John Lennon

Giả thiết bất ngờ về cái chết của huyền thoại âm nhạc John Lennon

Thứ Bảy, 17 tháng 6, 2017The Beatles Việt Nam

Đầu tháng 12/1980, một ngày thứ 2 ảm đạm đã được ví như ngày “diệt vong” của nền âm nhạc thế giới, 1 vết đen trong lịch sử ngành giải trí với cái chết bất ngờ và nhiều bí ẩn của John Lennon, huyền thoại sáng lập ra nhóm Beatles. 

John Lennon bị ám sát trên đường về căn hộ của ông tại tòa nhà Dakota, Manhattan, thành phố New York. Ông đi cùng vợ là Yoko Ono. Cả 2 đều vừa từ studio về sau khi thu âm ca khúc "Walking on Thin Ice". John gục ngã do mất quá nhiều máu trong bệnh viện St.Luke's-Roosevelt. Người ta ghi nhận ông bị trúng 4 viên đạn.


Kẻ giết người, Mark Chapman, 25 tuổi, ăn diện bảnh bao, đứng lặng lẽ tại hiện trường. Trên mặt đất là khẩu P38 và chiếc kính dính máu của John. Hắn thư thái đốt 1 điếu thuốc, lạnh lùng nhìn Yoko Ono gào thét và thản nhiên ngồi chờ cảnh sát đến.

Theo lời khai với cảnh sát, hắn giết thần tượng của mình chỉ với mục đích muốn nổi tiếng. Nhiều ý kiến cho rằng, Chapman là fan cuồng của John suốt 1 thời gian dài cho đến khi phát hiện ra lối sống xa hoa, không giống như cách mà hắn tưởng tượng về 1 nhà đấu tranh cho hòa bình.

Câu chuyện tưởng chừng chìm vào dĩ vãng thì 30 năm sau, trong một cuốn sách của mình, tác giả Phil Strongman đã đưa ra 1 kết luận gây tranh cãi. Ông cho rằng John bị sát hại bởi CIA, Chapman chỉ là con rối mà thôi. Ông phủ nhận việc Chapman là fan của John Lennon và nhóm Beatles như báo chí vẫn đưa tin. “Người ta nói trong ba lô của hắn có đĩa nhạc của John ư, tôi chưa thấy một bức ảnh nào chứng minh điều đó”.

Strongman lập luận rằng Chapman đã được tuyển dụng bởi CIA và được họ đào tạo trong những chuyến đi bí mật khắp thế giới. Quả thực, Chapman đã từng ở Beirut vào thời điểm thủ đô của Li Băng là nơi diễn ra hoạt động của CIA. Hắn cũng sống nhiều năm ở Hawaii, nơi có những căn cứ khác của CIA.



Strongman đặt ra câu hỏi: “Làm thế nào để 1 người đàn ông thất nghiệp, có đủ tài chính để đi vòng quanh thế giới vào năm 1975, qua các nước Nhật, Anh, Ấn Độ, Nepal, Hàn Quốc, Việt Nam và Trung Quốc”. Tiền không bao giờ là vấn đề với Chapman, vấn đề là không ai giải thích được nó từ đâu đến.

Thêm vào đó, Strongman đưa ra giả thuyết rằng CIA đã sử dụng các loại thuốc đặc biệt hoặc kĩ thuật kiểm soát tâm trí con người lên Chapman. Theo đó, chỉ 1 tín hiệu kích hoạt đơn giản thông qua tin nhắn, âm thanh băng cassette, hoặc điện đàm cũng có thể kích động giết người. Ông cũng không tin rằng, Chapman hành động một mình và thậm chí còn nghi ngờ có kẻ đồng lõa núp trong tối để bắn hạ John Lennon. “Thật là kì diệu khi Chapman đứng bên phải của John còn các vết đạn bắn lại găm vào phía trái cơ thể ông”.

Nghi ngờ của Strongman càng lớn khi ông nhận thấy sự hời hợt trong các hoạt động điều tra của chính quyền. "Sự bình tĩnh sau khi giết người của hắn không được xoáy sâu, không có các động thái kiểm tra ma túy, tiền sử bệnh lý và các hoạt động bí mật trước đây của hắn cũng không được xem xét kỹ càng”. Ngoài ra, việc tên giết người điên rồ Chapman sống bình yên vô sự qua 3 thập niên ở 1 trong những nhà tù bạo lực nhất nước Mỹ, nơi có rất nhiều fan hâm mộ của John càng làm củng cố niềm tin của Strongman vào giả thuyết của mình.

Tác giả này còn viết thêm: "Tôi có niềm tin rằng cả FBI và CIA đang cố tình che đậy 1 tội ác khủng khiếp mà chính họ là người giật dây”.


Nhưng tại sao John Lennon lại nằm trong danh sách ám sát của họ? Phải chăng do ông có những sáng tác nhạy cảm về chính trị, hay việc một ngôi sao có sức ảnh hưởng toàn cầu như ông tham gia các phong trào phản chiến, đòi hòa bình sẽ là không có lợi cho chính quyền, đặc biệt là các đảng cánh tả hiếu chiến.

Tất cả chỉ là những nghi vấn khó lòng đưa ra giải đáp trọn vẹn.

Quang Tùng

Bài Viết Liên Quan

0 comments

Bài Đăng Phổ Biến

Video Thành Lập FC - 6/12/2015