Ringo Starr
Sách Beatles
Ringo Starr - Người hòa giải của ban nhạc
Thứ Tư, 7 tháng 7, 2021The Beatles Việt NamTrong một ban nhạc, có lẽ người chịu thiệt thòi nhất là tay trống. Luôn ngồi khuất sau dàn trống đồ sộ ở một vị trí mà hiếm khi khán giả có thể thấy dược mình, một tay trống thường không gây được nhiều sự chú ý như ca sĩ hay tay lead guitar, những nhân vật luôn là tâm điểm của sự hâm mộ. Nhưng đối với người trong nghề, một tay trống vững vàng là chỗ dựa đáng tin cậy cho cả ban nhạc. Không có người giữ nhịp chuẩn, cây guitar không thể tung hoành ngang dọc và ca sĩ cũng khó có thể thể hiện bản lĩnh của mình. Trường hợp của nhóm Beatles cũng không ngoại lệ. Bài viết này nhằm tôn vinh Ringo Starr, tay trống dễ thương và khiêm tốn, người không những giữ nhịp cho ban nhạc mà còn gìn giữ hoà bình cho mối quan hệ bạn bè của những cái tôi khổng lồ.
Thành viên nhỏ tuổi nhất và lớn tuổi nhất ban nhạc
Năm 1964, tay DJ Murray the K ở New York đã cắc cớ đố các fan của the Beatles, ai là thành viên trẻ nhất và đồng thời cũng là thành viên lớn tuổi nhất của nhóm. Phần thưởng cho người trả lời đúng là đôi vé xem nhóm biểu diễn trong chương trình Ed Sullivan show. Và câu trả lời cho câu hỏi hóc búa này là: Ringo Starr, tay trống của ban nhạc. Vì sao ư? Nếu tính về tuổi tác thì Ringo, sinh ngày 7/7/1940 là thành viên lớn tuổi nhất của ban nhạc, hơn John Lennon ba tháng,hơn Paul gần 2 năm và hơn George ba tuổi. Còn nếu tính về thời điểm gia nhập the Beatles thì Ringo là người gia nhập ban nhạc sau cùng. Chính vì thế anh vừa là người lớn tuổi nhất và cũng là người “trẻ” nhất ban nhạc.
Không có tài sáng tác hay ca hát như John hay Paul, không có cái vẻ bí hiểm thâm trầm như George, Ringo lại quyến rũ fan bằng sự bình dị dễ gần gũi của mình. Tầm vóc thấp bé, cái mũi to quá khổ và đôi môi hơi dày hay cười là những đặc điểm dễ nhận dạng nhất của Ringo Starr trong bộ tứ the Beatles. Trông Ringo Starr có vẻ như một người hàng xóm tốt bụng xuề xoà hơn là một siêu sao nhạc rock. Thật vậy, có thể nói trong suốt hơn 50 năm là một ngôi sao nổi tiếng, Ringo gần như chưa để mất lòng ai bao giờ, từ bạn bè, đồng nghiệp, người hâm mộ cho tới cả đám kí giả khó ưa của các tờ báo. Với tính cách lạc quan hoà đồng, hiếm ai có thể tưởng tượng được rằng Ringo Starr đã phải trải qua một tuổi thơ khá gian khổ.
Sinh ra trong một ca đẻ khó, cậu bé Richard Starkey (tên thật của Ringo Starr) èo uột đã suýt nữa bị khai tử vì cậu quá nhỏ bé và gần như không thở được khi bác sĩ phải dùng kẹp để lôi cậu ra từ trong bụng mẹ. Cả quãng đời thơ ấu của Richard Starkey gắn liền với bệnh viện. Thể chất yếu đuối khiến cậu bé phải ở trong bệnh viện nhiều hơn ở nhà, và lần lâu nhất là gần cả năm trời với căn bệnh viêm phổi. Trải qua sáu ca phẩu thuật liên tục, Richard ngoài việc phải chịu sự hành hạ của bệnh tật còn phải gánh chịu một mất mát lớn khác khi bố mẹ cậu li hôn năm cậu vừa tròn ba tuổi. Sau này khi nói về thời thơ ấu của mình, Ringo thường nhớ lại rằng nhà mình rất nghèo, không có cả nhà vệ sinh và lò sưởi và mặc dù anh không thể nhớ tên được những giáo viên đã dạy mình thời tiểu học, anh lại nhớ rất rõ những y tá và bác sĩ đã chăm sóc mình.
Khi bắt đầu bước vào tuổi thiếu niên, cậu bé Richard phải giúp mẹ kiếm sống bằng việc giao báo và phụ vịêc ở một xưởng đóng tàu. Nhưng những công vịêc đó dường như không phù hợp với thể trạng yếu đuối của cậu bé. Để giúp con rèn luyện thể lực, bố dượng của cậu bé đã mua cho cậu một dàn trống với giá 10 bảng Anh. Không ngờ Richard lại tỏ ra có khiếu và mê mẩn với bộ trống này. Được sự ủng hộ động viên từ bố dượng, cậu bé Richard bắt đầu bỏ nhiều thời gian để chơi trống và đến năm 16 tuổi, cậu đã trở thành một tay trống có hạng ở Liverpool chơi nhạc cho nhiều quán rượu ở địa phương. Tài năng chơi trống của Richard đã giúp cậu kiếm được 30 bảng Anh một tuần, số tiền lương nhiều gấp mấy lần so với những công việc nặng nhọc trước kia cậu từng làm. Thậm chí khi tham gia nhóm Rory Storm and the Hurricanes, Ringo còn sắm cả xe hơi riêng. Cũng trong thời gian đó, Richard Starkey đổi tên thành Ringo Starr, một cái tên đậm chất cao bồi và qua đó phản ánh sở thích đeo nhẫn của cậu.
Trong thời gian chơi nhạc ở Hamburg với nhóm Rory Storm and the Hurricanes, Ringo làm quen với một nhóm nhạc khác cũng đến từ Liverpool gồm năm chàng trai John Lennon (guitar, hát), Paul McCartney (guitar, hát), George Harrison (guitar) Stuart Sutcliff (bass) và Pete Best (trống) với cái tên chung The Beatles. Mặc dù là hai ban nhạc đối thủ cạnh tranh và nếu xét về thâm niên, nhóm Rory Storm đáng mặt đàn anh của Beatles, Ringo vẫn vui vẻ và tận tình giúp đỡ nhóm nhạc mới nổi này. Thậm chí anh còn hào phóng thay thể vị trí của Pete Best sau dàn trống những lúc tay trống này không thể biểu diễn. Có lẽ cả Ringo và nhóm Beatles lúc đó cũng không ngờ được rằng vị trí sau dàn trống của Best sẽ được nhường lại chính thức cho Ringo không lâu sau đó.
Một cuộc đổi thay mang tính lịch sử
Ngày 16/8/1962 có lẽ là một ngày không thể quên được cho Pete Best, tay trống của nhóm Beatles, khi ông bầu Brian Epstein gọi anh lên văn phòng và lúng túng báo cho anh biết rằng anh bị sa thải khỏi ban nhạc và người thay thế anh không ai khác hơn là tay trống của nhóm đối thủ Ringo Starr. Có hai lí do chính dẫn đến sự sa thải Pete Best, người đã cùng đồng cam cộng khổ với Beatles những năm tháng vô danh. Thứ nhất là tài năng chơi trống của anh không tốt bằng Ringo. Và lí do thứ hai nghe có vẻ khá nực cười: Pete quá nổi bật so với các thành viên khác. Thật vậy, với chiều cao 1,85 m, đôi mắt xanh mơ mộng và nụ cười gợi nhớ đến tài tử James Dean, Pete mặc dù là một tay trống lại là cục nam châm hút các fan nữ trong nhóm Beatles. Hơn nữa khi nhóm Beatles quyết định chuyển sang kiểu tóc mop top, thương hiệu của nhóm, với mái tóc xoăn tự nhiên, Pete đã không thể nào để kiểu tóc như Paul, John và George. Với một tay trống quá nổi trội về ngoại hình nhưng hạn chế về tài năng, kế hoạch tiếp thị ban nhạc mang tính đồng đội cao có vẻ khó thực hiện. Chính vì vậy mà Pete trở thành nạn nhân của việc thay ngựa giữa dòng. Sau này khi nhóm Beatles ở đỉnh cao của thế giới, chàng Pete khốn khổ đã phải khó khăn lắm mới vượt qua được những cay đắng trong lòng: “Cứ mỗi lần nhìn thấy Ringo ngồi sau bộ trống của nhóm Beatles, ruột gan tôi như quặng thắt. Tôi cứ bảo với mình vị trí đó đáng lí ra là của tôi mới phải.”
Thật ra khi mới về đầu quân cho the Beatles, Ringo cũng không được tin tưởng lắm. Trong một số ca khúc trong album đầu tiên Please Please Me như “Love Me Do”, Ringo chỉ được ông George Martin phân công chơi bộ gõ còn phần trống để cho một tay trống phòng thu chơi. Trong suốt thời gian tham gia Beatles, Ringo chỉ có hai sáng tác chính mang tên mình là “Don’t Pass Me By” năm 1964, mặc dù bài này đến năm 1968 mới được chính thức thu âm và phát hành trong the White Album và “Octopus’s Garden” năm 1969 trong album Abbey Road. Ngoài ra, Ringo thình thoảng cũng góp giọng vào một vài ca khúc trong mỗi album của the Beatles, những bài hát mà John và Paul xem như là kém chất lượng. Với chất giọng có âm vực hẹp không lên được những nốt cao hoặc luyến láy phức tạp, Ringo hài lòng với những ca khúc dễ hát dễ thuộc. Nhưng lạ ở một chỗ, những ca khúc không đòi hỏi kĩ thuật thanh nhạc cao ấy lại nằm trong những bài hát được yêu thích nhất của Beatles như “Yellow Submarine”, “With a Little Help of My Friends”, “I Wanna Be Your Man” và “Octopus’s Garden”. Và cũng thật lạ lùng khi Ringo Starr chứ không phải là John, Paul hay George lại là người nhận được nhiều thư của người hâm mộ nhất trong thời gian cao trào của cơn Beatlemania. Thánh nhân đãi kẻ khù khờ chẳng? Hay chính vì bản tính dễ thương thật thà không vụ lợi của Ringo đã giúp anh đạt được sự ưu ái mà chính anh cũng không nghĩ tới?
Sự nghiệp âm nhạc thời hậu Beatles
Từ năm 1968, nội bộ nhóm Beatles bắt đầu xuất hiện nhiều dấu hiệu mâu thuẫn, bắt đầu từ sự tự cho quyền mình quản lí ban nhạc theo ý mình của Paul McCartney và sự xuất hiện của người đàn bà Nhật hắc ám Yoko Ono bên cạnh John gần như 24/24. Mặc dù là người dễ tính nhất trong nhóm, Ringo cũng không ít lần cảm thấy bị xúc phạm. Khi Paul McCartney giành quyền chơi trống trong một số ca khúc của album Trắng, Ringo đã bỏ nhóm trong suốt ba tuần lễ để đi du ngoạn với diễn viên Peter Sellers ở Địa Trung Hải vì có cảm giác mình là một người thừa thải. Anh chỉ trở về khi ba thành viên kia hối lỗi gửi cho anh những tấm thiệp gọi anh là tay trống tuyệt vời nhất trên thế giới và dùng hoa tươi phủ đầy dàn trống của Ringo như một lời tạ lỗi. Nhưng không lâu sau đó, do không chịu được thói đỏng đảnh của Yoko Ono, Ringo đã nói thẳng sự bực dọc của mình với John: “John này, chẳng lẽ Yoko cứ xen vào bất cứ chuyện gì cậu làm sao?” Đáp lại, John chỉ trả lời: “Cậu không hiểu đâu, Yoko không phải như những người phụ nữ khác! Đối với tớ, Yoko là một người thực sự đặc biệt.” Một lần nữa, Ringo không đến phòng tập suốt nhiều ngày với nỗi mặc cảm bị xem thường. Như vây, nếu xét về mặt thời gian, Ringo Starr là thành viên đầu tiên rời khỏi nhóm Beatles.
Một ngày năm 1970, với vai trò đại sứ hoà bình, Ringo được John và George cử đến nhà riêng của Paul McCartney với mục đích khuyên Paul dời lại ngày phát hành album solo McCartney vì nó trùng với ngày phát hành Let It Be, album cuối cùng của nhóm. Đón tay trống khốn khổ ngay trước cửa nhà mình là một Paul McCartney đùng đùng nổi giận vì cay cú. Không để cho Ringo có thời gian phân bua, Paul đã tống cổ bạn ra khỏi nhà bằng nắm đấm và lời doạ dẫm: “Không có chuyện dời ngày lại, tao sẽ tính sổ cả lũ chúng mày!” Không bao lâu sau đó, Paul lên báo chính thức tuyên bố về sự tan rã của Beatles.
Khi nhóm Beatles tan rã, với giọng ca “thường thường bậc trung” và khả năng sáng tác không có gì đặc biệt, dường như việc sống sót trong thế giới nhạc pop đầy đào thải khắc nghiệt là một điều không tưởng đối với tay trống Ringo Starr. Tuy nhiên, anh chàng dễ tính này vẫn cứ đều đều thu âm và ra album, mặc kệ sự đời khen chê. Có lẽ đối với anh, việc chơi nhạc là một việc tự nhiên như hít thở khí trời chứ không phải là để tranh giành những thứ hạng trên bảng xêp hạng hay so đo về số lượng đĩa bán ra. Sự nghiệp solo của Ringo bắt đầu bằng album Sentimental Journey đầu năm 1970, một album gồm những ca khúc nổi tiếng của những thập niên trước, món quà mà Ringo dành tặng cho mẹ mình vì bà là fan của những ca khúc kiểu này. Với sự giúp đỡ của những nhạc sĩ đắt giá nhất như Quincy Jones, Marc Bolan, George Martin, Maurice Gibb và Paul McCartney trong vai trò nhà sản xuất, album nhận được nhiều đánh giá mang tính khích lệ của giới phê bình. Thừa thắng xông lên, tháng 9 cùng năm, Ringo tiếp tục tung ra album thứ hai mang tên Beaucoups of Blues, một nỗ lực không tồi đối với một người không phải là ca sĩ chuyên nghiệp. Đỉnh cao của sự nghiệp ca hát của Ringo đến với anh qua những bài hit như “It Don’t Come Easy” (hạng 4 cả Anh lẫn Mỹ năm 1971), “Back Off Boogaloo” (sáng tác chung với Marc Bolan, hạng 2 ở Anh) và “Photograph” (sáng tác với George Harrison, hạng nhất ở Mỹ năm 1973) và album xuất sắc mang tên Ringo (1973). Rủi thay, sau những thành công đó, các album solo khác của Ringo như Goodbye Vienna, Ringo’s Rotogravure, Ringo 4th, Bad Boy, Stop and Smell the Rose và Old Waves đều không gây được ấn tưọng gì cho cả giới phê bình lẫn người hâm mộ mặc dù trong những album như thế đều có sự đóng góp của các thành viên cũ của Beatles một cách riêng lẻ.
Trong suốt hai thập niên 70 và 80, Ringo được mệnh danh là “người vác tù và hàng tổng” trong làng nhạc rock vì nơi nào cần là anh vác dùi đến đánh trống giúp. Những album solo của John Lennon, Paul McCartney và George Harrison đều được Ringo chơi trống cho. Ngay cả sau khi chia tay với nhóm Beatles, Ringo vẫn giữ được mối quan hệ tốt với những bạn bè cũ và cùng họ thu âm như lúc trước. Có thể nói, Ringo Starr trong suốt bao nhiêu thăng trầm vẫn đóng vai trò là dấu gạch nối giữa những thành viên của nhóm.
Thập niên 90 đánh dấu sự trở lại của Ringo Starr trên kệ đĩa với album rất khá mang tên Time Takes Time năm 1992. Và năm 1998, với sự giúp sức của một dàn sao như Paul McCartney, George Harrison, Ozzy Osbourne, Steven Tyler và Joe Walsh, Ringo tiếp tục thu âm một album nữa mang tên Vertical Man. Tuy vậy, những nỗ lực thu âm của Ringo lại không được chào đón nồng nhiệt bằng những tour lưu diễn mang tên Ringo Starr and his All-Starrs Band, tập hợp những anh tài của nhạc rock như Jack Bruce, Peter Frampton, Dr. John, và Dave Edmunds trình diễn lại những bài hit của thập niên 60-70 trong đó có nhiều ca khúc do Ringo hát thời Beatles. Ngoài ra, với tư cách khách mời của những concert quan trọng, Ringo có thể yên tâm rằng ít ra ở vị trí một nghệ sĩ diễn live, hình ảnh của anh vẫn chưa phai mờ trong lòng công chúng.
Duyên nợ với nghệ thuật thứ bảy
Tự nhận rằng mình không phải là một ca sĩ solo thành công như những đồng nghiệp cũ trong Beatles, Ringo lại có thể tự hào rằng sự nghiệp điện ảnh của anh là một trong những điểm son trong cuộc đời của anh. Khi nhóm Beatles bắt đầu thử sức với nghệ thuật thứ bảy qua bộ phim đầu tay A Hard Day’s Night, diễn xuất tự nhiên và dễ thương của Ringo đã được các nhà phê bình khen ngợi. Chính vì thế, đến khi bộ phim thứ hai của nhóm là Help! ra đời năm 1965, Ringo được chọn làm nhân vật chính của câu chuyện.
Từ năm 1968 đến năm 1970, khi nhóm Beatles bắt đầu có những dấu hiệu rạn nứt, Ringo Starr bắt đầu có thời gian thử sức với nghệ thuật thứ bảy một cách chuyên nghiệp hơn. Với Candy và The Magic Christian năm 1968, Ringo đã cảm thấy tự tin và thoải mái hơn trong vai trò một diễn viên. Trong suốt thập niên 70, Ringo đã xuất hiện trên không dưới 10 bộ phim khác nhau như The Kids Are Alright, Son of Dracula, That’ll Be the Day. Và cũng nhờ phim ảnh, Ringo đã gặp người vợ thứ hai của mình Barbra Bach, nữ diễn viên Mỹ nổi tiếng qua bộ phim James Bond-The Spy Who Loves Me (1977). Ringo và Barbra quen nhau khi đóng chung bộ phim Caveman năm 1981, một bộ phim hài về người tiền sử mà nhà tài trợ không ai khác hơn là George Harrison. Ngoài ra, với sự tham gia lồng tiếng bộ phim hoạt hình dành cho thiếu nhi Thomas the Tank Engine & Friends từ năm 1984 đến 1988, Ringo đã được đề cử một giải Emmy giành cho “diễn xuất hay nhất trong thể loại phim truyền hình thiếu nhi.” Khi được hỏi về thành tựu bất ngờ này, Ringo tếu táo: “Các fan của John thường là những người trí thức, Paul thì hấp dẫn giới teen, George được những người có cuộc sống tâm linh ưa chuộng, Còn tôi, tôi là thần tượng của những bà mẹ và trẻ em.”
Chủ nghĩa Ringo (Ringoism)
Đây là cách gọi đùa thân mật mà bạn bè dành triết lí sống đơn giản nhưng luôn vui vẻ của Ringo. Cả bốn thành viên của the Beatles đều là những người có khiếu hài hước nhưng sự khôi hài của John dễ gây tổn thương người đối diện vì nó khá cay độc, Paul thì có một tí gì đó kiểu cách giả tạo, George thì bắt người nghe phải suy ngẫm để hiểu được ẩn ý bên trong lời nói. Ringo thì khác, cái duyên hài của anh đến rất tự nhiên, cũng giống như bản chất thật thà dễ tính của anh. Một trong những giai thoại về tính hài hước của Ringo là khi nhà báo phỏng vấn hỏi anh là một rocker hay một mod, hai hình tượng thời trang phổ biến đầu thập niên 60, Ringo trả lời tỉnh rụi: “Tôi là một kẻ thích đùa (I’m a mocker!)”. Một lần khác, khi được hỏi tại sao anh lại đeo quá nhiều nhẫn trên tay, Ringo đáp: “Vì tôi không thể đeo nhẫn trên cánh mũi”. Trong suốt thời gian ở trong nhóm Beatles, những câu nói bất chợt của Ringo như “A hard day’s night” hay ‘Tomorrow never knows” đã trở thành tiêu đề của một số bài hát của John và Paul. Các phóng viên hầu như ai cũng thích phỏng vấn Ringo vì anh rất hào phóng trong việc chia sẻ cảm xúc cũng như rất vui vẻ trả lời các câu hỏi khá hóc búa. Là một người có tình có nghĩa, ngay sau khi cái chết bất ngờ của John Lennon, Ringo là người duy nhất gọi điện cho Cynthia và Julian để chia buồn rồi sau đó cùng vợ bay thẳng sang New York để an ủi Yoko, trong khi vì lo cho sự an toàn cho mình, George Harrison đã lập tức huỷ show diễn ở Mỹ rồi lặn mất tăm còn Paul thì xuất hiện trong một cuộc họp báo giữa một rừng vệ sĩ. Và để chứng tỏ với mọi người rằng mình luôn sống đúng với lời bài hát “With a Little Help From My Friends”, mỗi album của Ringo Starr là sự cộng tác của một dàn bạn toàn là những “sao bự” trong làng nhạc pop rock như ba tay cựu thành viên của Beatles, Eric Clapton, Maurice Gibb, Ozzy Osbourne…Trong suốt cuộc đời nghệ sĩ của mình, chỉ có duy nhất năm 2008, Ringo làm phật lòng các fan là khi anh phát biểu trên trang web cá nhân sẽ ngừng không tiếp tục kí tặng fan nữa. Giải thích cho hành động thiếu thân thiện của mình, Ringo thanh minh rằng ông quá bận rộn nhưng quan trọng hơn hết là những kỉ vật do Ringo kí tặng đều nhanh chóng xuất hiện trên trang web đấu giá ebay.com với giá cao ngất ngưởng.
Sự hiền lành của Ringo còn thể hiện rất rõ trong phong cách đánh trống của anh: không phô trương hoa mĩ, không quá thiên về kĩ thuật biểu diễn nhưng rất chắc chắn và vững vàng. Bình sinh, Ringo Starr rất ít khi phô trương tài nghệ bằng những đoạn solo trống dài đăng đẳng như những tay trống khác hay làm để chứng tỏ đẳng cấp của mình. Có thể phần độc diễn trống duy nhất mà Ringo biểu diễn là đoạn nối giữa hai bài “Carry that Weight” và “The End” trong album Abbey Road của Beatles năm 1969. Đơn giản nhưng hiệu quả, đó là phương châm chơi trống của Ringo. George Harrison khi nói về tài chơi trống của bạn mình đã bảo rằng: “Ringo là một tay trống hay nhất của thể loại rock and roll. Mặc dù rất lười tập luyện nhưng mỗi khi ngồi xuống dàn trống của mình, Ringo lại biểu diễn một cách nhuần nhuyễn và tự nhiên. Sau này khi thu âm những album solo, Ringo vẫn là lựa chọn hàng đầu của tôi về phần trống.” Nhiều tay trống sau này như Phil Collins, Dave Grohl, Eric Carr đều thừa nhận mình chịu ảnh hưởng rất nhiều từ cách chơi trống của Ringo.
Dễ tính và ham vui, Ringo nhanh chóng trở thành nạn nhân của Swinging London, cuộc sống về đêm của giới nghệ sĩ Anh thập niên 60-70. Kết thân với những bợm nhậu số một trong giới nghệ sĩ như Keith Moon (nhóm the Who), John Bonham (Led Zeppelin). Eric Burdon (nhóm Animals), Harry Nilsson và Maurice Gibb (nhóm Bee Gees), hầu hết thời gian không bận thu âm, lưu diễn hoặc đóng phim, Ringo đều dành cho rượu. Thậm chí khi là hàng xóm của Maurice Gibb ở London năm 1969, tay trống của nhóm Beatles và cậu em út của nhóm Bee Gees đã tính đến chuyện đào một đường hầm ăn thông từ nhà bên này sang nhà bên kia để có thể nhâu nhẹt với nhau bất cứ lúc nào có thể. Và trong suốt khoảng thời gian John Lennon li thân với Yoko và chuyển sang sống ở Los Angeles, Ringo đã cùng người bạn cũ trong nhóm Beatles say sưa tuý luý suốt ngày.
Giờ đây ở tuổi “thất thập cổ lai hi”, tay trống của nhóm Beatles, bằng những nỗ lực của bản thân và sự giúp đỡ của vợ, đã cai được rượu và ma tuý. Theo lời khuyên của Paul McCartney, Ringo cũng trở thành một người ăn chay trường như bạn. Và con trai cả của ông, Zak Starkey cũng nối nghiệp cha trở thành một tay trống nổi tiếng, hiện đang chơi cho nhóm the Who. Với tất cả những danh vọng và tiền bạc do cái tên Beatles mang lại, Ringo Starr đã có thể nghỉ ngơi và an hưởng tuổi già một cách thanh thản. Nhưng không, ông vẫn tiếp tục ra album và lưu diễn, vẫn nhiệt tình xách dùi đến giúp một người bạn nào đấy thu âm. Tất cả vì một tình yêu dành cho âm nhạc của mình và một tình bạn không vụ lợi, bản tính cố hữu của Ringo Starr. Với album mới nhất năm 2010 mang tên “Y Not?” tay trống kì cựu của nhạc rock này muốn gửi đến cho những người hâm mộ một thông điệp tích cực, “không bao giờ là quá già để chơi nhạc rock”.
Huỳnh Chí Viễn / Sách Nửa Thế Kỷ Một Huyền Thoại
0 comments