featured
The Beatles
The Beatles – tình yêu đầu đời thuần khiết của nhiều thế hệ
Thứ Năm, 9 tháng 12, 2021The Beatles Việt Nam8.12.1980 là ngày John Lennon bị ám sát và hàng năm cứ tới ngày này, người hâm mộ khắp thế giới lại nói về The Beatles cùng di sản âm nhạc của họ.
Trưa thứ Năm một ngày đầu năm 1969 có lẽ sẽ là một ngày bình thường với hai cảnh sát Ray Dagg và Ray Shayler nếu như họ không nhận được khoảng 30 báo cáo phàn nàn về tiếng ồn từ số 3 đường Savile Row. Địa chỉ ấy là nơi đặt trụ sở của Apple, công ty riêng của bốn thành viên The Beatles. Ngay lập tức, hai cảnh sát khăn gói tới đó và bắt gặp đám đông đang tụ tập gây tắc nghẽn giao thông. Tất cả già, trẻ, lớn, bé đang cùng ngẩng đầu lên theo dõi một buổi biểu diễn ca nhạc vô tiền khoáng hậu tổ chức ngay trên nóc ngôi nhà liền kề 5 tầng theo phong cách kiến trúc Georgian với lớp gạch đỏ.
The Beatles đang hát, trước công chúng, trong một buổi diễn không báo trước. Đã bốn năm sau vụ tai tiếng của John Lennon khi tuyên bố The Beatles nổi tiếng hơn Chúa Jesus, cùng tour diễn năm 1966 tại Mỹ tràn ngập nỗi sợ bị tấn công, khiến ban nhạc chán ngấy việc rong ruổi trên đường và quyết định "ở ẩn".
Lần xuất hiện chớp nhoáng trên mái nhà ngày 30/1/1969 cũng là lần cuối cùng Tứ Quái biểu diễn trực tiếp. Không sân khấu hoành tráng, không quảng cáo rùm beng, chỉ có bốn thành viên với những chiếc áo sù sù mượn từ các bà vợ, thêm khách mời là nghệ sĩ Billy Preston chơi piano cùng khán giả là những người tình cờ đi qua đó. Có những người chưa nhận ra họ lập tức, có những người còn không thích họ, có những người láng máng nghe nhạc The Beatles mà không phải fan ruột, nhưng họ đều nhận ra mình là những người may mắn nhất khi chứng kiến giây phút diệu kỳ sẽ không còn có nữa. Sau đó không lâu, The Beatles tan rã, mỗi người đi một con đường riêng, không bao giờ tái hợp.
Trong buổi diễn ấy, lúc hát ca khúc Don’t Let Me Down đầu tiên, John Lennon bối rối tới mức quên lời và nhanh trí bịa ra một câu luyên thuyên trám vào. Bất chấp có vài đổi thay, vài rạn nứt và vài hiểu lầm, John của giây phút này thực sự giống hệt cậu bé John 16 tuổi ở hội làng năm nào mà Paul trông thấy đang biểu diễn cùng ban nhạc The Quarrymen. Cậu bé đó cũng thường xuyên không thuộc lời và bịa lời. Cũng chính cậu bé đó đã ngưỡng mộ Paul vì lời bài hát nào Paul cũng thuộc trơn tru. Chính sự khác biệt này, một vô phép tắc – một cầu toàn, một bốc đồng – một ngọt ngào, một đầy phức cảm – một đầy tình yêu, một thi sĩ của lời ca – một thiên tài của giai điệu, đã kết nối Lennon/McCartney thành cặp tri âm hoàn hảo.
Những người hâm mộ The Rolling Stones, đối thủ lớn nhất của The Beatles, đôi khi nói rằng The Rolling Stones mới là ban nhạc rock đích thực, bởi họ đi tour suốt cả đời, hát cho hàng triệu khán giả và ở tuổi ngót nghét 80 vẫn tiếp tục lên đường. Rock phải sống động và điên cuồng trong một không gian mở thì mới đích thực là rock.
Ngược lại, The Beatles ở nửa sau thập niên 60 lại nổi tiếng hơn bởi những cuộc cách mạng trong phòng thu, khởi xướng thực hành những kỹ thuật mới như sampling, double tracking, backmasking hay sử dụng máy ghi âm nhiều rãnh, thay đổi hoàn toàn phương cách ghi âm. Bốn "chàng bọ" vùi mình trong studio.
Chẳng hạn với A Day in the Life - một đỉnh cao sáng tác và sản xuất trong lịch sử âm nhạc, The Beatles tạo nên không gian bồng bềnh giữa hiện thực, giấc mơ, sự hư vô và "ngày tàn của thế giới" với một đoạn glissando – chùm nốt nhạc từ thấp nhất đến cao nhất do một dàn nhạc 40 người chơi ngẫu hứng, không theo chỉ dẫn hay tiết nhịp nào rồi kết thúc bản nhạc bằng một mớ âm thanh nói năng lộn xộn vô nghĩa nhưng người nghe vẫn thích tìm cách căng tai ra để "giải mật mã" những câu nói không đầu không cuối của họ.
Dù về sau ngao ngán với biểu diễn trực tiếp và muốn dừng lại, sự thực là chính The Beatles mới là những người tiên phong biểu diễn trong một sân vận động lấp kín chỗ. Nếu so sánh với những sân khấu đạt đến cảnh giới những tác phẩm nghệ thuật thị giác ngày nay, sân khấu thời The Beatles sơ sài và buồn tẻ.
Họ cũng không có mánh khóe gì quá đặc biệt để thu hút đám đông, không có những siêu màn hình digital hỗ trợ, không có concept cụ thể, chỉ có bốn thành viên ban nhạc đứng trên sân khấu hát từ đầu tới cuối, hết bài này tới bài kia. Hệ thống âm thanh tồi tệ đến mức tiếng khán giả la hét làm họ chẳng nghe ra âm nhạc và chơi sai liên tục. Tay trống Ringo Starr còn hài hước chia sẻ anh phải giữ nhịp bằng cách quan sát nhịp... đánh mông của ba người bạn.
Vậy mà vẫn có gì đó thật dễ thương, ngọt ngào khi xem lại những thước phim cũ mờ của ban nhạc thời trẻ trung ấy, như trong một buổi diễn ở Nhà hát ABC mà khán giả vẫn có thể xem lại trên Youtube.
Trên sân khấu đơn điệu với phần nền được trang trí như những hình nhân nhảy múa của Sherlock Holmes, cậu em út kiêm cây guitar chính của The Beatles giới thiệu bài hát tiếp theo do "Paul McCartney đến từ Liverpool" trình bày, rồi John và George rời đi, chỉ để lại Ringo im lặng chìm lấp dần trong bóng tối khi đèn sân khấu tắt, còn mình Paul đứng đó với cây đàn acoustic, hát Yesterday, bản tình ca đẹp tinh khôi như một người yêu xưa mà dù đã xa cách bao lâu, đến khi gặp lại vẫn khiến lòng ta xốn xang.
Bài hát vừa dứt, John và George quay về, John nhí nhảnh mang theo một bó hoa tặng Paul. Nhưng Paul vừa cầm bó hoa thì phát hiện ra trò trêu ghẹo của John: bó hoa ấy được cắt rời làm hai phần từ trước và Paul chỉ cầm được đúng phần cành hoa ở dưới, những bông hoa phía trên vẫn được John giữ trong tay.
Đó không phải là một phần của màn biểu diễn, đơn giản là John luôn thích trêu chọc mọi người và The Beatles thì luôn ăn ý, đùa cợt nhau trong mọi hoàn cảnh, dù ở trước sân khấu hay ngoài sân khấu, khác hoàn toàn vẻ đáng yêu được lên kịch bản của những nhóm nhạc ngày nay trong những chương trình thực tế. Cái vẻ mặt nghệt ra của Paul cùng câu nói tỉnh bơ của John ngay sau: "Cảm ơn Ringo, tuyệt vời lắm!" đã nói hết về thứ phản ứng hóa học quá đỗi chân thật, không thể bị làm giả, không một concept nào tạo nên được ở bốn thành viên John, Paul, Ringo và George.
Nói về sự tan rã của The Beatles, có lẽ vào giờ phút Yesterday – bản nhạc nổi tiếng nhất của họ - thành hình thì nghịch lý thay, nó đã định trước rằng The Beatles sẽ không thể mãi bên nhau, rằng sẽ đến lúc khi quay đầu lại, họ sẽ thấy The Beatles rốt cục chỉ là chuyện của "ngày hôm qua", thời mà "mọi rắc rối dường như ở rất xa", họ nay đã "không còn là mình của ngày xưa dù là một nửa".
Bài hát thành công tới mức Paul từng nói nếu nó không thành công đến vậy, chắc ông sẽ thích nó hơn. Mặc dù nếu không có John khuyên nên đổi lời, có khi Yesterday đã có tên là Scrambled Eggs (món trứng bác) và có khi không trở thành bản nhạc bất hủ mọi thời. Nhưng nói gì đi nữa, Yesterday là nhạc phẩm của riêng Paul, cho thấy Paul có thể đứng một mình mà không cần đến John, càng không cần tới Ringo hay George.
Bản thu của Yesterday trong album Help! cũng không có sự tham gia của ba người kia, mà chỉ mình Paul cùng dàn tứ tấu dây. Nhiều rạn nứt, dù không nói, rồi cũng từ đây mà lớn dần lên.
Nhiều người hâm mộ bắt gặp lại sự thăng hoa của Paul khi đứng một mình nhiều lần hậu tan rã. Sau này, Paul xuất hiện, lúc đã được phong tước Hiệp Sĩ với mái tóc ngả bạc, tại lễ khai mạc Olympic London năm 2012, khi ông kết màn toàn bộ buổi lễ quan trọng nhất năm này bằng Hey Jude.
Bài hát này vốn dĩ sinh ra để hát trong những sân vận động, nơi hàng nghìn người có thể cùng nhau hát "Na-na-na" dù chẳng cần hiểu gì. Paul đã làm quá tốt nhiệm vụ của ông ngày hôm đó: như một quản ca bắt nhịp khán giả, vận động viên thể thao bên dưới đến từ mọi nơi, thuộc mọi màu da, mọi quốc tịch, nói đủ thứ ngôn ngữ, có những người chưa từng nghe Hey Jude bao giờ song họ vẫn có thể hát theo. Tiếng hát "Na-na-na" của chừng ấy con người rền vang tưởng như bay được ra ngoài vũ trụ.
Thế nhưng vẫn có chút gì đó dường như thiêu thiếu.
Khán giả sẽ biết chút đó là gì khi xem lại MV Hey Jude thời The Beatles, một đoạn video được ghi âm trực tiếp với bốn thành viên được giới thiệu như "dàn nhạc phòng trà vĩ đại nhất thế giới", cùng các khán giả thực thụ ngồi xung quanh thuộc đủ tầng lớp đàn ông, đàn bà, da trắng, da đen, da vàng, người già, người trẻ - "một khoảnh khắc tinh túy của thập niên 60, một hoạt cảnh đầy xúc động về niềm hạnh phúc và sự gắn kết". Paul ở đây vẫn là người lĩnh xướng, như đêm khai mạc Olympic 2012.
Sự khác biệt không đến từ việc giọng hát của Paul năm 1968 vẫn còn mãnh liệt và trai trẻ mà đến từ những lần John liếc nhìn Paul rồi làm Paul bật cười vì một điều mà chúng ta sẽ không biết là gì, chỉ họ biết với nhau. Sự khác biệt còn đến từ cách Ringo, như mọi khi, không lấy sự chú ý về phía mình, chỉ miệt mài hoàn thành phần việc của bản thân, hoàn toàn vui vẻ và thả lỏng. Sự khác biệt đến từ việc được thấy Tứ Quái đang ở sát bên nhau và trong tiếng "Na-na-na" của rất nhiều người, có tiếng "Na-na-na" của cả bốn người đã làm nên ban nhạc phi thường ấy.
Họ có thể vẫn rất tuyệt vời khi không có nhau nhưng chỉ khi có nhau, họ mới là mình hoàn chỉnh.
Giai đoạn The Beatles chuẩn bị cho buổi diễn trên mái nhà, người ta vẫn nói đó là giai đoạn vô cùng căng thẳng và mâu thuẫn của ban nhạc. Nhưng khi xem buổi trình diễn hôm ấy, cách họ tung hứng, cách John cảm ơn khán giả và hy vọng ban nhạc vượt qua buổi thử giọng, cách họ chìm đắm trong âm nhạc và trong nhau, thì ta buộc phải nghi ngờ điều đó. Gương mặt cả bốn sáng bừng niềm phấn khích. Dù đã bao lâu chưa biểu diễn trực tiếp, sự gượng gạo cũng thoáng qua rất nhanh, để rồi cả bốn lại nhiệt như thời Hamburg, như thể họ được sinh ra để đứng đây, nhất là khi hát One After 909, một sáng tác rất sớm của Lennon/McCartney thuở chập chững ca hát, một bài hát mà đến khi tập luyện lại, họ còn tranh luận bài ấy kể về điều gì.
Khán giả túa ra từ những ô cửa sổ, từ những ban công, từ những con phố, từ những cửa hiệu, từ những chiếc xe. Rất nhiều người là nhân viên văn phòng vừa kết thúc ca làm buổi sáng, mặc comple lịch thiệp, có vẻ không phù hợp lắm với một buổi biểu diễn ngẫu hứng thế này nhưng cũng có sao đâu.
"Tôi bảo này, bạn không thể đánh bại được chúng đâu. Chúng có kiểu của chúng, có phong cách của riêng chúng. Tôi nghĩ chúng là một đám đáng yêu phết", một cụ ông bình luận.
Theo "truyền thuyết" vẫn được truyền thụ lại, The Beatles buộc phải dừng buổi diễn vì bị cảnh sát can thiệp. Nhưng có vẻ cũng không hoàn toàn như thế. Hai cảnh sát Ray Shayler và Ray Dagg dù ngoài miệng liên tục yêu cầu êkíp ban nhạc tắt loa và thậm chí dọa bắt bớ, sự thực thì chính họ cũng lần chần. Ngay cả khi hai người yêu cầu được lên mái nhà nơi The Beatles biểu diễn, họ cũng không làm điều gì quá dữ dội hoặc sỗ sàng, vẫn để The Beatles hát hết bài và đứng xem, cứ như chính họ cũng là người hâm mộ đang kiếm cớ được đứng gần thần tượng.
Ban nhạc thực ra đã lường trước việc bị cảnh sát xen vào và họ trông đợi điều ấy. Kế hoạch "trẻ trâu" ban đầu của The Beatles thậm chí còn là đột nhập vào Nhà Quốc Hội để biểu diễn rồi bị nhân viên an ninh ập vào khênh đi cho có chút... xô xát và cao trào. Chẳng thế mà khi biết có phàn nàn từ phía cảnh sát, Paul lập tức liếc về phía hai anh chàng tội nghiệp kia và hát Get Back, trong đó có câu đuổi khéo: "Về đi, về chỗ mà mấy người thuộc về!" rồi bịa thêm mấy câu: "Lại chơi trên mái nhà rồi à? Không tốt đẹp gì đâu, mẹ mày không thích thế đâu. Mẹ tức rồi và sẽ bắt mày lại". George thì vô tư dặn dò mọi người sau khi cả đám dọn dẹp đồ nghề: "Bọn mình cứ vờ như là buổi diễn bị dừng lại vì cảnh sát nhé!".
Những giây phút nổi loạn đẹp đẽ đó của The Beatles khiến các fan không thôi đặt ra câu hỏi: "Nếu như John không chết thì sao?". Nếu như không có sự xuất hiện của tay quản lý Alain Klein lắm mưu nhiều kế khiến họ càng thêm chia rẽ? Nếu như không có những hiểu lầm? Nếu như họ vẫn còn bên nhau như các thành viên của The Rolling Stones chỉ bị chia lìa bởi tuổi già và cái chết? Họ sẽ làm gì? Những album mới của họ sẽ ra sao? Họ sẽ còn những bản nhạc vĩ đại nào? Và nếu như cả bốn còn sống đến lễ Khai mạc Olympic 2012 để cùng nhau đứng đó ngân vang Hey Jude?
Tất nhiên, "nếu" chỉ là nếu. Vì không bao giờ "nếu" trở thành hiện thực, The Beatles mới là nỗi nuối tiếc dai dẳng nhất, như tình yêu đẹp tới vậy mà vẫn bất thành.
Lần cuối đứng cùng nhau trên sân khấu, John đã hát Don’t Let Me Down. Bài hát có đoạn:
"...I'm in love for the first time
Don't you know it's gonna last
It's a love that lasts forever
It's a love that had no past..."
"...Lần đầu trong đời tôi biết yêu
Bạn hay chăng nó là mãi mãi
Tình yêu ấy kéo dài miên viễn
Tình yêu ấy chưa có bao giờ..."
Don't you know it's gonna last
It's a love that lasts forever
It's a love that had no past..."
"...Lần đầu trong đời tôi biết yêu
Bạn hay chăng nó là mãi mãi
Tình yêu ấy kéo dài miên viễn
Tình yêu ấy chưa có bao giờ..."
John đang hát về ai?
Sử sách nói đó là Yoko Ono. Sự thật có lẽ cũng là như vậy, John đã viết nó với Yoko trong tâm trí. Nhưng một điều mà chúng ta ít khi nhắc đến là khi chuẩn bị cho buổi diễn, Paul đầu tiên đã có ý sắp xếp thứ tự các bài hát thành một câu chuyện, trong đó Oh! Darling của Paul có câu: "Oh! Darling, please believe me. I'll never let you down" (Ôi người yêu ơi, xin hãy tin tôi, tôi sẽ không bao giờ để người thất vọng) sẽ hát trước, rồi tới Don’t Let Me Down (Xin đừng làm tôi thất vọng) của John. John cười bảo: "Nghe cứ như chúng ta là một cặp tình nhân vậy".
Dù cuối cùng Oh! Darling không được biểu diễn vào hôm đó mà chỉ có mặt trong album Abbey Road, nhưng tại sao không, nếu nói rằng Don’t Let Me Down của buổi diễn trên mái nhà hôm ấy là John dành cho ban nhạc của anh, tình yêu đầu đời của anh, cũng là tình yêu đầu đời của Paul, của Ringo, George, cũng là tình yêu đầu đời của nhiều thế hệ.
Một tình yêu đầu đời nguyên sơ, thuần khiết, chưa từng có bao giờ và có lẽ cũng sẽ không bao giờ có lại.
Một tình yêu đầu đời như thế, chỉ có thể là The Beatles.
Hiền Trang / NGOISAO.NET
0 comments