Chúng ta đang sống trong thời khắc chuyển giao thế kỉ và thiên niên kỉ, cái khoảnh khắc hi hữu mà trăm năm, ngàn năm mới có một lần, cái khoảnh khắc cứ xui khiến cho ngay cả những kẻ vô tâm nhất cũng không thể dửng dưng. Lúc này đây, một ý nghĩa cứ dày vò ta mãi: Rốt cuộc thì bằng cách nào nhân loại có thể sống sót qua cái thế kỉ đầy máu và nước mắt của những cuộc chém giết với qui mô và mức độ tàn ác chưa từng có trong lịch sử. Bóng ma của hai cuộc đại chiến cùng với vô vàn những cuộc tiểu chiến và trung chiến hình như vẫn còn ám ảnh và làm run rẩy đến những giấc mơ bé nhỏ cuối cùng của thế kỉ. Đúng là nhân loại đã sống sót và kéo lê tấm thân tàn tạ với những vết thương rỉ máu trong hồn để ngoi ngóp trườn qua cái nửa đầu thế kỉ ngổn ngang xác chết và lại chui ngay vào cái màn đêm chiến tranh lạnh cũng kéo dài gần bằng ấy năm trời… Ngỡ như tâm hồn thế kỉ đã già đi vì chém giết và thù hận, chai sạn đi vì lo âu và dục vọng. Còn lại chút gì gọi là trinh bạch và nguyên sơ nơi tận đáy hồn người thì cuối cùng nền văn minh vật chất cũng vừa vặn đến kịp đề cướp đi nốt. Con người khôn lên rất nhiều, nhưng dại đi cũng không ít, giàu có đến ngàn muôn ức triệu nhưng bỏ mặt cho linh hồn côi cút xin ăn giữa thế gian. Ôi tình yêu, người còn có hay chăng khi tất cả đều mua được bằng tiền, từ sắc đẹp nghiên thành đến nụ cười nửa miệng; liệu tình yêu đã thành xa xỉ phẩm hay chưa khi đồng tính luyến ái và giải phẩu giới tính có thể biến em thành anh và anh lại hóa thành em, ấy là chưa nói tới phép sinh sản vô tính rồi lại cho ta con đàn cháu đống mà chẳng nhọc lòng cưới vợ lấy chồng… Xin ngả mũ chào những phát minh không tiền khoáng hậu của thế kỉ hai mươi, những phát minh đã làm biến dạng cả loài người, nhưng xin đừng ai, đừng cướp mất nụ hôn đầu ngây ngất của tuổi bước vào đời, xin cứ để cho tôi nếm trải nỗi đau tê dại bởi người tình phụ rẫy – tôi thất tình tứ là tôi tồn tại, tức là tôi còn có một linh hồn, một linh hồn biết buồn vui, yêu ghét, biết hi vọng và tuyệt vọng…
Xin còn mãi những khối lập thể của Picasso, những đường nét giản đơn mà thường khi không sao hiểu nổi như thế giới hồn người.
Xin còn mãi những chuỗi cườm trong Thơ Dâng của Tagore run rẩy.
Xin còn mãi, còn mãi âm nhạc của The Beatles.
Trên đống tro tàn của nửa đầu thế kỉ còn sặc sụa mùi thuốc súng, thập kỉ sáu mươi đã đánh dấu bước hồi sinh của Trái Đất bằng việc cất cao những giai điệu của The Beatles. Ít ra một nửa nhân loại đã buồn vui, yêu ghét theo tiếng nét nhạc và ca từ của bốn chàng trai vàng đến từ thành phố cảng Liverpool nước Anh, những nỗi niềm khát sống, khát yêu thường nhật của con người từng phải nén lại bao năm vì đạn bom và đói khát nay được dịp ùa ra như thác lũ.
Love, love me do
You know I love you…
P.S I love you… you, you, you…
Nếu muốn vẽ một biểu tượng cho âm nhạc của Beatles thì không gì hơn là một trái tim với bốn chữ cái viết hoa – LOVE – bởi không ở đâu như trong ca khúc Beatles đậm đặc, toàn tong, suốt từ đầu đến cuối, chỉ một tiếng kêu khét ấy, một giai điệu da diết ấy. Ca sĩ hàng đầu của Beatles, Paul McCartney nói về “Love me do”: “Đó chính là điều mà tôi muốn quay trở lại: Tính đơn giản. Chẳng có gì có thể đơn giản hôn mà lại nói lên được nhiều hơn là “Hãy yêu anh, xin hãy yêu”. Đó cũng chính là lời mà con người vẫn thường nói nhất”. Như ngọn cỏ tơ non mọc lên sau một trận cháy rừng, dẫu còn chút rụt rè ngơ ngác, cái màu xanh bình yên của âm nhạc rốt cuộc đã nhanh chóng phủ kín những vết thương lở lói trên da thịt con người bằng một tình yêu giảm dị mà sâu thẫm vô bờ. Loài người ngạc nhiên thấy mình vẫn còn biết yêu, biết khát khao hạnh phúc và đau khổ. Ấy là khi bốn chàng trai với mái tóc dài phất phơ như cỏ dại với ba câu guitar và một bộ trống chiêng đã đi qua Trái Đất này, đến gõ cửa từng trái tim – những giai điệu Beatles từ đấy quấn riết lấy mọi linh hồn, trẻ trung và tươi tắn, mọi sự bỗng nhiên rành mạch làm sao: “Yesterday, all my troubles seemed so far away, now it looks as though they’re here to stay, oh I believe in yesterday…” và họ gửi đến mọi người một thông điệp – thông điệp “Let It Be” – cái triết lí như một thứ thuốc an thần có đâu từ thuở chàng A.Q của Lỗ Tấn nhưng không phải để khuyên thiên hạ đầu hàng mà la để chiến đấu đến chừng nào còn chưa chết. Câu châm ngôn dân dã “let it be” được Beatles nghiêm chỉnh gọi là “words of whisdom” – rốt cuộc trí không được gọi tên một cách giản dị đến không ngờ, vì bất luận cái gì giúp con người tránh được gục ngã, giúp con người đi qua cõi đời này tự tin và bình thản thì đó là trí khôn. Trí khôn ấy tựa như tôn giáo, hay chính nó là tôn giáo của trí khôn. Beatles bình dân và cập nhật biết bao, Beatles là mẫu mực của pop, pop trong cách nó đến với mọi người và có ích cho con người. Và con người, nhất là thế hệ trẻ hậu chiến đã chọn pop, họ bỏ phiếu cho Beatles bằng những pha rượt đuổi ở khắp nơi trên Trái Đất trong nước mắt đầm đìa mà không bao giờ những nghệ sĩ cổ điển kể cả các thiên tài được ân hưởng.
Beatles và pop, đó là bánh mì và Coca-Cola của thế kỉ này. Không cao lương mĩ vị nhưng chỉ giành cho các quý bà quý ông đóng hộp như cổ điển, cũng không chỉ có gào thét và giật đùng đùng mùa micro như múa giáo của các chàng rock nặng… hay nói cách khác là gồm có cả hai, mỗi thứ một ít, âm nhạc Beatles vừa đánh thức vừa ru ngủ, vừa an ủi vừa giễu cợt, sôi sục và lạnh lung, cứu sống người và ném người xuống nước… âm nhạc Beatles là cuộc phục sinh khó khăn cũa thế kỉ sau bao nhiêu phen nước lửa, là a hard day’s night như tên một bài hát lừng danh của họ.
Rốt cuộc, như một con người trân tục, họ đã sống và họ đã chết. Số phận cả ban nhạc gói trong số phận của chàng ca sĩ, nhạc sĩ đầu đàn John Lennon:
Sống vì yêu và chết cũng vì yêu
Nốt nhạc cuối cùng vang lên thành tiếng súng
Cây cầu nối hai đầu chết sống
Lennon về trên những phím guitar.
(Khúc tưởng niệm muộn màng cho John Lennon)
Những đứa trẻ của hôm nay lớn lên có thể sẽ không còn biết đến Beatles, nhưng thế kỉ hai mươi không thể lùi vào dĩ vãng mà không có Beatles. Bởi Beatles là một phần trong âm thanh của thế kỉ. Và nếu như một thời khắc nào đó của thế kỉ và thiên niên kỉ mới, có ai đó bỗng dưng nhận ra một nỗi buồn bã không đâu len vào giữa lòng mình – một điều có thể lắm chứ, dẫu có diễn ra trên Trái Đất này hay giữa khoảng các vì sao – thì rất có thể đấy chẳng có gì khác hơn là tiếng của ngày hôm qua đang vọng lại giữa ngày mai, bởi vì hôm qua hay ngày mai thì cũng thế, thì tất cả chỉ là cách gọi, những niên hiệu qua đi nhưng lòng người còn lại, và con người buồn bã của tương lai, xin người hãy thêm một lần cất tiếng:
Now it looks as though they’re here to stay,
Oh I believe in yesterday…
Người sẽ thấy lòng mình trong một phút thanh thản trở lại.
Và thế, thế kỉ hai mươi lại hiện về cùng âm nhạc của Beatles. Ở đấy con người đã học cách bước qua cái chết, đã học cách sống cùng với tuyệt vọng. Hỡi những công dân cũa tương lai, cái đó cũng cần cho chính các người!
Năm hai ngàn, mùa hạ
(Kỉ niệm 40 năm ngày ra đời,
30 năm ngày ta vỡ của Beatles huyền thoại
và 20 năm ngày mất của John Lennon)
Anh Ngọc
0 comments