“Woman, I know you understand a little child inside a man” (Woman).
Trong ca khúc “Woman”, huyền thoại âm nhạc, thành viên bất trị nhất của The Beatles, chiến sĩ đấu tranh cho hòa bình thế giới và người đàn ông bốn mươi tuổi đã tự nhận xét về mình một cách không thể nào chính xác hơn: “một đứa trẻ nhỏ trong thân xác một người đàn ông trưởng thành.”| Bỏ qua hết tất cả những danh xưng hay biệt hiệu mà người ta vô tình hay cố ý gán ghép cho John Lennon thì quả thật, John Lennon có nhiều tính cách của “một đứa trẻ không bao giờ lớn” bên cạnh tầm vóc thiên tài của mình. Cũng có thể sự trẻ con đó đã tạo nên cái thiên tài của John Lennon, vì người trưởng thành không thể có được những suy nghĩ độc đáo đến như vậy. Bài viết này, nhân sinh nhật lần thứ 75 của John Lennon, sẽ đề cập đến một khía cạnh hoàn toàn khác của John Lennon, ít nhất là khác với những nhìn nhận theo kiểu phong thánh trước đây của nhiều nhà phê bình Beatles cũng như người hâm mộ.
1. Ám ảnh về nỗi mất mát:
Trong số bốn thành viên Beatles, John là người nếm trải đầy đủ nhất những sự mất mát không thể nào bù đắp được từ khi còn bé cho tới khi trưởng thành. Bố bỏ đi từ khi còn trong bụng mẹ, mẹ lấy chồng khác, John được dì dượng nuôi nên từ nhỏ John đã thiếu vắng tình thương của cha mẹ. Khi lớn lên một chút, dượng George, người mà John rất thương yêu cũng qua đời. Dì Mimi của John thì lại quá nghiêm khắc khiến John luôn cảm thấy thiếu một chỗ dựa về mặt tinh thần. Mười bảy tuổi, John lần đầu nối lại mối quan hệ với mẹ ruột và được mẹ dạy chơi đàn guitar, nhưng rồi bà Julia đột ngột qua đời trong một tai nạn xe cộ khiến John thực sự mồ côi. Đó là nỗi ám ảnh lớn nhất trong đời của John mà những thành viên khác của Beatles hay người vợ trước Cynthia không thể nào thấu hiểu hoặc chia sẻ được.
Từ trước khi gặp Yoko, John sống như một đứa trẻ thiếu tình thương và sự dạy dỗ của cha mẹ. Ở Yoko, John tìm thấy được hình ảnh một người mẹ, cái mà Julia đã không mang lại được. Điều này lý giải tại sao John không thể rời bỏ Yoko dù cho mọi người đều lên án và buộc tội họ. Năm 1970, John tham gia vào khóa trị liệu tâm lý mang tên Primal Scream, một liệu pháp tâm lý giúp người tham gia giải tỏa hết những ám ảnh sâu thẳm trong tâm hồn từ khi còn thơ ấu, như một nỗ lực để cai nghiện ma túy. Nhiều lần sau buổi trị liệu, Yoko thấy chồng mình nằm cuộn tròn trong tư thế bào thai và khóc nức nở khi buộc phải nhớ lại những ám ảnh của tuổi thơ. Cuộc trị liệu thất bại nhưng nó đã tạo nên nguồn cảm hứng cho những ca khúc trong album “Plastic Ono Band” như “Mother” ,“My Mummy Is Dead”, “God” và “Isolation.” Đó là những ca khúc phản ánh cực kì chân thật những nỗi đau chôn giấu trong lòng của John Lennon về nỗi mất mát tình cảm. Chính vì không được sự chăm sóc của cha cùng với sự nghiệp đang lên của một Beatle, nên khi đến khi được làm cha, John đã không làm tròn bổn phận với cậu con trai đầu lòng Julian Lennon. Đó cũng là một nỗi dằn vặt của John Lennon. Nỗi ám ảnh về sự mất mát của John chỉ thực sự được bủ đắp với sự ra đời của cậu con trai Sean Lennon ngay đúng vào ngày sinh của John. John lập tức bỏ tất cả ánh hào quang của một rock star lại sau lưng để dành năm năm toàn tâm toàn ý chăm cho con mình. Qua sự trưởng thành từng ngày của Sean, John đã tìm lại tuổi thơ bị mất của mình. Album cuối cùng của John Lennon là lời tâm sự của một người đàn ông trưởng thành và có trách nhiệm về cuộc sống và gia đình. Tiếc rằng, không như tựa đề của bài hát “Life Begins at Forty” cậu bé John Lennon đã không bao giờ có cơ hội để thực sự trưởng thành như mong muốn.
2. Ghen tuông và chiếm hữu:
Chính sự mất mát về tình cảm từ bé đã hình thành tính cách ghen tuông và chiếm hữu trong John Lennon. Đối với cả hai người vợ Cynthia Powell và Yoko Ono, John đều luôn tỏ ra ghen tuông ghê gớm và sẵn sàng dùng bạo lực với những kẻ được xem là có ý định tán tỉnh vợ mình, dù đó có là bạn thân nhất của mình như trường hợp của Stuart Sutcliffe đã từng bị John đánh thừa sống thiếu chết vì có những thái độ thân mật với Cynthia. Chính John cũng thừa nhận mình là một “Jealous Guy” hay làm tổn thương người mình yêu. Đối với mối quan hệ đồng nghiệp/đối thủ với Paul McCartney, John đôi lúc cũng có những động thái rất trẻ con khi Paul muốn chuyển hướng trong sáng tác hoặc làm việc riêng một mình.
Từ năm 1965 trở đi, khi John và Paul bắt đầu sáng tác riêng nhiều hơn và cuối cùng là hoàn toàn tách nhau ra để trở thành hai thực thể nghệ thuật riêng biệt thì John luôn tỏ ra ganh tị với Paul, lúc thì chê bài này chỉ đáng vứt sọt rác, khi thì bảo bài khác không ngửi nổi. Những ca khúc nổi tiếng của Paul như Obladi-Oblada hay Get Back luôn là đề tài châm biếm dìm hàng của John bất cứ khi nào có thể. Nếu bắt buộc phải khen thì thế nào John cũng thòng thêm một số câu đại loại như bài này nếu tôi hát sẽ hay hơn nhiều hay nhờ tôi sửa cho vài chữ nên bài hát mới được như vậy. Sự ganh tị này không hẳn là bắt nguồn từ tâm địa xấu xa mà giống như kiểu một đứa trẻ ganh tị với đứa trẻ khác khi không được mọi người chú ý hay vì không có được món đồ chơi mà nó thích. Đỉnh điểm của mâu thuẫn John-Paul là khi John mởi cả George Harrison vào cùng thu âm ca khúc “How Do You Sleep?” đả kích và châm biếm một cách công khai Paul. Nhưng sau đó John lại nhanh chóng làm hòa với Paul và thậm chí còn có ý định thu âm chung với đồng nghiệp cũ. Điều này cho thấy, John không hề là một người có dã tâm tiểu nhân hay hận thù sâu sắc, tất cả chỉ là do sự thiếu kiềm chế rất trẻ con của mình khi thấy Paul có thể trưởng thành và thành công mà không cần mình.
3. Tò mò với những điều mới lạ:
Như một đứa trẻ khám phá thế giới chung quanh mình, John luôn tò mò về những điều mới lạ nhưng lại rất cả thèm chóng chán. Trong nhóm Beatles, John là người thử ma túy đầu tiên, tìm đến với thiền định và triết lý phương đông đầu tiên cũng như là người luôn đưa ra những ý tưởng lạ lùng trong việc thu âm. Khi thu âm ca khúc “Tomorrow Never Knows” với những ý tưởng lấy từ cuốn Sinh Tử Kinh của Tây Tạng, John đòi hỏi ông George Martin làm thể nào để giọng hát của mình vang vọng như tiếng tụng kinh của hàng ngàn Lạt Ma trên thảo nguyên hay với “Being For the Benefits of Mr. Kite” John tìm mọi cách để khán giả phải nghe được mùi mạt cưa và kim tuyến của những gánh xiếc rong vào bài hát. Nếu không có trí tưởng tượng phong phú của John thì những “Strawberry Fields Forever” hay “A Day in the Life” sẽ không có những cách tân táo bạo đến mức kinh điển như thế. Nhưng John cũng là người rất nhanh chóng cảm thấy chán. John chán Cynthia vì cô mang đến một cảm giác quá an toàn và dễ đoán. John chán những buổi lưu diễn bất tận của the Beatles vì khán giả chỉ biết gào rú chứ không hề nghe nhạc. John chán cả cuộc sống của một siêu sao đi đâu cũng bị nhòm ngó. Và khi phát hiện ra những buổi thiền định với thiền sư Maharishi Maheshi Yogi cũng không giúp ích gì được cho mình, John là người đầu tiên nằng nặc đòi về và bỏ dở khóa thiền ở Ấn Độ mà chính ông và George là người khởi xướng. Lúc nhỏ, John luôn bị ám ảnh bởi những người khuyết tật ở Liverpool do chiến tranh thế giới vừa kết thúc. Những bức tranh của ông vẽ thời còn đi học luôn có hình ảnh của những người tàn tật như thế. Trên sân khấu, nhiều lúc John cố tình nhại lại động tác và vẻ mặt của những đứa trẻ thiểu năng. Giải thích cho hành động có phần ác ý của mình, John bảo rằng ông luôn vừa cảm thấy tò mò và sợ hãi trước những người bị khuyết tật và cách nhại lại họ là cách giúp ông vượt qua nỗi sợ đó.
4. Thích chơi chữ:
Là người luôn bị cuốn hút bởi cái lạ, có lẽ không hề ngạc nhiên khi John là fan trung thành của Lewis Carroll người nổi tiếng với tác phẩm “Alice in Wonderland” và “Through the Looking Glass”. Trong hai tác phẩm này, ngoài thế giới thần tiên kì ảo, những bài thơ vô nghĩa với những từ ngữ do chính tác giả sáng tạo ra luôn hấp dẫn trí tưởng tượng phong phú của John. Chính vì thế mà khi sáng tác, John đã tạo ra một thế giới hình ảnh ngôn ngữ riêng siêu thực với ca từ của những ca khúc kiểu “Lucy in the Sky with Diamonds”, “I am the Walrus”, “Across the Universe” hay “Come Together”. Những từ ngữ không liên quan, qua sự kết nối của John tự dưng phù hợp với nhau đến kì lạ như những mảnh ghép trong tranh lập thể của Picasso. Chỉ có John mới sáng tạo ra những hình ảnh siêu thực cổ tích kiểu “xe taxi làm bằng giấy báo”, “cà vạt bằng kính mắt”, “cô gái với đôi mắt kính vạn hoa” và “những bông hoa bằng giấy bóng xanh vàng đung đưa trên đầu” trong “Lucy in the Sky with Diamonds” hay “những nữ tu khiêu dâm” và “chú chim cánh cụt sơ cấp leo lên ngọn tháp Eiffel” trong “I am the Walrus”. Sự cuồng Lewis Carroll của John còn được thể hiện qua những truyện ngắn và những bài thơ theo phong cách của tác giả “Alice in Wonderland” mà John sáng tác khi còn là một cậu bé.
Tất cả những sáng tác này cũng như những hình vẽ của John đã được phát hành qua hai tập sách “In His Own Write” (1964) và “A Spaniard at Work” (1965). Cũng chính John là người dùng tất cả những từ ngữ trong poster quảng cáo gánh xiếc thế kỉ 19 để viết nên ca khúc “Being for the Benefits of Mr. Kite”, kết hợp “I’m sorry” của tiếng Anh và “Sumimasen” trong tiếng Nhật thành “Aisumasen” và bị ám ảnh bởi loài hoa mang tên double fantasy đến mức sử dụng nó để đặt tên cho album của mình. Trong ca khúc “Number 9 Dream”, John khiến người nghe ngạc nhiên khi lặp đi lặp lại câu hát “Ah! böwakawa poussé, poussé” một câu hoàn toàn vô nghĩa mà ông nghe được trong một giấc mơ của mình. Đối với John, những ngôn từ dường như có một sức hấp dẫn to lớn không cưỡng lại được.
5. Thích chứng tỏ bản lĩnh:
Mặc dù trong the Beatles, Paul mới thực sự là người đưa ra mọi quyết định và kiên trì thậm chí lì lợm buộc mọi người làm tới cùng những yêu cầu của mình, bề ngoài, John luôn tỏ ra mình là một thủ lĩnh, người lãnh đạo nhóm vì đơn giản, ông là thành viên lớn tuổi nhất (trừ Ringo). Khi được quyền phủ quyết, John luôn là kẻ giả vờ gây khó dễ cho người khác vì luôn bỏ phiếu chống mặc dù trong lòng đã thuận, cho tới khi mọi người xuống nước năn nỉ. Kiểu tóc moptop và bộ comple huyền thoại của the Beatles thời kì đầu là một ví dụ. Khi mọi người đều tỏ ra thích với hình ảnh mới, John mè nheo đủ kiểu đòi giữ lại bộ đồ da và mái tóc chải ngược kiểu Elvis cho tới khi ông Brian Epstein dỗ ngọt rằng John là người đẹp trai nhất nếu theo phong cách mới. Linda McCartney kể lại lần đầu tiên đến chụp ảnh cho nhóm the Beatles, cô đã bị hớp hồn trước vẻ phong trần và lạnh lùng của John. Nhưng khi John tìm cách để cưa cẩm cô , Linda nhận ra rằng anh chàng này là một đứa trẻ con lớn xác. John cũng đã làm điều này với Astridd, vị hôn thê của bạn thân Stu Sutcliffe, khi nhóm còn ở Hamburg. Dường như John chẳng bao giờ chịu lép vế trước mặt đàn em. Đối với George, John luôn coi ông là em út và không thèm đếm xỉa trong suốt một thời gian dài khi Beatles còn là the Quarrymen. Một chi tiết nữa khá thú vị cho sự hiếu thắng trẻ con của John là trong bộ phim về the Beatles thời kì ở Hamburg mang tên Backbeat, nhân vật John Lennon luôn mồm khẳng định mình là con trai của thủy thủ nên có dòng máu hàng hải trong người. Nhưng khi lên tàu sang Hamburg, John là kẻ đầu tiên nôn thốc nôn tháo ví say sóng nhưng vẫn cố gân cổ lên mà gào “I’m a son of a sailor’s son”. Paul McCartney khi xem đến đoạn này đã nhận ra đây là một đoạn hư cấu nhưng vì nó rất giống với tính cách của John nên đã quyết định bảo nhà sản xuất giữ lại đoạn đó.
6. Chủ nghĩa tối giản kiểu John Lennon:
Nếu bạn cho phép một đứa trẻ được tự do làm bất kì điều gì nó muốn sau một thời gian dài phải chịu sống trong khuông phép của nhà trường, nó sẽ thỏa sức nghịch bẩn, chạy giỡn, ăn vụn, vẽ bậy cho tới khi mệt nhoài rồi sẽ leo lên giường ngủ với bộ dạng không thể nhếch nhác hơn mà không thèm tắm rửa hay đánh răng. John Lennon là một đứa trẻ như thế. Sau khi đã quá chán với những thành công cũng như ràng buộc của cái tên Beatles, cậu trẻ con này với sự cổ vũ động viên của Yoko Ono đã thỏa sức nghịch ngợm theo kiểu của mình. Cùng với Yoko, John thu ba album mang tính thử nghiệm không thể điên khùng hơn: Unfinished Music No. 1: Two Virgins (1968) với bìa đĩa là ảnh khỏa thân hoàn toàn của John và Yoko, Unfinished Music No.2: Life with the Lions ( 1969) và the Wedding Album (1969) với những track của album không phải là những bài hát thông thường là những thứ âm thanh tạp nham của đời sống xen lẫn những đoạn hội thoại không đầu không đuôi và tiếng feedback chói tay của cây guitar điện được kê vào loa. Ngay cả tiếng nhịp tim đập yếu dần của bào thai trong bụng Yoko cũng được thu lại.John gọi đó là thứ âm nhạc của tương lai, ai cũng có thể chơi nhạc được ngay cả khi không biết một nốt nhạc nào. Nhiều fan của Beatles đã cực lực lên án trò điên khùng này, nhưng nếu xét ở một khía cạnh nào đó, đây là cách John xả stress một cách rất trẻ con kiểu một đứa trẻ vẽ nguệch ngoạch lên giấy những hình thù vớ vẩn rồi chạy đi khoe khắp nhà. Một hành động cũng gây khá nhiều tranh cãi của John trong giai đoạn 1969-1970 là “Bagism” (chủ nghĩa túi). Khi John biểu diễn trên sân khấu, Yoko chui vào một cái túi vải màu trắng ngồi kế bên trong suốt buổi diễn và chỉ chịu chui ra khi John tự tay mở túi dìu ra. Hoặc hai vợ chồng cùng nhốt mình trong hai chiếc bao trắng để trả lời những câu hỏi của phóng viên. Ý nghĩa của Bagism là gì? John muốn nói nếu con người chui vào những chiếc túi trắng thì ai cũng như ai, lúc đó bạn sẽ không phải lo bị người ta đánh giá hay kì thị vì màu da, kiểu tóc hay mặt mũi thế nào, đó là một sự bình đẳng thật sự.
Chủ nghĩa tối giản của John Lennon đạt đến sự siêu việt khi trong năm 1972, John tuyên bố thành lập một quốc gia không biên giới, không tôn giáo và cũng không cần giấy thông hành mang tên Nutopia. Chỉ cần bạn thừa nhận sự tồn tại của nó, bạn đã là một công dân chính thức của Nutopia rồi. Trong album Mind Games (1972), John thậm chí có một track dài …3 giây mang tên Nutopian National Anthem (quốc ca của Nutopia). Đó là ba giây hoàn toàn im lặng. John giải thích trong ba giây im lặng đó, bất kì giai điệu nào vang lên trong đầu bạn thì đó là quốc ca của Utopia, một sự tự do tuyệt đối. Gọi đây là một tầm nhìn thiên tài cũng được hay bảo đây là một cái nhìn vô cùng trong sáng của trẻ thơ cũng chẳng có gì sai.
7. Khuynh hướng chính trị:
Đã rất nhiều năm cả hai phe tư bản và cộng sản đã đội cho John khá nhiều cái mũ chính trị vì tầm ảnh hưởng của ông và nhóm Beatles đối với giới trẻ là quá lớn. CIA còn lập một hồ sơ riêng dày hàng nghìn trang theo dõi mọi động tĩnh của John trong thời gian ông ở Mỹ, thậm chí còn nghe lén cả điện thoại cá nhân và làm khó dễ đủ điều trong việc cho ông nhập cư hợp pháp ở Mỹ. Trong mắt cơ quan tình báo Mỹ, John Lennon đã bị KGB cài vào để tẩy não giới trẻ Mỹ. Thật ra khuynh hướng chính trị của John Lennon rất đơn giản: nói không với bạo lực và chiến tranh. Điều này bộc lộ qua rất nhiều ca khúc của John trong và sau giai đoạn Beatles như “All You Need Is Love”, “Revolution” và “Give Peace a Chance”. Trong “Revolution” John hát “nếu như bạn dùng bạo lực thì nhớ đừng lôi kéo tôi vào” và “nếu bạn mang ảnh Mao Trạch Đông xuống đường thì chẳng có ai sẽ đi với bạn đâu.” Rõ ràng là John không thích chủ nghĩa cộng sản kiểu Trung Quốc.
Trong “Give Peace a Chance” John tuyên bố “Ai cũng nói về chủ nghĩa này chủ nghĩa nọ nhưng điều duy nhất chúng ta cần nói là hãy cho hòa bình một cơ hội”. Chẳng phải qua “God”, John liệt kê ra hàng loạt các thứ tôn giáo chính trị chủ nghĩa mà mình chẳng tin vào để rồi kết luận rằng: “Tôi chỉ tin vào tôi, tôi và Yoko” hay sao? Không phủ nhận rằng John Lennon ít nhiều chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội cũng như rất nhiều văn nghệ sĩ và giới trẻ hippie của thập niên 60-70 những người tự cảm thấy mình có trách nhiệm bảo vệ hòa bình và phản đối những cuộc chiến tranh đang xảy ra hàng ngày ở các nước thế giới thứ ba. Niềm tin của họ rất đơn giản: mang quân sang đánh một quốc gia khác trên bất cứ danh nghĩa gì đều không hợp lý và mọi mâu thuẫn đều có thể giải quyết bằng hòa bình. Khi phe tư bản chủ nghĩa nhất là Mỹ đang lún sâu vào những cuộc chiến gần như không lối thoát cũng như lo giải quyết những khủng hoảng về xã hội và nhân quyền còn phe xã hội chủ nghĩa thì luôn hô hào giải phóng dân tộc, giải phóng con người thì việc nhiều văn nghệ sĩ cấp tiến thời đó trong đó có John Lennon bị ảnh hưởng tư tưởng xã hội chủ nghĩa là điều dễ hiểu. Nhưng chủ nghĩa xã hội của John là một thứ chủ nghĩa xã hội không có bạo lực, chiến tranh, không có người bức hại người mà chỉ có hòa bình và tình thân ái giữa các giai cấp và các dân tộc. Người mà John Lennon tôn sùng là Gandhi, người đã giành lại độc lập cho Ấn Độ bằng biện pháp ôn hòa chứ không phải là Stalin hay Mao. Đó là niềm tin thánh thiện và thuần khiết nhất vào tình thân ái của loài người, điều chỉ có trong suy nghĩ của những trẻ thơ nhìn đời bằng đôi mắt trong sáng chứ không phải là suy nghĩ của những chính trị gia lọc lõi tráo trở.
Nếu còn sống, John Lennon năm nay đã 75 tuổi và có lẽ sẽ trở thành một “Lão Ngoan Đồng” (ông lão với tâm hồn trẻ thơ) của nhạc rock. Nếu còn sống, không biết John Lennon có được nhiều người nhắc tới như bây giờ và được khoác lên vai quá nhiều chiếc áo tư tưởng chính trị này nọ không? Không biết ông có suy nghĩ gì khi thấy mình được phong thánh hay ca ngợi như một biểu tượng này nọ của hòa bình thế giới? Nhưng có một điều tôi dám chắc là nếu còn sống, John Lennon sẽ không tích cực thu âm, lưu diễn và lên truyền hình đều đặn như đồng nghiệp Paul McCartney vì John sẽ chọn lối sống tự do bản năng, thích thì làm, không thích thì chẳng ai ép được mình. John cũng sẽ chẳng quan tâm rằng mình có được tôn vinh trong các giải thành tựu trọn đời hay có tên trong Rock and Roll Hall of Fame hay không vì xét cho cùng John không sống vì những điều đó. Ở tuổi nào đi nữa thì John Lennon vẫn là một đứa trẻ chẳng bao giờ lớn luôn tò mò với những điều mới lạ, luôn nhặng xị để gây sự chú ý, thích cãi cọ gây gổ nhưng cũng rất trong sáng và thuần khiết.
Huỳnh Chí Viễn
0 comments