The Beatles

Cô gái đằng sau The Beatles - Kỳ 2: Nhân chứng của những thăng trầm

Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013The Beatles Việt Nam

Đối với Freda, gặp gỡ bốn anh chàng The Beatles hàng ngày và trở thành bạn của họ cũng có nghĩa là sự nổi tiếng của họ đã “lây” sang cô mà cô không hề chú ý. Lần đầu tiên Freda ý thức được điều đó là khi cô được mời tham dự một buổi tiếp tân ở Liverpool năm 1964.

The Beatles đã ở London khá lâu và giờ quay về thành phố quê nhà để dự buổi ra mắt bộ phim A Hard Day’s Night của họ. Một đám đông gồm 200.000 người hâm mộ đã tập trung phía dưới để chờ họ xuất hiện trên ban công tòa thị chính thành phố. Freda vẫn nhớ tâm trạng của mình khi bước ra ban công cùng họ lúc đó: “Khi tôi nhìn ra ngoài cửa sổ và thấy biết bao nhiêu người, tôi nghĩ: Chúa ơi, các anh thực sự nổi tiếng”.


Khi The Beatles ngày càng nổi tiếng, lượng người hâm mộ của họ ngày càng nhiều. Lennon đã kết hôn từ năm 1962 với một cô gái tên là Cynthia mà anh quen khi còn là sinh viên trường Cao đẳng Nghệ thuật Liverpool. Mặc dù những người còn lại trong ban nhạc biết rằng Lennon đã có vợ và có con trai sinh năm 1963 nhưng người quản lý ban nhạc Brian Epstein nhất quyết muốn giữ bí mật đó với người hâm mộ. Là một người trung thành và tốt bụng nhưng Epstein “khét tiếng” với tính khí dữ dằn. Không ai muốn làm anh ta phật ý.

Freda cảm thấy thật khó khăn vì một người bạn của cô đang hẹn hò với John Lennon lúc đó và cô không thể hé răng nói với bạn cô một lời. Một cô gái hâm mộ khác cũng nói với Freda rằng cô biết Lennon đã có vợ và con gái. Lúc đó, Freda chỉ biết quay mặt đi chỗ khác và khẳng định với cô gái này rằng Lennon không có con gái. Một lời khẳng định khiến Freda không phải áy náy vì nói dối và cũng không để lộ bí mật của Lennon.

Năm 1965, một năm sau khi ra mắt bộ phim Magical Mystery Tour, Epstein chuyển phần lớn hoạt động của The Beatles tới London. Bố Freda không muốn cô tới thủ đô. Nhưng khi cô tìm cách nộp đơn xin từ chức thư ký, Epstein đã từ chối và để cô ở lại Liverpool, thỉnh thoảng mới phải đến văn phòng ở London vài ngày mỗi tháng. Freda lại tiếp tục công việc điều hành câu lạc bộ người hâm mộ của The Beatles và viết bản tin về nhóm.

Một cô gái trẻ làm việc trong ngành mà nam giới chiếm lĩnh, Freda biết rằng cô sẽ không bao giờ tiến thân lên được một mức nào đó. Cô vẫn là thư ký của Epstein và The Beatles. Tuy nhiên, Freda không bận tâm lắm về điều đó. Là phụ nữ, thứ duy nhất khiến cô bực mình là cảnh sát không tin rằng cô làm việc cho The Beatles. Hậu quả là cô phải chen chúc len qua đám đông người hâm mộ mỗi khi muốn chuyển đồ cho nhóm. Cảnh sát nghĩ cô là một người hâm mộ quá khích và muốn lấy cái gì đó. Freda lúc nào cũng phải ra cột điện thoại và gọi người đưa cô vào.

Cuối những năm 1960, sự thân thiết từng đóng vai trò mấu chốt tạo nên sức mê hoặc của The Beatles bắt đầu lỏng lẻo. Epstein chết vì dùng quá liều thuốc ngủ năm 1967. Freda cho biết đây là sự kiện “tàn phá” và để lại khoảng trống lớn trong ban nhạc. McCartney và Lennon tìm cách hàn gắn mọi thứ nhưng dần dần mỗi thành viên đều muốn theo đuổi các dự án hát đơn.

Năm 1968, mối quan hệ của Lennon với nghệ sĩ ý tưởng Yoko Ono khiến mọi việc thêm căng thẳng. Ono thường ngồi xem nhóm nhạc ghi âm và đưa ra nhận xét này kia. Điều đó là vi phạm một thỏa thuận ngầm giữa các thành viên ban nhạc là không để bạn gái hay vợ vào phòng thu.

Tất nhiên, Freda cũng “lãnh đủ” không khí khó chịu này. Ngày càng có nhiều thư từ người hâm mộ hỏi cô về cuộc sống riêng tư của The Beatles. Cô còn phải viết một bản tin xin họ hãy ngừng tò mò vì bản thân cô luôn phải giữ kín mọi điều.

Năm 1966, có tin đồn rằng McCartney chết và chỗ của anh được thay bằng một người có ngoại hình tương tự. Freda đã nhận được quá nhiều cuộc điện thoại hỏi về chuyện này đến mức cô phải liên tục gọi điện hỏi bố McCartney xem bao giờ anh về nhà.

Sự tan rã của The Beatles chính thức được McCartney công khai thừa nhận năm 1969 trong một cuộc phỏng vấn. Lúc này, Freda đã kết hôn và đang mang thai. Cô cảm thấy nhẹ nhõm và sẵn sàng với cuộc sống mới của mình. Mặc dù chính thức ngừng làm việc cho The Beatles năm 1970 nhưng Freda vẫn tiếp tục dành thời gian trả lời thư người hâm mộ ban nhạc thêm ba năm nữa. Hàng đêm, cứ sau bữa tối trong suốt ba năm trời đó, Freda cần mẫn, miệt mài trả lời thư cho đến lá cuối cùng. Cô cho biết không thể đóng cửa câu lạc bộ người hâm mộ một sớm một chiều.

Thùy Dương

Bài Viết Liên Quan

0 comments

Bài Đăng Phổ Biến

Video Thành Lập FC - 6/12/2015