The Beatles Việt Nam

Người lưu giữ The Beatles trên TT&VH

Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013The Beatles Việt Nam


(TT&VH) – Theo anh Nguyễn Trưòng Sơn (hiện làm việc tại Terracotta Resort, Mũi Né) thì sau 1975, một trong những tờ báo đầu tiên và thường xuyên có đưa tin bài về The Beatles, có lẽ là TT&VH. Là người mến mộ ban nhạc này từ nhỏ, nên khoảng đầu thập niên 1990, anh đã bắt đầu cắt và lưu giữ những tin bài trên các báo để cho vào album. Đến nay, sau gần 20 năm “sưu tập” ngẫu hứng, anh nói rằng mình đã một lượng tin bài khổng lồ về The Beatles, mà trên 90% trong số đó có nguồn từ TT&VH.


 
1. Hỏi Sơn rằng tại sao anh chọn The Beatles để lưu giữ, Sơn cho biết: “Đây là sở thích cá nhân của tôi. Từ năm 1970, khi anh tôi từ bên CHDC Đức về đã mang theo nhiều đĩa hát của các nước Đông Âu thu âm The Beatles, trong đó có bài Ob-La-Di, Ob-La-Da mà tôi rất thích, đĩa này hình chữ nhật bằng nhựa dẻo, do Ba Lan sản xuất. Những đàn anh của tôi như Trọng Phan (trống) – hiện là NSƯT Nhà hát kịch TƯ, Trọng Phát (guitar) – em anh Phan; Đạt “Tây” (bass) – hiện vẫn chơi nhạc tại Hà Nội, anh Lương (guitar); anh Huyền (guitar) – lâu nay tôi không gặp… đã say sưa tập chơi các ca khúc trong đĩa hát này để giải trí và chơi ở các đám cưới”.

Theo lời Sơn, “trùm” móc show đám cưới lúc ấy là họa sĩ Nguyễn Văn Lai, nguyên là GĐ Công ty Culturimex, Bộ VH-TT&DL. Từ năm 1971 đến về sau này, tại các phòng cưới ở Hà Nội như Trăm Hoa, Hòa Bình, Thủ Đô, Hội trường Sở Giáo dục trên đường Quang Trung… bài Ob-La-Di, Ob-La-Da luôn được vang lên. Trước đây, các ban nhạc chơi đám cưới ở Hà Nội, “cập nhật” lắm thì cũng chỉ chơi nhạc của The Shadow. Từ lúc này, do nhà Sơn có được cái radio cassette hiệu Philips, do người thân bên Pháp gởi về, nên Sơn đã biết tại Sài Gòn báo đài hay gọi The Beatles là nhóm “Tứ quái”. Vài bài hát phát trên đài như All My Loving, Nowhere Man, Let It Be, Yesterday… đã làm cho Sơn gần The Beatles hơn.

Sơn có những kỷ niệm rất đáng nhớ đối với nhạc The Beatles. Các ca khúc Đồng xanh (Green Fields), Thú đau thương (Speak Softly, Love)… do Lê Hựu Hà chuyển ngữ, được trình bày bởi ban nhạc Mây Trắng, Elvis Phương, được Sơn thu vào băng cassette, và nhiều bản nhạc chép tay được truyền đi từ các băng cassette này. Năm 1975, khi theo mẹ sang Pháp thăm người thân, Sơn đòi mẹ cho tiền để mua quần jean Levi’s, nhưng khi trên đường ra shop, anh đã thấy đĩa Let It Be, nên liền mua và chạy một mạch về nhà, hết tiền để mua quần jean. “Tôi xem đây là gia tài đầu tiên của một cậu bé mười mấy tuổi, một đĩa nhạc 33 tua, mà bây giờ tôi vẫn còn giữ” – Sơn tâm sự.


2. Một lý do nữa khiến Sơn sưu tập The Beatles trên báo chí vì ban nhạc này thường được báo chí Việt Nam nhắc đến, đặc biệt là trên TT&VH. Anh nhận xét: “Về mặt khách quan, đây là một ban nhạc vĩ đại, việc đưa tin là xứng đáng, và đương nhiên cũng sẽ thu hút được nhiều độc giả quan tâm. Nhưng nhiều lúc tôi nghĩ, hay là trong ban biên tập, dịch thuật của báo TT&VH cũng có người yêu thích The Beatles giống mình? Công tâm mà nói, những tin bài mà TT&VH đưa về ban nhạc này khá chính xác, thời sự và sâu sắc”.

Trước khi nhạc sĩ Lê Hựu Hà (1946-2003) qua đời, Sơn thường xuyên gặp để trò chuyện về nhạc quốc tế, bởi nhạc sĩ này giỏi ngoại ngữ, có phương pháp nghiên cứu, nên trở thành pho từ điển sống cho anh thỉnh giáo. Chính nhạc sĩ đã dạy cho một “hiệp sĩ mù” về âm nhạc như Sơn biết nhiều điều về The Beatles, Bee Gees, Rolling Stones, ABBA – 4 ban nhạc mà anh yêu thích. Nhưng nếu nhìn các tin bài trên báo về 4 ban nhạc này, thì The Beatles vẫn chiếm ưu trội, đặc biệt với TT&VH, khá nhiều lần cả ban nhạc, hoặc chỉ riêng John Lennon, Paul MacCartney… đã lên bìa 1.

3. Hỏi Sơn, sau chừng ấy năm sưu tập, liệu anh có tự tin là mình đã lưu giữ được phần lớn các tin bài về The Beatles chưa? Sơn thận trọng: “Làm sao mà sưu tập hết được, khi mỗi ngày tôi chỉ có một ít thời giờ để đọc vài tờ báo, trong khi tại Việt Nam thì có tới hàng trăm tờ báo và tạp chí.

Việc lưu giữ của tôi là hoàn toàn ngẫu hứng và chẳng theo một ý đồ gì cả, gặp thì cắt bỏ vào hộc tủ, khi nào rảnh thì xếp vào album. Có khi đi trên máy bay, vào quán cà phê… thấy có tin về The Beatles thì xin hoặc “chôm chỉa”. Nhiều tin bài tôi bỏ vào hộc tủ mà chưa kịp đọc, thời gian sau lấy ra cho vào album, đọc lại, thấy cũng “nóng hổi”. Đôi lúc bị sót loặc làm mất vài tin bài cũng tiếc lắm, nhưng nghĩ lại, sự đam mê và sức mình có hạn, nên tự bảo lòng chẳng tham lam làm gì. Nhạc The Beatles đối với tôi lạ lắm, có lúc thích, có lúc không để ý đến nữa, nhưng khi đã thấm vào rồi, thì lại ngất ngây vô cùng”.
Văn Bảy / TT&VH

Bài Viết Liên Quan

0 comments

Bài Đăng Phổ Biến

Video Thành Lập FC - 6/12/2015