John Lennon

Imagine, Album nổi tiếng nhất thời hậu Beatles

Thứ Năm, 9 tháng 9, 2021The Beatles Việt Nam


Sự tan rã của the Beatles, nhóm nhạc lừng danh nhất thế giới năm 1970 đã gây nên sự tiếc nuối khôn nguôi của hàng triệu fan trên toàn thế giới. Tuy nhiên, cũng chính nhờ sự tan rã này mà người hâm mộ lại có cơ hội để thưởng thức sự tranh tài của bốn cựu thành viên John, Paul, George và Ringo với tư cách những nghệ sĩ solo trong suốt thập niên 70. Không còn sự ràng buộc nhau về mặt sáng tác, các cựu thành viên của the Beatles có dịp bộc lộ cái tôi của mình một cách rõ nét hơn qua những tác phẩm mang đậm những nét đặc trưng riêng biệt. Trong suốt thập niên 70, mỗi thành viên của nhóm Beatles đã cho ra đời ít nhất một album solo thực sự xuất sắc có thể so sánh với bất kì tác phẩm nào mà họ đã từng tạo ra trước đây. John Lennon thì có Imagine, Paul McCartney có Band on the Run, George Harrison, con bọ trầm lặng nhất lại đạt được thành công sớm nhất với bộ ba đĩa All Things Must Pass và Ringo Starr, mặc dù không được đánh giá cao trong vai trò một ca sĩ solo cũng có được một album Ringo đáng để sưu tầm. Thật khó có thể nói dược album nào là hay hơn album nào nhưng nếu nói về album có tầm ảnh hưởng quan trọng nhất và được biết đến nhiều nhất thì Imagine vượt xa những album còn lại. Với ca khúc chủ đề “Imagine” đã trở nên bất tử trong trái tim những người yêu hoà bình thế giới, album cùng tên dường như đã gắn liền vời tên tuổi của John Lennon. Hễ nhắc đến Imagine là người hâm mộ lại nhắc đến John Lennon và hễ nhắc đến John Lennon thì người ta lại nhớ đến Imagine.

Imagine-Bức chân dung hoàn chỉnh nhất của John Lennon


Nếu những ca từ và nốt nhạc có thể vẽ nên chân dung của một người thì những ca khúc trong album Imagine chính là những gam màu hoàn hảo nhất để vẽ nên một bức truyền thần về tính cách của John Lennon, một nghệ sĩ thiên tài và một con người bình thường với đầy đủ các cung bậc tình cảm: yêu thương, giận dữ, ghen tuông, sẳn sàng mở lòng mình cho hoà bình thế giới nhưng cũng rất nhỏ nhen với người từng là bạn tri kỉ của mình. Với 10 ca khúc và thời lượng tổng cộng khoảng 40 phút, Imagine thể hiện khá trung thực nhiều khía cạnh tính cách của John Lennon.

Năm 1969, John và Yoko mua một biệt thự lớn màu trắng tinh nằm giữa một hòn đảo nhỏ biệt lập ở Ascot, Anh Quốc để làm tổ ấm cho riêng mình và đặt tên nó là Tittenhurst Park. Chính tại thiên đường nhỏ bé của mình, John Lennon đã xây dựng một phòng thu và thu âm hai album quan trọng trong sự nghiệp solo của ông ở đây là Lennon/Plastic Ono Band năm 1970 và Imagine năm 1971. Nếu như album Plastic Ono Band album solo đầu tiên mang tính âm nhạc đích thực của John được đón nhận một cách khá dè dặt bởi giới phê bình và người hâm mộ vì sự thẳng thắn đến mức trần trụi của nó thì Imagine cũng với những ca khúc thiên về tự sự lại được quảng bá một cách hiệu quả hơn. Được sản xuất bởi nhà sản xuất lừng danh Phil Spector và sự giúp đỡ của những người bạn thân như Klaus Voorman (bass), George Harrison (guitar), Jim Keltner và Alan White (trống), King Curtis (saxophone), album được thu chủ yếu tại Ascot Sound Studio và mix tại Record Plant Studio ở New York, nơi một số nhạc cụ khác được đưa vào.

Mở đầu album là bài thánh ca vì hoà bình “Imagine” với tiếng dạo đàn piano không lẫn vào đâu được của John Lennon. Ca khúc vẽ nên một thế giới đại đồng không tưởng nơi không có chiến tranh, không có hận thù, không có sở hữu và cũng không cần đến tôn giáo. Mặc dù thế giới đó chỉ có trong trí tưởng tượng của những người mơ mộng, nhưng ước mơ về một thế giới như vậy không chỉ là ước mơ của riêng mình John mà còn là ước mơ của hàng triệu người yêu hoà bình trên thế giới đang lên án cuộc chiến vô nghĩa của quân đội Mỹ ở Việt Nam. Tính thời sự của ca khúc đã khiến nó trở nên bất tử và những ca từ trong ca khúc hầu hết đều được sử dụng như những khẩu hiệu đấu tranh vì hoà bình. Ca khúc kế tiếp “Crippled Inside”, một ca khúc country rock với tiếng đàn slide guitar của George Harrison, là sự lên án thói đạo đức giả của giai cấp thượng lưu trong xã hội Anh Quốc. “Jealous Guy”, ca khúc nổi tiếng không kém “Imagine” với phần đệm piano dễ gây liên tưởng đến bài hát đầu lại là một bản ballad nhẹ nhàng như một lời tạ lỗi của John đối với Yoko về thói ghen tuông của mình. Là một người chịu nhiều mất mát và thiếu thốn trong tình cảm lúc nhỏ, John thường sợ mất đi những người mình yêu thương. Càng sợ hãi, anh càng ghen tuông và thường sử dụng bạo lực để thể hiện tình cảm của mình. Cả Cynthia lẫn Yoko đều là nạn nhân của những cơn ghen vô cớ của chồng mình. Trong ca khúc đầy ấn tượng này, John biện bạch rằng mình không muốn làm thương tổn người mình yêu, tất cả đều do tính ghen tuông quá đáng của mình. Ít ai biết được rằng, phần nhạc của ca khúc này đã được John viết từ năm 1968 với phần lời hoàn toàn khác có tên “Child of Nature” lấy cảm hứng từ chuyến đi Ấn Độ học thiền của nhóm Beatles. Khi Paul McCartney thu âm ca khúc “Mother Nature’s Son” với cùng chủ đề cho Album Trắng, John đã quyết định giữ lại “Child of Nature” làm của riêng và sau đó đổi lời thành “Jealous Guy”. Ca khúc tiếp theo “It’s So Hard” là một ca khúc rock khá nặng nề thể hiện sự chán chường và thất vọng của John đến mức nhiều lúc muốn buông xuôi tất cả. Được sáng tác trong lúc thu âm album “Plastic Ono Band”, ca khúc này mang đậm âm hưởng khá tiêu cực của những ca khúc cùng thời điểm đó. Và bài hát cuối cùng của mặt A “I don’t wanna be a soldier” với lời hát lập đi lập lại rất ảm ảnh “Mẹ ơi con không muốn làm một người lính vì con không muốn chết.” thể hiện rất rõ thái độ của John Lennon với cuộc chiến tại Việt Nam.

Mặt B của album bắt đầu bằng một ca khúc phản chiến nữa mang tên “Gimme Some Truth”. Ca khúc này là sự đả kích không khoan nhượng vào sự dối trá của chính quyền Nixon khi trả lời về những sự việc có liên quan đến trách nhiệm của quân đội Mỹ trong cuộc thảm sát Mỹ Lai và những trò hề chính trị của giới cầm quyền Mỹ thời bấy giờ. Được sáng tác và thu âm bản demo trong thời gian nhóm Beatles thực hiện dự án Let It Be, “Gimme Some Truth” đã bị loại khỏi album cuối cùng của the Beatles do sự lên án quá công khai của nó. Khi đã thoát khỏi sự kìm hãm của cái tên the Beatles, John đã không ngần ngại sử dụng ca khúc này trong album solo của mình. Đối lập với những phút giây bùng nổ dữ dội với “Gimme Some Truth”, người nghe sẽ tìm thấy được sự tĩnh tại và thư thái đến mức kì lạ với một bản ballad mang âm hưởng nhạc thiền Nhật Bản “Oh My Love”. Với ca từ và giai điệu khá đơn giản nhưng rất lắng đọng, John chứng tỏ cho mọi người biết mình không chỉ biết yêu mà còn yêu rất nồng nàn và sâu sắc. Cùng với “Jealous Guy” và “Woman”, “Oh My Love” luôn xứng đáng là một trong những bản tình ca hay nhất của John Lennon thời hậu Beatles. Ca khúc tiếp theo “How Do You Sleep?” lại là một bài hát đả kích nữa, nhưng lần này không phải đả kích xã hội hay cuộc chiến phi nghĩa mà lại là những lời cay độc nhắm thẳng vào người đã từng là bạn tri kỉ của John trong suốt thập niên 60, cựu Beatles Paul McCartney. Thật khó có thể tưởng tượng một người với tấm lòng bao dung rộng mở cầu phúc cho hoà bình thế giới lại có thể nhỏ nhen và thù hận kinh khủng như vậy với người dồng chí của mình. John chế giễu tài viết nhạc của Paul, bảo rằng: “Những gì mà mi làm được đã thuộc về ngày hôm qua, còn từ lúc mi rời nhóm, mi chằng làm đựơc gì mới mẻ cả” Với tài chơi chữ của mình, John đã khéo léo ghép tên hai ca khúc “Yesterday” và “Another Day” của Paul vào lời bài hát với hàm ý rằng, khi còn ở trong nhóm the Beatles, Paul chỉ viết được một bài đáng giá là “Yesterday”, còn trong sự nghiệp solo, chỉ có ca khúc “Another Day” là nghe được mà thôi. Không dừng ở đó, John tiếp tục nặng lời: “Một gương mặt đẹp trai thì chỉ có thể tồn tại một vài năm mà thôi. Không sớm thì muộn thiên hạ sẽ nhận biết đựoc tài năng thật sự của mi” Góp sức cho ca khúc đầy tính khiêu khích này là tiếng đàn guitar slide rất ma quái của George Harrison, thành viên nhóm Beatles vốn cũng có nhiều ân oán với Paul McCartney. Dường như để thành lập một liên minh trút giận lên đầu của Paul, John còn nhờ Ringo Starr chơi trống cho ca khúc nhưng sau khi nghe bài hát, Ringo đã nổi giận với John và từ chối giúp đỡ trong việc thu âm.
 
Sau khi đã cà khịa chán chê với Paul McCartney, John lại quay sang dằn vặt chính mình với bản ballad “How?” Anh tự hỏi: “Làm sao tôi có thể tiếp tục bước đi về phía trước khi tôi chẳng biết mình phải đi về đâu? Làm sao tôi có thể cho em tình yêu khi tình yêu là thứ mà tôi chưa bao giờ có được?” Dường như trong John Lennon luôn tồn tại một nỗi sợ hãi và sự cô đơn khá mơ hồ. Cái vẻ bất cần lãng tử bên ngoài thực chất đã không thể che giấu được sự đa cảm và yếu đuối bên trong của một tâm hồn nghệ sĩ. Có lẽ bài hát mang âm điệu vui tươi duy nhất của cả album là bài hát cuối cùng “Oh Yoko!” với tiếng kèn harmonica gợi nhớ đến Bob Dylan và ca từ đơn giản nhưng chân thật. Có một câu ngạn ngữ cổ đã từng nói: “Tình yêu chân thật có thể làm cho kẻ dữ dằn nhất trở nên hiền lành.” Giai điệu lạc quan vui vẻ của “Oh Yoko!” đã minh chứng được câu nói trên. Sau khi gây sự chán chê với xã hội, với bạn thân và với chính bản thân mình, chàng John lắm chuyện lại vui như trẻ con được mặc áo mới khi nói về tình yêu của mình. Tình yêu dành cho Yoko dường như là sự cứu rỗi thật sự về mặt tâm hồn, cái mà danh vọng và tiền bạc của một ngôi sao nổi tiếng không mang đến được cho John.

Imagine và những sản phẩm “ăn theo”

Dường như khi bắt tay vào làm album này, John đã quyết định rằng mình phải chơi nổi hơn những người bạn cùng hội cùng thuyền trước đây. Bằng chứng là năm 1972, John và Yoko đã tung ra cuốn dài gần 1 giờ đồng hồ để quảng bá cho album. Cuốn băng được mở đầu bằng video clip khá nổi tiếng “Imagine” với cảnh vợ chồng John cùng nhau bước đi trong vườn rồi mở cánh cổng dẫn tới một căn phòng trắng toát nơi John ngồi bên cây đàn piano cũng tuyền một màu trắng và hát ca khúc “Imagine” với Yoko, gương mặt hoàn toàn không hề biểu lộ một cảm xúc nào, ngồi kế bên. Đối với nhiều người hâm mộ John, đoạn clip kể trên đã trở thành kinh điển nhưng khi vừa ra đời, nó đã bị nhiều người chỉ trích vì họ cho rằng John và Yoko cố tình khoe khoang sự xa xỉ của mình trong khi hát về một thế giới không có sở hữu, tranh giành cùng với vẻ lạnh lùng vô cảm của Yoko. Khác với hình ảnh một John Lennon râu tóc xồm xoàm của một năm trước đó, John Lennon của Imagine nhìn rất bảnh bao và sạch sẽ với mái tóc cắt ngắn như thời kì đầu của Beatles. Cặp kính tròn nổi tiếng cũng được thay thế bằng những cặp kính mát khác nhau. Phần lớn các clip minh hoạt của album Imagine được quay tại ba địa điểm chính. Một là tại tư gia của cặp vợ chồng nổi tiếng này: điền trang Tittenshurst Park nơi John và Yoko có những giây phút lãng mạn bên nhau. Họ cùng nhau uống trà, đánh cờ, chèo thuyền (ca khúc “How?”) thậm chí âu yếm nhau trong bồn tắm (trong bài “Oh Yoko!”). Địa điểm quay thứ hai là tại thành phố New York. Ngưòi xem có thể thấy cảnh John và Yoko trong bộ quân phục và mũ nồi đội lệch cùng nhau rảo bước trên những con phố và giơ nắm tay về phía tượng Nữ Thần Tự Do (I don’t Wanna be a Soldier). Địa điểm quay thứ ba là tại một ngôi đền ở Tokyo trong một không khí đậm chất thiền, John và Yoko yên lặng ngồi bên nhau nhìn ra khu vườn kiểu Nhật Bản tuyệt đẹp (Oh My Love). Riêng với ca khúc “Jealous Guy” thì máy quay vào tận bên trong phòng thu để quay lại toàn bộ cảnh John thu âm phần lời của bài hát này. Còn đối với “How Do You Sleep?” John cố tình sử dụng những thước phim mang tính avant-garde với hình ảnh một đôi cánh dơi màu đen bay chập chờn ma quái. Bên cạnh những ca khúc trong album, cuốn phim còn kèm thêm hai ca khúc mang tính thử nghiệm của Yoko là “Mrs. Lennon” và “Don’t Count the Waves”. Với thời lượng ban đầu là 70 phút, những nhà biên tập đã cắt bớt một bài “Mind Train” của Yoko và gần một nửa ca khúc “I Don’t Wanna Be the Soldier” của John để đủ thời lượng phát sóng trên truyền hình. Năm 1986, bộ phim này xuất hiện trên thị trường Anh và Mỹ dưới dạng băng video.

Năm 1988, cái tên Imagine được sử dụng lại một lần nữa cho bộ phim tài liệu về cuộc đời của John Lennon do hãng Warner Bros sản xuất. Trong bộ phim tài liệu này, những fan lần đầu tiên được xem những thước phim chưa từng được công bố về John Lennon trong vai trò một thành viên của Beatles và một nghệ sĩ solo. Lời dẫn trong bộ phim phần lớn được trích từ những băng lưu trữ các cuộc phỏng vấn của John lúc sinh thời. Và đặc biệt, lần đầu tiên người hâm mộ được thưởng thức phiên bản acoustic của ca khúc “Real Love” một ca khúc John viết dang dở vào năm 1979 chưa từng được thu âm hoặc công bố. Được đánh giá là khắc hoạ khá thành công tính cách của John Lennon, bộ phim tài liệu Imagine nhận dược sự ủng hộ nhiệt tình của các fan và cho đến nay, bộ phim này vẫn là một trong những bộ phim tài liệu có giá trị nhất về nhóm Beatles và John Lennon.

Năm 2000, nhân dịp kỉ niệm 20 năm ngày mất của John Lennon, người hâm mộ lại được thoả lòng mong ước khi DVD Gimme Some Truth: The Making of John Lennon’s Imagine được tung ra thị trường. Với độ dài trên dưới 1 giờ đồng hồ, các fan được theo chân thần tượng của mình vào phòng thu Ascot Sound Studio ở Tittenhurst Park để theo dõi gần như toàn bộ quá trình thu album.Trái với hình ảnh thư thái và tươi tỉnh trong cuốn video quảng bá album Imagine, John Lennon trong thời gian thu album có vẻ khá bơ phờ mệt mỏi và căng thẳng. Nhiều lần trong lúc thu âm, do không giữ được sự bình tĩnh, John đã văng tục và tỏ ra cáu kỉnh. Giọng của anh đôi lúc cũng gần như lạc đi nhất là khi thu âm phần lời của ca khúc “Gimme Some Truth”. John đã hát gần như thét trong bài hát này. Cùng làm việc với John là nhà sản xuất Phil Spector, tay bass kiêm hoạ sĩ người Đức Klaus Voorman, tay trống Alan White, cựu Beatles Geroge Harrison và dĩ nhiên không thể thiếu Yoko Ono. Trong suốt thời gian thu âm album, John thường ngồi bên cây đàn piano để chơi phần giai điệu cơ bản và những người còn lại sẽ cùng bàn bạc ý tưởng phối âm. George Harrison, gầy gò hốc hác với bộ râu xồm xoàm và bộ quần áo jean bạc màu là người chơi guitar lead cho hầu hết các tác phẩm trong album này. Trong một cảnh quay, John đã không giấu được sự thoả mãn và hả hê khi chơi thử một đoạn bài “How Do You Sleep?” trên piano cho George nghe và dường như George cũng tỏ ra ủng hộ cách trả thù bằng âm nhạc của John đối với Paul. Ở một cảnh quay khác, George tỏ vẻ khá khó chịu khi Yoko không ngừng góp ý vào phần chơi guitar của mình. Cũng trong bộ phim này, người xem có thể thấy cảnh John mặc chiếc áo phông có in cờ của Mặt Trận giải phóng miền Nam Việt Nam trước ngực với ngôi sao vàng in trên nền đỏ và xanh da trời hay cảnh John mời một tay thanh niên hippie vào cùng ăn trưa. Người thanh niên này,có vẻ là một người Mỹ, đã lặn lội đến Anh và tìm cách đột nhập vào Tittenhurst Park chỉ để tìm gặp John và hỏi về ý nghĩa của lời những ca khúc của Beatles như Carry That Weight. Và John đã trả lời cho anh chàng fan ngớ ngẩn rằng những ca khúc mà anh sáng tác phần lớn đều xuất phát từ bản thân chứ không có ý định ám chỉ ai hay có một ý nghĩa mang tính tiên tri nào như chàng này đã lầm tưởng. Nếu người nghe cảm thấy có một sự liên hệ nào đó với mình thì đó chỉ là một sự trùng hợp hoàn toàn ngẫu nhiên. Một lần nữa, những thước phim tư liệu quí giá này lại giúp ngưòi hâm mộ hiểu rõ hơn về quá trình lao động nghệ thuật để tạo ra một tác phẩm âm nhạc có giá trị.

Huỳnh Chí Viễn / Sách Nửa Thế Kỷ Một Huyền Thoại

Bài Viết Liên Quan

0 comments

Bài Đăng Phổ Biến

Video Thành Lập FC - 6/12/2015