Trong khi Beatles đang ở đỉnh cao bên phương Tây, thì lúc bấy giờ ở Liên Xô họ là sự ảnh hưởng bị cấm đoán. Nhưng điều đó không ngăn được làn sóng âm nhạc của họ.
Trông coi "Ngôi đền hòa bình và tình yêu của John Lennon" ở St Petersburg Kolya Vasin là fan hâm một tuyệt đối người Nga của ban nhạc The Beatles.
Có bộ râu rậm và thái độ niềm nở ông Vasin ngồi khoe những sưu tập của ông, từ những mảnh gốm tạc tượng "Bộ tứ", hay ấm trà All You Need is Love, rồi tấm biển đường Abbey Road, và nói: "Tôi yêu Beatles từ 40 năm trước. Họ trở thành bạn, thành những đàn anh tinh thần của tôi."
Các thế hệ thanh thiếu niên thời Xô-viết cũng chia sẻ niềm đam mê đó.
Một bình luận gia về văn hóa người Nga, Artemy Troitsky nói: "The Beatles đã cải đạo cho hàng chục triệu thanh thiếu niên Xô-viết."
Ông Troitsky cho rằng Bộ Tứ và âm nhạc của họ ảnh hưởng mạnh hơn nhiều.
"Họ đã tách rời cả một thế hệ ra khỏi đất mẹ cộng sản," ông nói.
Vĩ đại hơn Gorbachev?
Từ Nga cho đến Ukraine và Bạch Nga, ban nhạc The Beatles giữ vai trò quan trọng trong cuộc sống của cả triệu người sống sau Bức màn sắt.
Mặc dù ban nhạc này chưa bao giờ được phép chơi trên đất Liên Xô, nơi họ chính thức bị lên án là "cặn bã chủ nghĩa tư bản", Bộ Tứ vốn làm rung chuyển thế giới đã vô tình giúp làm rung động hệ thống Xô-Viết đến tận bên trong.
Đó là nhận định của những ai từng sống bên phía đông của Bức màn sắt trong thập niên 1960.
"Họ đã phá vỡ chủ nghĩa cộng sản, còn hơn cả Gorbachev," Vova Katzman từ Kiev nói.
Một nhà sản xuất âm nhạc ở St Peterburg nói The Beatles "đã tạo ra cuộc cách mạng văn hóa, một cuộc cách mạng văn hóa đã phá hủy Liên Xô."
Với Yuri Pelyushonok, một bác sĩ ở Minsk, thì họ "đã làm cuộc cách mạng âm thầm trong não chúng tôi. Chúng tôi mang nó trong tim."
Ở Mátxcơva, phóng viên hàng đầu Vladimir Pozner nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Bộ Tứ.
"The Beatles làm nhiều hơn chỉ đơn giản là làm xói mòn hệ thống hơn bất kỳ nhà văn chống Xô-viết nào bị bỏ tù," anh nói.
Âm nhạc trên phim X quang
Vào đầu thập niên 1960, The Beatles đã chinh phục hầu hết thế giới, nhưng những ông chủ già nua, quen đàn áp ngồi ở Điện Kremlin coi ban nhạc này là một mối nguy.
Như nhà báo Pozner nhớ lại: "Họ có cảm nhận rõ về những vấn đề có thể thách thức quyền lãnh đạo của họ."
Nhiều người có những câu chuyện rất sống động về những rắc rối với chính quyền hung bạo.
"Tôi rất sợ", ông Vasin thú nhận, đối với ông thập niên 60 không có sự lựa chọn nào khác. "Thời Xô-viết cuộc sống của tôi là sống trong sợ hãi. Họ hung bạo đến nỗi tôi sợ và không dám nói bất cứ điều gì t́ốt đẹp về The Bealtes, vì sẽ bị bắt."
Ở Kiev, Vova Katzman nhớ lại từng bị cảnh sát bắt và cắt tóc. "Tôi mặc kệ," anh nói. "Tôi yêu Beatles. Nếu có thứ gì đó bị cấm thì người ta càng muốn nó thêm nữa."
Cảm giá đó cũng là một phần lý do khiến cộng đồng mê nhạc Beatles to lớn chống lại chính quyền chuyên chính ở những nơi khác trong khối Đông Âu.
Nó giúp người ta tạo ra những cách thức bất ngờ để hạ gục lệnh cấm nhạc Beatles.
Những người hâm mộ còn nhớ lại đĩa "Records on Ribs", sao chép lên các tấm phim X quang, và giới trẻ có thể nghe Can't Buy Me Love trên bức ảnh chụp phổi của Chú Sergei.
Băng cát-xét, các bài ghi âm lét lút từ Radio Luxemburg xuống được chép truyền cho nhau.
"Các cuộn băng đó đã giúp treo cổ Đảng cộng sản," như Nikita Poturaev ở Kiev tin tưởng.
Truyền thuyết âm nhạc
Nếu cần có bằng chứng để thấy nước Nga đã thay đổi ghê gớm đến mức nào, không cần nhìn đâu xa hơn là Phó thủ tướng đương nhiệm, Sergei Ivanov, một fan hâm mộ cỡ lớn của Beatles.
Ông từng nói là học được thứ tiếng Anh hoàn hảo từ các đĩa nhạc The Beatles.
"Ở Liên Xô tuyên truyền chính thức là một chuyện, nhưng đời sống thực lại là một chuyện hoàn toàn khác," ông nói.
Phong cách Beatles đã xâm chiếm cả một thế hệ trên lãnh thổ Liên bang Xô viết.
Với người chuyên tổ chức biểu diễn Stas Namin thì "họ ảnh hưởng mọi thứ, vào âm nhạc của chúng tôi, vào cách chúng tôi ăn mặc, cách sống, mọi thứ".
Các áo khoác không cổ kiểu Beatles, được gọi là Bitlovka, được may từ các mảnh vải vụn, các đôi giày lính được chữa lại thành giày Beatles.
Trong lúc truyền thông phương Tây bị cấm, các huyền thoại về Beatles bắt đầu lan truyền.
Yuri Pelyushonok nhớ lại thời đi học được nghe thấy "Nữ hoàng Anh tặng John Lenon một chiếc xe bằng vàng, nhưng ban nhạc The Beatles phải chơi trong lồng để tránh fan hâm mộ".
Một trong số những huyền thoại sống lâu nhất là chuyện Beatle từng chơi một buổi diễn bí mật tại một căn cứ quân sự Liên Xô trên đường bay sang Nhật Bản.
Ở đây các fan hâm mộ cũng cho rằng sự kiện đó xảy ra rất gần nơi họ sống.
Hàng năm, ông Vasin đều tổ chức sinh nhật ở St Petersburg cho từng thành viên trong Tứ Quái.
Trong đêm vinh danh John Lennon, hàng chục ban nhạc chơi các điệu nhạc của Beatles cho khán giả vừa thiếu niên lẫn ông nội và ông ngoại của họ. Tất cả đều cùng nhau hát say sưa từng lời nhạc.
Tuần này tại Anh các đài truyền hình đang chiếu nhiều phim và báo chí công bố những nội dung phỏng vấn và ảnh chưa công bố để kỷ niệm ban nhạc Beatles.
0 comments