featured The Beatles Việt Nam

Nghe Beatles khi người ta trẻ

Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013The Beatles Việt Nam

Hết “Ngày Beatles”…, bất giác tôi lại nhớ tới những âm điệu “Con đường dài khúc khuỷu – Dẫn tới cửa nhà em” của Beatles.

1. Với nhạc Beatles, tôi có những kỷ niệm từ rất lâu rồi. Đầu tiên là vào khoảng 1978 – 1979, khi lũ choai choai Hà Thành bắt đầu biết đến “nhạc Tây” – “ABBA”, “Smokie”, “Boney M”…, đa phần qua chương trình ca nhạc quốc tế gì đó của CHDC Đức, hay được chiếu vào thứ Năm hàng tuần trên TV Việt Nam. Đấy là nếu may, chứ vô phúc thì ca nhạc quốc tế sẽ là nhạc Liên Xô (còn tốt), tệ hơn là nhạc “các dân tộc thiểu số” như Ukraine, Bạch Nga, v.v…


Trên cái nền ấy, có lẽ nhạc Beatles vào miền Bắc không khó khăn lắm, nhưng trước hết, đa phần là những bài nhẹ, xì-lô, hợp với… lỗ nhĩ dân ta thời ấy hơn. Dòng nhạc sôi động kiểu “She loves you, yeah, yeah, yeah…” của Beatles tuyệt nhiên chưa thấy dạo ấy ở Bắc.

Không rõ từ đâu ra, nhà tôi có 1 băng cassette toàn Beatles, những bài dễ nghe, kiểu “PS. I Love You”, “And I Love Her”, “Michelle”, “In My Life”, “If I Fell”, “Words of Love”, “Something”… Về sau, tôi mới biết đấy là một album tuyển các ca khúc nhạc tình của “Beatles”, tên là “Love Songs”, ra năm 1977.


Chả hiểu làm sao mà chỉ trong vòng độ 2 năm nó đã lan sang Việt Nam để ai đấy còn thu được vào cassette thi quả là một kỷ lục thời đáng nể thời bao cấp ngăn sông cấm chợ – tôi nghĩ chắc đây là thành tích của các đồng chí thủy thủ viễn dương và đề nghị sách bác Đặng Phong, nếu tái bản, nên ghi thêm chiến công “vượt rào” này của dân yêu nhạc thời ấy.

Nhưng với một thằng bé lên 10 như tôi, vấn đề không phải ở đấy. Mối lo duy nhất là cuốn băng quá ọp ẹp, đã bị nghe nhiều đến nhão trước khi đến tay tôi, mỗi lần cho vào đài là một lần nín thở sợ nó không chạy, hoặc nó… đứt ra. Nhất là với thời tiết nóng ẩm mưa nhiều nhiệt đới gió mùa ở ta, băng nhạc rất dễ ẩm thấp, mốc meo. Thế nên, nghe tình ca của Beatles luôn đi kèm với cảm giác bồn chồn… không biết mọi sự còn được đến khi nào.


2. Gần 10 năm sau, được qua bên này, khi ấy mới vỡ ra là nhạc Beatles phong phú hơn nhiều, không chỉ là những bản dễ nghe thời trước. Được nghe một cách hệ thống hơn, theo từng album, kể cũng thú nhưng cũng tra tấn nếu không đọc sách bình này luận nọ. Tự nhiên, hiểu thêm được rất nhiều về thời ấy (1960-1970) nhờ những cuốn sách về “Beatles”, âu cũng là một công đôi ba việc.

Đến giờ, tôi vẫn nhớ như in những đêm học thi, trời nóng, mấy cậu bạn bất chấp phong tục tập quán của Tây, cứ đánh trần mở nhạc Beatles và… học gạo kiến thức của cả học kỳ trong có mấy ngày. Có cậu – được coi là “đại sư” về “Beatles”, thì hay nghe những đĩa “khó” và ít bình dân hơn, như “White Album” hay “Abbey Road”, khiến bọn Tây cùng phòng nhiều khi cũng bực, “mày hạ vô-lum cho chúng tao nhờ”.

Cũng may là dù dạo đó chưa có máy tính, Internet hay mp3 như bây giờ, nhưng Đài Phát thanh Hungary cũng khá “tiến bộ”: từ 1979 họ đã nhiều lần có những chương trình “hoành tráng” về Beatles, mà hệ thống nhất là loạt “Beatles toàn tập” (tất cả các ca khúc của Beatles) được phát đi phát lại 3-4 lần. Riêng tôi, khoái nhất loạt chương trình 30 phần, về các version của Beatles không được thu đĩa, nhưng còn lại trong các bản demo.

Hồi ấy, tôi theo dõi rất đều loạt đó và cầy cục thu vào mấy chục cái cassette, để rồi sau này bị mất sạch sau 1 lần chuyển nhà! Tuy vậy, ấn tượng còn lại là rất nhiều bài bị loại có khi còn hay hơn bản đã thu đĩa…
Nhưng còn đọng lại nhất đến giờ với tôi từ kỷ niệm “nghe đài đọc báo của ta” những năm tháng ấy vẫn là một đêm cách đây tròn 20 năm, khi ấy, hai BTV âm nhạc kỳ cựu và được giới trẻ mê nhất của Hungary là B.Tóth László và Herskovits Iván đã làm chương trình tưởng nhớ John Lennon suốt từ 12 giờ đêm tới 5 giờ sáng, trên kênh Petőfi của Đài Phát thanh Hungary.

Rất nhiều bài ít được nghe của John được phát, bên cạnh các cuộc trò chuyện của giới phê bình Hungary, ròng rã 5 tiếng liền mà nghe không biết mệt, không thấy chán. Cũng trong lần ấy, tôi được nghe “Mother”, bản hát live tại concert, nghe thực và đau xé lòng…

3. Beatles tất nhiên không nổi tiếng vì lời ca trau chuốt, mang chất thơ này nọ – đấy không phải là nhiệm vụ của một ban nhạc phá cách, tạo dựng thứ nhạc “bầy đàn”, “bộ lạc” theo nghĩa mà Phạm Duy dùng, để chỉ khả năng “gọi bầy”, dễ dàng tụ họp giới trẻ ở mọi nơi mà mẫu số chung là cùng có một sở thích về ăn mặc, suy tư và nghe nhạc.

Nhưng kể ra, Beatles cũng có dăm bảy bài nên thơ, theo cách hiểu thông thường của người Việt, thường là của Paul. Như “The long and winding road” ở đĩa “Let It Be”:

“The long and winding road
That leads to your door
Will never disappear
I’ve seen that road before
It always leads me here
Lead me to you door
The wild and windy night
That the rain washed away
Has left a pool of tears
Crying for the day
Why leave me standing here
Let me know the way
Many times I’ve been alone
And many times I’ve cried”

Bản này hòa âm phối khí cũng trau chuốt, lại có cả dàn nhạc dây và… dàn đồng ca nữ trong vai trò phụ họa, điều mà trước sau Paul vẫn phản đối kịch liệt và lấy làm bực tức. So với bản “thuần” mà Paul đơn ca và tự đệm dương cầm, bản được thu đĩa không giản dị bằng, nhưng có lẽ cách mix của Phil Spector cũng không tệ khi đưa sắc thái mới vào nhạc Beatles, mà vẫn không ảnh hưởng đến những âm hưởng tự sự và đượm vẻ hoài niệm của Paul.

Sau đây là bản dịch (thơ) của Hana:
“Con đường dài khúc khuỷu
Dẫn tới cửa nhà em
Con đường dài gập ghềnh
Anh đã từng trông thấy
Gió đêm thổi hoang dại
Mưa quét sạch trơn tru
Khóc ngày dài đi mãi
Sao để anh đợi đây”

4. Gần đây nhất, khi đọc cuốn “Olga Berggoltz của tôi”, thấy Thụy Anh đã dùng những dòng thơ sau như một thứ đề tựa cho sách: “… Bạn đời chung thủy của em ơi, vào giờ phút lo buồn/ vào giờ phút ngẫm suy về số mệnh/mọi nẻo đường em đi, muôn lối rẽ/đều đưa em về bên anh/mọi nẻo đường em đi, muôn lối rẽ/đều gặp nhau nơi bậc cửa nhà anh”.

Bên cạnh là hình một cánh cửa tiêu điều, xiêu vẹo, rất ấn tượng. Tạo cảm giác buồn bã, có gì đấy thê lương. Đoạn trích ấy nằm trong bài “Em lấy được anh của cuộc đời”, Olga làm năm 1936 cho người chồng thứ hai Nikolai Molchanov sau khi đã chia tay mối tình đầu – Boris Kornilov – được nhiều năm, nhưng hồi quang của dĩ vãng vẫn đọng lại trong bà một cách day dứt khôn nguôi. Không hiểu sao, mở trang sách ấy, bất giác tôi lại nhớ tới những âm điệu “Con đường dài khúc khuỷu – Dẫn tới cửa nhà em” của Beatles, và nhớ đến nao lòng tới những ngày, những đêm cách đây 32 năm, đã nghe Beatlesvới nỗi háo hức của một cậu bé tuổi chưa vào đời, hoặc cách đây hai chục năm, vào những ngày tháng mà ý thức của tôi đã được tạo dựng trên đất khách. 

Đấy là những khoảnh khắc lung linh “khi người ta trẻ”…
Nguyễn Hoàng Linh

Bài Viết Liên Quan

0 comments

Bài Đăng Phổ Biến

Video Thành Lập FC - 6/12/2015