Ngày 18/4/1970 là một ngày không thể quên được đối với những fan trung thành của nhóm nhạc vĩ đại nhất thế giới, the Beatles. Paul McCartney đã cho đăng một bài phỏng vấn trên tờ báo âm nhạc New Musical Express với mình đóng cả hai vai phóng viên và người trả lời phỏng vấn. Tất cả những câu hỏi đều xoay quanh câu hỏi về sự tồn vong của nhóm Beatles. Và đáng buồn thay tất cả những câu trả lời đều có chung một ý: ban nhạc Beatles sẽ không tiếp tục tồn tại như một tập thể mà các thành viên sẽ đi theo con đường của mình. Để chứng minh cho việc đó, một tuần trước khi cho in bài phỏng vấn giả này, Paul đã tung ra album solo đầu tiên của mình mang tên McCartney mặc cho các thành viên còn lại đã yêu cầu dời ngày phát hành album riêng để tránh cạnh tranh với album cuối cùng của nhóm là Let It Be. Người hâm mộ trên toàn thế giới dù muốn dù không vẫn phải ngậm ngùi công nhận rằng cái tên Beatles giờ đây chỉ còn trong quá khứ. Và trong suốt những năm sau đó, mặc dù có hàng trăm đề nghị hấp dẫn để nhóm Beatles tái hợp với nhau dù chỉ là trong một show diễn đều bị các thành viên thẳng thừng từ chối. Năm 1972, một triệu phú Mỹ đã đánh tiếng trên báo chí sẽ chi một khoảng tiền khổng lồ là 50 triệu dollars để nhóm Beatles có thể cùng nhau đi tour vòng quanh nước Mỹ. Cả thế giới hồi hộp chờ đợi, nhưng tất cả đều là một sự hi vọng hão huyền. Và ngày 8/12/1980, khi họng súng của kẻ sát nhân điên khùng Mark Chapman đã cướp đi mạng sống của John Lennon ở New York, mọi tin đồn về sự tái hợp của nhóm Beatles mới thực sự chấm dứt.
Thực sự thì từ năm 1969, mặc dù John, Paul, George và Ringo vẫn xuất hiện với cái tên chung the Beatles, họ đã không còn là một tập thể nữa. John trong năm 1968 đã ra hai album solo theo thể loại avant-garde và nhiều đĩa đơn cùng với nhóm nhạc riêng Plastic Ono Band cùng vợ là Yoko Ono. George Harrison thì liên tục đi tour với nhóm nhạc soul da trắng Delaney and Bonnie ở châu Âu, hay cùng Eric Clapton và Bob Dylan bù khú ở một nơi nào đó. Tay trống Ringo Starr chuyển hướng sang nghệ thuật thứ bảy khi diễn xuất của anh trong bộ phim the Magic Christian của Peter Sellers được đánh giá cao. Người duy nhất trong bộ tứ Beatles có những nỗ lực níu kéo sự sống của ban nhạc là Paul McCartney. Anh vạch ra những kế hoạch thu âm, lưu diễn và đóng phim nhằm cứu vãng thực trạng bi thảm của nhóm. Đáp lại những nỗ lực đó là sự lạnh lùng của những thành viên khác. Khi Paul đề nghị nhóm Beatles sẽ tổ chức một buổi diễn qui mô lớn ở đấu trường La Mã hoặc nhà hát lớn ở New York để quay phim, John dội thẳng một gáo nước lạnh vào mặt bạn bằng câu nói nửa đùa nửa thật: ”địa điểm tốt nhất để làm show ấy là trong một nhà thương điên, Paul ạ!” Không lâu sau khi trở về từ liên hoan nhạc rock Peace Festival ở Toronto, trong buổi họp với các thành viên và ông bầu mới Allen Klein, John thẳng thắn tuyên bố: “Tôi muốn một cuộc li dị, giống như cuộc li dị giữa tôi và Cynthia” nhưng từ chối trách nhiệm phát ngôn trước công chúng về sự tan rã của nhóm Beatles. Tiếp theo sau đó là những vụ kiện tụng liên miên giữa các thành viên với nhau và với ông bầu mới. Hai năm 1969 và 1970 quả thực không phải là khoảng thời gian tốt đẹp cho the Beatles.
Chuyện gì đã xảy ra với nhóm nhạc nổi tiếng nhất thế giới, những chàng trai đã từng là tri kỉ, là đồng chí với nhau? Họ đã cùng sát cánh bên nhau để lên được đỉnh cao của thế giới nhạc pop, nhưng khi đã đạt được danh vọng tột đỉnh đó, họ lại quyết định đường ai nấy đi? Chuyện gì đã thực sự xảy ra với the Beatles?
Thành công của bất cứ của một ban nhạc nào cũng cần có sự lèo lái của một người quản lí giỏi.
Và nhóm Beatles cũng không phải là một ngoại lệ. Năm 1967 đánh dấu sự thăng hoa về nghệ thuật của nhóm Beatles với siêu tác phẩm Sgt. Pepper’s Lonely Hearts Club Band nhưng lại là sự lạc hướng trong kinh doanh của nhóm sau cái chết bất đắc kì tử của ông bầu Brian Epstein. Là một người cực kì tài giỏi trong kinh doanh, ông Epstein đã đưa nhóm Beatles, một ban nhạc quán bar ở Liverpool, ra giới thiệu cho toàn thế giới. Dưới sự quản lí và ngoại giao khéo léo của ông Epstein, nhóm Beatles chỉ việc chơi nhạc, sáng tác, thu âm và xuất hiện trên truyền hình. Còn tất cả những vấn đề khác đều có một ê kíp hậu đài lo lắng hết sức chu đáo. Tuy nhiên, do quá mệt mỏi với danh tiếng do chính mình tạo ra, nhóm Beatles đã quyết định chấm dứt lưu diễn năm 1966 để tập trung thu âm. Khi một ban nhạc ngừng lưu diễn thì vai trò của một ông bầu cũng như thu nhập của nhân vật này bị giảm thiểu đáng kể. Cùng những mặc cảm của một người đồng tính (cho đến năm 1968, đồng tính luyến ái vẫn bị coi là một tội theo luật pháp Anh), ông Epstein đã trở thành con nghiện thuốc an thần. Và kết cục là khi nhóm Beatles đang tham thiền với thiền sư Ấn Độ Maharishi ở Wales thì người đã giúp họ đạt được tất cả chết một cách tức tưởi do sốc thuốc tại nhà riêng. Mất đi người quản lí, nhóm Beatles lập tức phạm phải sai lầm nghiêm trọng trong việc vạch ra những kế hoạch trong tương lai. Bộ phim truyền hình không đầu không đuôi “Magical Mystery Tour” do chính các thành viên viết kịch bản, phân vai và đạo điễn là một minh chứng điển hình cho thất bại của nhóm trong việc tự quản lí. Chỉ sau vài ngày ra mắt, bộ phim ngớ ngẩn này đã bị các nhà phê bình “đánh” không thương tiếc. Báo Daily Mirror chê bộ phim là “một mớ hỗn độn”, tờ Daily Express gọi đó là “một thảm hoạ của điện ảnh, một trò vô nghĩa”, Daily Mail thì nặng lời hơn khi gọi bộ phim là “ sự hợm hĩnh quá đáng của những kẻ có thừa tiền lắm của”. Chỉ có tờ New Musical Express là còn nhẹ tay một chút, vớt vát thể diện của Beatles rằng: “mặc dù bộ phim vi phạm những nguyên tắc cơ bản về đạo diễn, ít ra nó cũng mang lại không khí tươi vui giải trí nhân dịp Giáng Sinh”. Đó là thất bại lớn nhất về mặt nghệ thuật của nhóm Beatles từ lúc thành danh cho đến ngày tan rã.
Sai lầm thứ hai của nhóm về mặt thương mại là vịêc thành lập ra công ty xấu số Apple năm 1968, một tập đoàn bao gồm hãng đĩa, phòng thu âm, xưởng thiết kế thời trang và cả một cửa hàng chuyên bán đồ quần áo và trang sức cho dân hippie với trụ sở đặt tại Saville Road, London. Với ảo tưởng về khả năng kinh doanh và sự tự tin thái quá vào danh tiếng của mình nhóm Beatles còn dự định mở rộng sang lĩnh vực điện ảnh bằng xưởng phim mang tên Apple, và cả một hiệu cắt tóc nữa. Khi trả lời họp báo về dự án Apple, Paul đã hào hứng tuyên bố với báo giới rằng nhóm Beatles đang tạo ra cái gọi là “chủ nghĩa xã hội theo kiểu phương Tây, một chủ nghĩa xã hội ưu việt hơn cả Liên Xô và chủ nghĩa tư bản Mỹ cộng lại” Không có một chút kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh và quản lí, công ty Apple bắt đầu tuyển nhân viên một cách vô tội vạ. Chỉ cần bạn là người Liverpool hoặc có liên quan tí gì đó tới quê hương của nhóm Beatles là bạn có thể có được một việc làm có lương khá hậu tại công ty Apple. Với phương châm: “giúp đỡ mọi người để giúp chính mình”, cửa hiệu thời trang Apple đã bán hàng theo cách nửa bán nửa cho và thường thì người vào mua thì ít mà lấy không thì nhiều. Và cũng trong thời gian này, trong vô số những kẻ theo đóm ăn tàn xuất hiện nhiều tên bịp bợm chuyên nghiệp bằng những trò nịnh bợ khoác lác của mình đã cuỗm đi một số tiền đáng kể. Điển hình trong số này là tay xỏ lá ba que Alex Madrass (được biết đến cái tên Magic Alex).
Với ba tấc lưỡi của mình, Alex hứa hẹn những phát minh không tưởng vào thời đó như hộp điện thoại cho phép người đối thoại có thể nhìn thấy mặt nhau, hệ thống xung điện từ để chống trộm hay đĩa hát hình trái táo, biểu tượng của hãng Apple. Các thành viên Beatles, đặc biệt là John tin Magic Alex như sấm và sẳn sàng chi những số tiền khổng lồ cho những phát minh nhảm nhí của hắn. Khỏi cần nói cũng biết, tất cả những kinh phí nghiên cứu đó đã vào túi riêng của Alex. “Phát minh” vĩ đại nhất của Alex trong thời gian đó là chiếc hộp nhựa bên trong chứa những bóng đèn nhấp nháy vô dụng. Với cách kinh doanh “nghệ sĩ” như vậy, chỉ hơn nửa năm kinh doanh, số tiền thu được từ việc bán đĩa của nhóm không đủ để bù lỗ cho thất bại của Apple. Nợ nần chồng chất, nhóm Beatles bắt đầu cắt bớt những dự án kinh doanh vô ích và tìm một người quản lí. Nhưng đi đến đâu họ đều nhận được những cái lắc đầu từ chối. Không ai dại gì mà dấn than vào để tát nước một con tàu bị đắm.
Khi cái tôi cá nhân giết chết lợi ích tập thể
Thuở hàn vi, các chàng trai John, Paul và George đã cùng nhau chơi nhạc một ngày từ 8 đến 10 tiếng ở các quán bar tồi tàn nhất từ Liverpool đến Hamburg với đồng lương không đủ để sắm sửa nhạc cụ. Trong điều kiện khắc nghiệt như thế, họ vẫn sát cánh bên nhau và là một khối thống nhất, đoàn kết chặt chẽ. Trên sân khấu các thành viên tung hứng với nhau thật ăn ý từng nốt nhạc, câu bè. Trong suốt nhiều năm liền, John Lennon và Paul McCartney là một cặp sáng tác chung hoàn hảo, hai tính cách âm nhạc bổ sung cho nhau một cách tuyệt vời. Không thể chối cãi, sự đoàn kết như anh em một nhà đóng vai trò rất quan trọng đối với sự thành công của the Beatles. Và lẽ dĩ nhiên, khi sự đoàn kết đó không còn, thất bại là một điều tất yếu.
Trong vai trò sáng tác chính của ban nhạc John và Paul luôn nắm quyền quyết định ca khúc nào sẽ được thu âm, ca khúc nào bị loại. Đôi khi làm việc chung, đôi khi riêng rẽ, giữa John và Paul luôn có một sự cạnh tranh ngấm ngầm. Lúc đầu sự cạnh tranh chỉ dừng ở chỗ ganh đua để cùng tiến bộ, càng về sau nó càng trở thành sự ganh tị. John luôn miệng chê bai những ca khúc riêng của Paul là “vứt đi” hay “rác rưởi” và tỏ ra thái độ bất hợp tác khi Paul đề nghị thu âm. Nếu có khen một bài hát nào đó của Paul, chắc chắn John sẽ kèm thêm một câu đại loại như: “nếu để tôi hát chính thì bài hát sẽ hay hơn.” Trái lại, Paul luôn kiên quyết làm được những gì mình muốn làm, bất chấp mọi lời khích bác. Có những ca khúc Paul bắt nhóm thu đi thu lại trên 50 lần mà vẫn chưa vừa ý. Thậm chí anh còn lấn sân bằng cách lén xoá đi phần guitar của John hoặc George để thu lại cho vừa ý mình. Sự cầu toàn thái quá của Paul đã gây ra nhiều mâu thuẫn trong nhóm.
Trong khi hai ông lớn tranh giành ảnh hưởng với nhau từng chút một thì George Harrison, thành viên nhỏ tuổi và ít lời nhất của nhóm phải chịu một sự bất công quá đáng. Những ca khúc của anh đều bị gạt ra một cách không thương tiếc. Hoặc hoạ may John và Paul chỉ đồng ý cho George thu một hai ca khúc của mình sau khi đã thu xong hơn mười bài của họ. Có hai lí do dẫn đến sự chèn ép vô lí này. Lí do thứ nhất là cả John và Paul đều muốn nắm giữ vị trí độc tôn về mặt sáng tạo nghệ thuật. Trong mắt của hai người thủ lĩnh, George vẫn là một cậu bé đàn em, không có tư cách đứng chung sân với mình. Trên thực tế thì kĩ thuật chơi guitar của George hơn hẳn John và Paul. Tài năng sáng tác của anh cũng được khẳng định qua những ca khúc thuộc hàng hay nhất của Beatles như “Something”, “While My Guitar Gently Weeps” hay “Here Comes the Sun”. Về nghệ thuật, George đã đóng góp không nhỏ vào thành công của Beatles khi đưa âm nhạc dân gian Ấn Độ vào trong hoà âm và phối khí tạo một âm hưởng huyền bí. Rõ ràng, George không phải là một người bất tài. Lí do thứ hai khiến những sáng tác của George thường bị từ chối là một lí do khá tế nhị. Nguời sáng tác ca khúc ngoài tiền lợi nhuận thu được từ số lương đĩa bán ra còn nhận thêm 30% tiền bản quyền tác phẩm. Điều đó có nghĩa là số lượng tác phẩm tỉ lệ thuận với số tiền thu nhập do bán bản quyền. Ở vai trò nhạc công trong ban nhạc, George và tay trống Ringo chỉ nhận được 1,5% trên tổng doanh thu bán đĩa, một thu nhập không thấm tháp vào đâu so với số tiền khổng lồ của John và Paul kiếm được qua tác quyền. Điều này khiến George cực kì bất mãn. Những ca khúc solo của anh sau này như “Not Guilty” hay “Wah wah” thể hiện rất rõ sự bất mãn khi bị đối xử không công bằng.
Mâu thuẫn cá nhân do cạnh tranh ngày càng được khoét sâu khi Yoko Ono luôn xuất hiện với John như hình với bóng. Điều này phá vỡ qui luật bất thành văn của nhóm- không một thành viên nào có quyền mang vợ hay người yêu vào phòng thu trong lúc đang thu âm. Chẳng những ở lì trong phòng thu với John, Yoko còn mang cả giường ngủ vào và sẳn sàng lên tiếng phê bình cách chơi nhạc của những người còn lại mặc dù bản thân mình không hiểu biết gì nhiều về nhạc rock. Chẳng những không can thiệp, John còn hưởng ứng những hành động thái quá của Yoko. Sự quá đáng này khiến cho Ringo Starr, thành viên hiền lành và dễ dãi nhất của nhóm cũng phải bực bội và căn vặn John về sự hiện diện túc trực của Yoko. Rõ ràng việc kết tội Yoko gây chia rẽ nội bộ của nhóm Beatles và làm John trở nên quái đản hơn trong mắt mọi người không phải là không có căn cứ.
Nếu ai đã từng xem bộ phim tài liệu “Let It Be” của Beatles sẽ có thể thấy rằng, sự chia tay là không tránh khỏi. Trong một cảnh quay ở trường quay Twickenham, John và Yoko ngồi tụm lại một góc thì thầm với nhau những điều gì không rõ, mặc kệ những người xung quanh. George thì nhẫn nại hứng chịu những lời phê bình và chỉ trích của Paul về cách chơi guitar như thế nào cho hay. Còn Ringo thì ủ rũ gõ trống cho có lệ. Cả trường quay bị bao phủ bởi một không khí vừa căng thẳng vừa lạnh lẽo. Đỉnh điểm của mâu thuẫn là khi George, sau khi chịu đựng hết nổi sự chỉ đạo của Paul và sự thờ ơ của John, đã đứng bật đậy, nói với Paul một cách bực dọc: “Thôi được, hoặc là tôi chơi theo cách của anh hoàn toàn, hoặc là tôi sẽ không chơi gì nữa.” rồi xách đàn ra về. Với tư cách một nhạc sĩ, George cảm thấy bị xúc phạm nặng nề. Trả lời phỏng vấn, anh bày tỏ tâm sự của mình: “Đối với Eric Clapton hay Bob Dylan, tôi nhận được sự tôn trọng như một nghệ sĩ thực sự. Còn đối với Beatles, tôi chỉ là một nhạc công chơi lót không hơn không kém. Tôi không nghĩ rằng mình có thể tiếp tục chơi nhạc với Paul trong cùng một ban nhạc một lần nữa.”
Sau bao nhiêu năm được khoác lên người, chiếc áo the Beatles đã trở nên quá chật chội đối với những cái tôi đang lớn dần. Khi các thành viên trong một tập thể từ chối nghe nhau và hiểu nhau vì ai cũng có một mục tiêu riêng và cái tôi cá nhân quá lớn, tập thể đó chắc chắn sẽ không tồn tại. Khi chưa có tiền bạc và danh vọng, nhóm Beatles luôn cần có nhau để đạt được mục đích đó nên họ đã kết hợp thật chặt chẽ và bổ sung cho nhau một cách tuyệt vời. Nhưng khi đã có được mọi thứ trong tay, cái họ cần là sự tự do để khẳng định bản than mình. Cái tên Beatles ngày nào đã trở thành một gánh nặng mà ai cũng muốn tìm cách thoát ra và chứng tỏ mình là John Lennon, là Paul McCartney, là George Harrison, những nghệ sĩ độc lập tài năng chứ không phải là thành viên của một nhóm nhạc nổi tiếng.
Tát nước để cứu một con tàu đang chìm dần là việc làm vô ích.
Thật vậy, với tình hình kinh doanh thua lỗ liên tục và mâu thuẫn cá nhân ngày một nặng nề thì sự xuất hiện của Allen Klein, người quản lí mới của ban nhạc do John, George và Ringo chọn lựa chỉ là một nỗ lực vô vọng. Là người nổi tiếng tham vọng cũng như cách hành xử mafia trong công việc, với vai trò ông bầu của nhóm Rolling Stones, Allen Klein đã đem lại nhiều thành công đáng kể cho nhóm này. Với sự thuyết phục của Yoko, John đồng ý để cho Allen Klein về quản lí công ty Apple lẫn nhóm Beatles. Điều này vấp phải sự phản đối gay gắt của Paul, người đang muốn sử dụng cha vợ và anh vợ của mình để làm quản lí. Tuy nhiên, với ba phiếu thuận từ John, George và Ringo, Paul đành phải nhượng bộ để Allen Klein giữ ấn kiếm. Để trả đũa, Paul sử dụng cha vợ và anh vợ làm quản lí riêng và lén lút mua lại 51% tác quyền những ca khúc của Beatles và trở thành ngưòi độc quyền khai thác chúng. Điên tiết do bị chơi xỏ, ba tay Beatles còn lại và Allen Klein đâm đơn kiện Paul và bị Paul kiện ngược lại. Và sau khi nhóm Beatles tan rã, Allen Klein đã kiện tất cả những thành viên còn lại do vi phạm hợp đồng quản lí, bắt đầu cho chuỗi ngày kiện tụng lẫn nhau của những người trước đây từng là bạn bè chí cốt của nhau. Được dịp tốt, các tờ báo lá cải thi nhau thêm mắm dặm muối vào những lời phát biểu của mỗi thành viên để biến chúng thành những cuộc cãi nhau thực sự nhằm trục lợi từ những mâu thuẫn của nhóm.
Công bằng mà nói, Allen Klein đã nỗ lực rất nhiều trong việc vực dậy tên tuổi của Beatles. Việc làm đầu tiên của ông này khi về quản lí là sa thải hơn 1/3 số nhân viên ăn không ngồi rồi của công ty Apple và bắt đầu kế toán lại sổ sách tính ra con số nợ cụ thể mà công ty phải gánh. Tiếp theo là việc đề ra kế hoạch kinh doanh để trả nợ trong tương lai bao gồm dự án “Get Back”, một dự án kết hợp việc thu âm album mới theo phong cách live, phát hành hai album tổng hợp những bài hit cũ của nhóm, một bộ phim tài liệu ghi hình lại quá trình thu âm album và một tour diễn hoành tráng sau hơn 4 năm ngừng đi lưu diễn. Theo dự tính, lợi nhuận thu được từ những buổi diễn live thôi cũng đã lên tới 2 triệu bảng Anh, dư sức trả số nợ mà công ty Apple đã gây ra. Tuy nhiên, dự án mang cái tên đầy hi vọng “Get Back” đã bị các thành viên bỏ dở không thèm ngó ngàng tới để lo cho những dự án riêng tư của mình. Và một lần nữa, ông bầu Allen Klein đã đắc tội với Paul khi dám tự tiện nhờ nhà sản xuất Phil Spector chỉnh sửa khá nhiều những ca khúc trong album “Let It Be” album cuối cùng của nhóm mà trong đó có nhiều bài của Paul. Tức nước vỡ bờ, Paul quyết định không dời ngày phát hành album solo của mình lại và lên báo tuyên bố mình sẽ rời khỏi Beatles. Nhóm Beatles chính thức bị khai tử.
Kết luận
Có lẽ đối với những ai còn ấm ức trước sự tan rã của một ban nhạc the Beatles, bài phân tích này hi vọng phần nào sẽ giải toả được tâm lí bất mãn trên. Cũng như bao nhiêu chuyện lớn nhỏ khác trên đời, đoạn kết tuy không có hậu của một huyền thoại đều tuân theo một qui luật thịnh suy, hưng vong không tránh khỏi. Sự thất bại của the Beatles là một điều tất yếu khi quyền lợi cá nhân mạnh hơn tập thể. Mặc dù không ai mong đợi nhưng sự tan rã này là điều ai cũng có thể dự đoán được. Một Beatles tập thể không còn, nhưng những cá nhân xuất sắc của nhóm vẫn tiếp tục con đường nghệ thuật của mình trong nhiều năm sau đó. “Hùm chết để da, người chết lưu danh”, với những thành tựu xuất sắc không thể phủ nhận trong nghệ thuật, cái tên the Beatles chưa bao giờ thật sự chết đi trong lòng người hâm mộ. Đó mới là điều quan trọng nhất.
Huỳnh Chí Viễn
0 comments