Những ngày cuối tháng 9 đầu tháng 10 vừa qua hàng nghìn “thần dân” của ban nhạc The Beatles đã làm cuộc hành hương đến London để thăm lại con đường Abbey, nơi đặt trụ sở của phòng thu vào năm 1969 vẫn còn mang tên EMI. Chính tại đây 45 năm trước, tứ quái The Beatles đã thu âm album được xem là cột mốc quan trọng của rock – Abbey Road.
Ngày 26/9/1969 ban nhạc The Beatles phát hành album mới nhất mang tên Abbey Road. Đĩa nhạc này được ghi âm trong một thời gian rất ngắn (2 tháng). Công việc diễn ra trôi chảy, cả nhóm cùng soạn nhạc, cùng ghi âm, đầy tinh thần tập thể. Có cảm tưởng như bão tố đã tan, xóa luôn tất cả những nặng nề bức bối của từng thành viên trước đó. Nhưng đó chỉ là cảm tưởng. Đối với The Beatles, Abbey Road là bài ca trước khi chết của con thiên nga, là phút bừng sáng trước khi hấp hối.
Album chung cuối cùng
Năm 1969 tứ quái The Beatles không còn trẻ trung và đoàn kết như ngày nào. Cái tôi mỗi người quá lớn và từng người bắt đầu hướng tới sự nghiệp solo. Abbey Road chính là sự kết nối cuối cùng, phút thăng hoa rực rỡ nhất trong gần như cả sự nghiệp 10 năm của ban nhạc.
Mọi chuyện bắt đầu vào tháng 4/1969 khi Paul McCartney tâm sự với nhà sản xuất của nhóm – George Martin – rằng anh muốn The Beatles sẽ ra một album “như ngày xưa” với ý nghĩa là không ràng buộc vào một dự án cụ thể nào, các thành viên cùng nhau hợp tác, tự do và bay bổng.
Ý tưởng này lập tức được tất cả đồng ý. Họ đã mệt mỏi với vài dự án trước đó không tới đâu. Album Yellow Submarine năm 1968 là một sự thất bại, dự án Get Back cũng đầy mồ hôi mà chẳng nên cơm gạo gì nên chẳng ai muốn phát hành.
Từ đầu tháng 7/1969 đến 20/8 cùng năm, toàn bộ The Beatles tập trung tại phòng thu EMI ở phố Abbey (London). Những ca khúc trong album này đều có thể xem là những kiệt tác của The Beatles. George Harrison, chàng guitar kiệm lời nhất trong nhóm, người vốn luôn khó khăn trong việc tạo nên tiếng nói “bỗng” cho ra đời 2 ca khúc Here Comes The Sun và Something vượt hẳn tầm vóc bấy lâu. John Lennon và Paul McCartney cũng thay nhau cho ra đời những tuyệt phẩm như Come Together, Maxwell’s Silver Hammer, Because, I Want You (She’s So Heavy)…
Abbey Road có thể xem là một album mở đường bởi The Beatles dùng khá nhiều chất liệu mới để tạo nên âm nhạc của abum này. Họ dùng hệ thống Moog để làm thiết bị chuyển âm (như kiểu synthesizer sau này) tạo ra khá nhiều hiệu ứng lạ và rất cuốn hút. Họ thay đổi việc ghi âm bằng băng 4 track truyền thống lên thành 8 track để tiếng sâu hơn và có chất lượng ghi tốt nhất. The Beatles cũng chơi nổi khi nguyên mặt A của album là các bài độc lập thì mặt B là một kiểu chơi non-stop hoặc gần giống như liên khúc khi các bài hát cứ nối nhau không có khoảng dừng. Chuyên viên phòng thu huyền thoại, Geoff Emerick, nói rằng mặt B chính là “khoảnh khắc đỉnh cao của cả album. Mỗi người một phong cách chơi đàn, đứng cạnh nhau, thu âm trực tiếp với tràn trề năng lượng và cả thế giới sẽ biết ơn khoảnh khắc ấy”.
Abbey Road là một album mang tính “mở đường”, về nhận thức con người, xã hội, về những sáng tạo bậc thầy trong âm nhạc phổ thông, về tính “đầu đàn” mang giá trị “cảnh báo” của The Beatles…
Abbey Road là một sự kiện quan trọng của âm nhạc thế giới. 20 triệu đĩa đã được bán ra trên toàn thế giới. Tạp chí Rolling Stone đánh giá đây là một trong những album chỉn chu và đoàn kết nhất của The Beatles. Sau khi phát hành, Abbey Road trở nên vô cùng phổ biến. Nó xuất hiện nhiều trên các ấn phẩm của các trang báo nổi tiếng, như Q, Mojo, Time… Cuối năm 2003, album được xếp ở vị trí thứ 14 trong danh sách 500 album vĩ đại nhất mọi thời đại của tạp chí Rolling Stone.
Bìa album “huyền thoại”
Nhắc đến Abbey Road mà không nhắc đến ảnh bìa của album là một sai sót lớn. Nó là hiện thân của tư tưởng “băng qua đường” đầy sáng tạo và sau đó con đường Abbey, nhờ có 4 chàng Beatles băng qua, đã trở thành di sản văn hóa của nước Anh.
Lý ra, album này ban đầu The Beatles định đặt tên là Everest và hình ảnh của bìa album sẽ là bộ hình cả ban nhạc The Beatles đặt chân lên dãy Himalaya. Nhưng thời điểm ấy, bộ tứ không còn mặn mòi lắm với danh tiếng, với lại, chuyện này quá mất thời gian và tiền bạc. Cuối cùng cả nhóm chọn sự gọn nhẹ, lấy tên đường đặt cho album và ra đứng ngay giữa vạch phần đường cho người đi bộ ở phố Abbey, ngay trước phòng thu EMI và chụp hình.
Người được giao trọng trách này là nhiếp ảnh gia Iain Macmillan. 11h30 ngày 8/8/1969 cả 4 chàng Beatles với John Lennon dẫn đầu trong bộ vest trắng, theo sau là Ringo Starr, McCartney chân trần với điếu thuốc trên tay bước nối sau và cuối cùng là George Harrison. Iain Macmillan chỉ mất 10 phút để chụp bộ ảnh này.
Không ai trong nhóm nghĩ rằng, bộ ảnh này chỉ 1 tháng sau khi album phát hành, nó đã trở thành một sự cách tân dữ dội nhất trong làng nhạc lúc bấy giờ. Và cũng không ai đoán được tại sao ban nhạc The Beatles lại quyết định chụp cảnh băng qua đường và quay lưng với phòng thu. Lịch sử sau này đã nhìn nhận, đó là một quyết định mang tính biểu tượng.
Rất nhiều câu chuyện xung quanh chiếc bìa album sau đó đã diễn ra như huyền thoại. Sau khi album phát hành, biển số xe (LMW 28IF) của chiếc Volkswagen Beetle xuất hiện ở góc phải bức ảnh lập tức bị đánh cắp; người đứng ở góc phải của bức ảnh là Paul Cole (nay đã ngoài 90 tuổi), là một du khách người Mỹ tình cờ ngang qua và không hề biết rằng mình có trong hình cho tới khi nhìn thấy album phát hành vài tháng sau.
Abbey Road thành công vang dội. Ai cũng nghĩ The Beatles sẽ trở lại mạnh mẽ như xưa. Nhưng cuối cùng, đáng tiếc thay, mọi thứ đã kết thúc. Thu âm xong album, John Lennon tuyên bố với 3 người bạn còn lại: “Mình đã chán ngấy, mình nộp đơn xin ly dị”.
Các truyện cổ tích thường kết thúc bằng đám cưới. Nhưng truyện cổ tích về The Beatles, cuối cùng đã chấm dứt bằng một cuộc “ly hôn”. Tháng 4/1970 The Beatles hoàn toàn tan rã.
Nguyên Minh
0 comments