The Beatles Việt Nam

John Lennon: “Hãy sống để yêu thương!”

Thứ Năm, 12 tháng 12, 2013The Beatles Việt Nam

“When I was 5 years old, my mother always told me that happiness was the key to life. When I went to school, the asked me what I wanted to be when I grew up. I wrote down “Happy”. They told me that I didn’t understand the assignment, and I told them they didn’t understand life” – John Lennon.


Thực sự mà nói thì tôi chưa bao giờ thần tượng John. Trong bảng xếp hạng My favorite Beatles của riêng mình, tôi cũng chỉ xếp ông đứng vị trí thứ 3, duy nhất xếp trên Ringo Starr (người thường luôn nằm bét tại các bảng xếp hạng kiểu này của hầu hết tất cả fan hâm mộ của bốn chú bọ). Nhưng hôm nay, vì một vài lý do cá nhân, tôi lại nổi hứng muốn viết đôi dòng suy nghĩ của riêng mình về những tư tưởng thú vị mà John gửi gắm qua mỗi bài hát của ông.

Lý do mà tôi chưa bao giờ coi Lennon là số một như nhiều người hâm mộ Beatles khác có lẽ đơn giản chỉ vì suy nghĩ của tôi quá khác với ông. Đúng hơn phải nói rằng, tôi không đủ can đảm để suy nghĩ giống như quý ngài Imagine. John Lennon là một người đặc biệt, đặc biệt đến kỳ lạ. Ông là kiểu người suy nghĩ và làm việc mọi việc với 0% do dự. Hay nói cách khác, John luôn tin tưởng tuyệt đối vào tất cả những điều ông nghĩ và việc ông làm. Nhạc của John đơn giản và mơ mộng một cách đáng sợ. Đáng sợ đến mức làm người nghe không thể tin nổi. Và hệ quả là hàng tỉ người trong suốt 5 thập kỷ qua vẫn tiếp tục lao đầu vào tìm xem những ý nghĩa triết lý sâu sắc (mà họ nghĩ) được John giấu diếm qua từng câu chữ.


Có một bài hát đặc biệt của John mà đã từng làm tôi nghĩ sai về con người ông. Đó chính là You've got to hide you love away. John Lennon là người không bao giờ thích che đậy tình cảm và suy nghĩ của mình. Tôi không tin rằng ông có thể sáng tác một bài hát với nội dung khuyên con người ta nên giấu tiệt tất cả những cảm xúc của mình đi như vậy. Nhưng khi lắng nghe cẩn thận hơn:

How can I even try?
I can never win.
Hearing them, seeing them
In the state I’m in
Làm sao tôi có thể giấu tình yêu của mình đi được?
Tôi không thể
Khi lúc này, chúng cứ làm loạn
Bên trong mình

Và ca khúc kết thúc với những câu hát thẳng thắn của John: Tụ tập lại đây hỡi tất cả các người, những chú hề. Cho tôi nghe cái câu nói ngu dốt (từ này tác giả tự thêm) của các bạn: Hey you got to hide your love away. Chắc chắn John sáng tác bài này khi đang thất tình, và có lẽ là tình đơn phương. Nhưng John không hối hận. Tôi chưa bao giờ thấy John hối hận khi yêu, và khi thể hiện tình yêu của mình ra một cách chân thành, thẳng thắn nhất (cho dù đôi khi có thể là hơi ngờ nghệch như nhiều người nói).

Quay trở lại cái việc nhiều người cho rằng trong nhạc của John luôn hàm chứa những suy nghĩ khó nói của ông. Vớ vẩn! Làm sao một con người như vậy lại có thể đem những câu chữ của mình đi che đậy cảm xúc chứ? Và kể cả nếu có thể, tôi nghĩ John cũng không chọn cách này. Tôi nghĩ John vẫn thường khoái chí cười thầm vì con người ta sao cứ thích suy nghĩ phức tạp. Các bài hát cũng chỉ có thể, nội dung hiện rõ mồn một. Quan trọng là khi đến tai, chúng sẽ đem đến cho người nghe những cảm xúc riêng biệt. Và tùy vào cảm nhận của từng người, họ sẽ biến tấu nội dung bài hát nhiều nhất có thể để chúng làm vừa lòng bản thân mình.

Tôi vẫn nhớ cái câu chuyện John nổi điên khi đài BBC cấm phát “Lucy in the sky with diamonds” với lý do nó dính líu đến LSD. Hàng thập kỷ nay, thỉnh thoảng lại nổ ra những cuộc tranh luận không có hồi kết về nội dung của bài hát này. Không thể phủ nhận ảnh hưởng của ma túy đối với âm nhạc của Beatles, nhưng với tôi, tôi vẫn tin lời John, rằng bài hát chỉ đơn giản miêu tả bức tranh của Jullian về cô bạn cùng lớp Lucy O’Donnell. Đơn giản là vì theo tôi: John không biết nói dối và cũng không thích nói dối.


Có lẽ đấy cũng là điểm khác nhau lớn nhất của John với phần còn lại của Beatles. Khi mà George Harrison sáng tác “Something” mà cứ chối bay chối biến rằng đây không phải bài hát dành cho Pattie Boyd, Paul để đồng tác giả với John cho ca khúc bất hủ “Hey Jude” cho dù có chút không bằng lòng, Ringo không bao giờ hét lên những bức xúc của mình khi bị ba tên còn lại lấn áp hết danh tiếng.


Và có lẽ không chỉ ở tại Beatles, mà John luôn luôn thấy lạc lõng như thế. Các bài hát ông viết, ông hát như là chút mong muốn nho nhỏ truyền tải những suy nghĩ chân thật nhất của bản thân với hy vọng may mắn những người có suy nghĩ giống mình sẽ nghe được chúng. Tôi thì chẳng biết trên đời này liệu có một John Lennon thứ hai hay không. Tôi chỉ chắc chắn là đã có cả triệu người thay đổi suy nghĩ, lý tưởng sau khi nghe nhạc của ông.

“You may say I’m a dreamer. But I’m not the only one”. Ôi! Chỉ hai câu hát thôi mà chúng thúc dục trái tim không biết bao nhiêu con người. Tôi thường không thích nhạc nói về cách mạng, chính trị. Bởi ở bất kỳ một chế độ nào, tính giai cấp vẫn luôn luôn được đặt trên tính xã hội. Các bản tuyên ngôn có thể nhai đi nhai lại các cụm từ dài dằng dặc về con người, về nhân quyền, nhưng rồi … Mỹ, Pháp vẫn đánh Việt Nam. Tôi tự hỏi rằng hai đất nước này có thấy nhục nhã nếu được tận tai nghe được Bác Hồ trích lại bản tuyên ngôn của chính mình trong buổi chiều lịch sử mùng 2 tháng 9 năm 45 tại Ba Đình, Hà Nội?

Imagine cũng là một bản tuyên ngôn được viết bằng nhạc. Một thế giới không nhà nước, không tôn giáo, không chiến tranh, giết chóc… Nếu tất cả những điều trên được sinh ra với cái cớ để bảo vệ con người (thần thánh ban phước cho con người, Mỹ giết người Syria để bảo vệ người Syria…) thì một khi tất cả chúng biến mất, chẳng phải điều đó cũng đồng nghĩa với việc con người chúng ta đã quá an toàn và chẳng cần tôn giáo hay nhà nước nào bảo vệ nữa hay sao? Có lẽ John chỉ nghĩ đơn giản thế.



“Imagine thì chỉ có trong tưởng tượng.”. Tôi không đồng ý. John là kẻ mơ mộng nhưng không hề hão huyền. Cho dù bài hát của ông bắt đầu bằng: Imagine there… “Hãy thử tưởng tượng” – không đơn giản chỉ là một câu hát. Đây như một lời thách thức của John với toàn bộ loài người. Mọi việc không thể thành hiện thực nếu bạn không thử. Và trước khi thử làm, hãy thử tưởng tượng xem, tưởng tượng xem cuộc sống sẽ tuyệt vời thế nào khi ta thực sự sống. Nhưng John cũng biết rằng sẽ rất khó. Hai câu hát: It’s easy if you try/ It isn’t hard to do như lời động viên tình thần John dành cho tất cả chúng ta. Và ông hy vọng, chỉ đơn giản là hy vọng: I hope someday you’ll join us…

Nhiều người cho rằng Imagine cũng là một kiểu “xã hội trong mơ” như Chủ nghĩa Cộng sản. Nhưng thay bằng việc ngồi viết những cuốn sách dày cộp đầy triết lý như Karl Mars, để rồi bao thế hệ sinh viên phải phát sợ tại giảng đường đại học, John Lennon chỉ sáng tác một bài hát hơn 3 phút cùng tiếng đàn piano sâu lắng. Tôi thì chẳng dám so sánh cách của ai hay hơn. Tôi chỉ nghĩ cả hai cùng hướng tới một mục đích: Tới một xã hội được xây dựng bằng tình yêu, một xã hội không tưởng với những kẻ không biết tưởng tượng.

Nếu bạn muốn tìm một tạo hình gần giống nhất với Lennon, tôi xin đề cử anh chàng Sam trong bộ phim nổi tiếng của Mỹ “I am Sam” phát hành năm 2001. Xin tóm tắt qua bộ phim như sau, Sam là một người đàn ông thiểu năng trí tuệ và hầu hết các kiến thức cuộc sống anh ta học được là từ nhạc của Beatles. Tại sao tôi lại so sánh John với một người thiểu năng? Như đã nói nhiều lần ở trên, John là người đơn giản, đơn giản đến mức đáng sợ. Suy nghĩ của John, trên một góc độ nào đó, cũng gần giống với suy nghĩ một một kẻ thiểu năng. Xin đừng chửi thầm tôi khi viết ra câu so sánh báng bổ này, bởi thực sự tôi cũng chẳng quan tâm đâu.


Nếu một người có vấn đề với trí tuệ, học mười chỉ hiểu được một; thì trong trường hợp của John, khi tận mắt nhìn thấy hàng trăm thứ lũng loạn ngoài cuộc sống, ông cũng chỉ nhìn rút lại thành một từ duy nhất: Love. Có lẽ đó cũng là lý do trong các sáng tác của Beatles từ “Love” xuất hiện tới 613 lần (con số theo google). John Lennon nhận ra con người ta đau khổ cũng chỉ vì không biết yêu và con đường duy nhất dẫn đến hạnh phúc cũng chỉ có tình yêu. Và John muốn hát vang lên với cả thể giới:

John là kẻ sống bằng tình yêu và tình yêu cũng là lẽ sống lớn nhất của đời ông. Không như George viết: “I look at you all, see the love that’s sleeping while my guitar gently weeps”, John chưa bao giờ đặt mình lên trên người khác. Ông yêu con người, yêu chứ không phải thương hại con người. Làm gì có kẻ nào gạt bỏ tất cả tiền tài, danh vọng để rồi chống lại mọi thế lực, đứng lên chiến đấu, bảo vệ cho cái gì đó mình không yêu cơ chứ?

Xin được trích lại một đoạn thoại của Sam trong bộ phim mà tôi thật sự thấy tâm đắc:
Remember when Paul McCartney wrote the song “Michelle” and then he only wrote the first part. And then he gave that part to John Lennon and he wrote the part that said “I love you, I love you, I love you.” And It wouldn’t have been the same song without that … And that’s why the whole world cried when The Beatles broke up on April 10, 1970. – Sam trong I am Sam (2001).

Nhiều người nghĩ Beatles chỉ viết nhạc sến mà quên mất rằng trên đời này chẳng có gì tuyệt vời hơn tình yêu. Có lẽ sẽ khá là khờ khạo khi tin vào sức mạnh của tình yêu có thể thay đổi thế giới, nhưng tôi tin vào điều đó. Và tôi chắc chắn mình không phải là người duy nhất. Bởi ít ra, Lennon cũng vậy. Và chính ông là người dạy cho tôi điều ấy.


Tôi xin dùng một câu truyện nhỏ để kết thúc bài viết này. Chiều hôm qua, thứ 7 mùng 7 tháng 9, trên đường từ trường về nhà, khi đi qua con đường Đê La Thành chật chội, tôi bắt gặp một người phụ nữ tầm 40, mặc quần ống loe, áo khoác đen mỏng, tóc thẳng dài và đeo chiếc kính đen tròn, miệng lẩm nhẩm hát ngay trước một quan Karaoke gần ngã 5 Ô Chợ Dừa. Thoạt đầu, tôi cười vì đến thế kỷ này rồi mà vẫn còn cái mốt ăn mặc ấy. Đi thêm một đoạn ngắn, tôi bất giác lại mỉm cười thêm một lần nữa. Đúng là có những con người sẽ mãi mãi không bao giờ chết. Chắc rằng nếu Lennon có nhìn thấy người phụ nữ ấy từ trên trời cao, ông cũng sẽ mỉm cười hạnh phúc vì lại thấy thêm một người đăng ký hộ khẩu ở cái thế giới “tưởng tượng” kia. Giật mình, tôi tự lẩm nhẩm một câu vô thức: “Bỏ mẹ! Hay mình vừa gặp ma.”

Đạt Phan



Bài Viết Liên Quan

0 comments

Bài Đăng Phổ Biến

Video Thành Lập FC - 6/12/2015