời, chúng ta đang làm cái gì thế này. Cứ tỉnh táo là hơn” - McCartney nhớ lại. “Chúng tôi có làm một hơi rồi bắt đầu viết lên những giấy chép nhạc nhiều màu. Đây là lần đầu chúng tôi làm vậy”.

Có một thực tế đã được thừa nhận rộng rãi là các thành viên The Beatles thường dùng cần sa trong thời gian làm album Rubber Soul. “Rubber Soul là album đầu tiên mà chúng tôi ở trong trạng tháimụ mị đầu óc” - như George Harrison thừa nhận về sau.

Lennon từng giải thích sâu hơn về lời ca khúc: “Đó là lúc tôi chợt nhận ra tình yêu là câu trả lời. Hồi tôi còn trẻ, trong album Rubber Soul. Biểu lộ đầu tiên của tôi về nó là trong ca khúc The Word. Từ đó chính là “tình yêu”. Trong những cuốn sách hay hoặc dở tôi từng đọc, dù là gì, ở đâu, từ đó vẫn là “tình yêu”. Nó như là nền tảng của vũ trụ. Tất cả những điều đáng giá đều thuộc về tình yêu. Đây là cuộc tranh đấu để yêu, được yêu và bộc lộ ra. Thật tuyệt vời”.


Lennon cũng tin tưởng rằng đây là chân lý vĩnh cửu, không bao giờ thay đổi. “Dầu tôi không phải lúc nào cũng là người yêu thương trìu mến nhưng tôi muốn là như vậy, là người tràn đầy yêu thương nhất có thể” - Lennon chia sẻ.

Có một câu chuyện ngoài lề là Yoko Ono, thời mới quen Lennon, từng ghé nhà McCartney năm 1966 để xin một bản chép nhạc làm quà sinh nhật cho nhạc sĩ/nhà thơ người Mỹ John Cage. Trong khi McCartney từ chối, Lennon đã đưa bản sao tờ chép lời The Word.

Số phận thăng trầm
The Word có cấu trúc gồm các phiên khúc và chuyển tiếp vốn rất phổ biến trong danh mục của The Beatles vào thời điểm đó. George Martin - nhà sản xuất thường được coi là thành viên thứ 5 của The Beatles - chơi solo harmoniumtrong ca khúc. McCartney, Lennon và Harrison hát trong hòa âm 3 phần. Lennon một mình hát phần chuyển tiếp.

Dù mang thông điệp rất đẹp nhưng The Beatles dự định rằng The Word là sáng tạo chỉ thực hiện trong phòng thu. Do đó, họ đã nhiều lần từ chối biểu diễn nó trong các chương trình nhạc sống. Rất may, nhiều thập kỷ sau, McCartney đã đồng ý, lần đầu tiên, thể hiện ca khúc trong chuyến lưu diễn On The Run (2011-2012).

Số phận thầm lặng của The Word càng nổi rõ khi album Rubber Soul vốn được các nhà phê bình lẫn khán giả nhiệt liệt đón chào, đứng đầu BXH doanh số tại Anh và Mỹ trong nhiều tuần. Album đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của The Beatles về cả ca từ lẫn kết hợp âm thanh và là nền tảng cho sự hình thành nhiều dòng nhạc về sau như psychedelia và progressive rock. Năm 2012, Rolling Stone xếp album vào vị trí thứ 5 trong danh sách “500 album vĩ đại nhất mọi thời đại”.



The Word không được hưởng cùng hào quang đó. Trong bài phê bình nhân kỷ niệm 50 năm phát hành Rubber Soul, nhà phê bình Jacob Albano của tạp chí Classic Rock Review viết rằng The Word, dù vẫn mang tính giải trí, là ca khúc đầu tiên của album “không thật sự xuất sắc” vì các hòa âm có vẻ hơi quá gượng ép. Nhưng ca khúc được khen ngợi là có nền piano rất ngầu cùng đoạn trống kiệt xuất của Ringo Starr. Không ngạc nhiên bởi bên cạnh nó là Norwegian Wood (The Bird Has Flown) hay Michelle.

Thế nhưng, cũng lại khó phủ nhận được rằng The Word nằm trong số những ca khúc có sức mạnh bậc nhất của The Beatles, như đánh giá của nhiều nhà phê bình. Nó không phải là tháp chuông trong sự nghiệp của Tứ quái nhưng là mặt đất và từ đó mọc lên cây triết lý. John Lennon vốn nổi tiếng là người bác bỏ ảnh hưởng của tôn giáo lên văn hóa nhưng chính The Word lại gợi cảm giác về một điệu phúc âm cũ với ca từ thần bí: “Mới đầu tôi đã hiểu sai/ Nhưng giờ tôi đã hiểu rồi, từ đó thật tuyệt”.

Và từ đó là “tình yêu”, thứ luôn sinh ra vào những khoảnh khắc chẳng ai biết trước được.

“The Word” và mối duyên với Yoko Ono
Có một câu chuyện ngoài lề là Yoko Ono, thời mới quen Lennon, từng ghé nhà McCartney năm 1966 để xin một bản chép nhạc làm quà sinh nhật cho nhạc sĩ/nhà thơ người Mỹ John Cage. Trong khi McCartney từ chối, Lennon đã đưa bản sao tờ chép lời The Word.


Thư Vĩ / TT&VH

Bài Viết Liên Quan

0 comments

Bài Đăng Phổ Biến

Video Thành Lập FC - 6/12/2015