The Beatles

Hey Jude: Lời tạm biệt ấm áp

Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2019The Beatles Việt Nam

Hey Jude là HIT lớn nhất của Beatles, và là ca khúc giữ vị trí No.1 Billboard lâu nhất. Có thể xem nó là bộ phim tài liệu về khoảnh khắc ban nhạc bắt đầu tan rã mãi mãi. Nó là bài hát về vết rạn nứt tình cảm giữa các thành viên trong một nhóm, từ góc nhìn của một thành viên muốn nói lời tạm biệt ấm áp.


Mùa xuân 1968, John Lennon chia tay người vợ Cynthia để đến với Yoko Ono. Paul McCartney - trong khoảng thời gian này cũng đã hủy bỏ hôn ước với bạn gái lâu năm Jane Asher sau khi bị bắt gặp lên giường với Francie Schwartz - cảm thấy thương thay cho Julian, cậu con trai khi ấy 5 tuổi của John.

Tháng 6/1968, ông đến thăm Cynthia và Julian. Trong chuyến đi này, ông đã nảy ra ý tưởng về Hey Jude, mà ban đầu là Hey Jules, lời an ủi một đứa trẻ 5 tuổi. Cuối cùng thì rõ ràng, ông thấy cái tên Jude - lấy cảm hứng từ nhân vật Jud (trong tiếng Anh có thể hiểu thành Người phán xử) của vở nhạc kịch Oklahoma! mà ông yêu thích - hay hơn (nhưng McCartney và các thành viên khác đều không biết rằng Jude trong tiếng Đức nghĩa là người Do Thái. Điều đó đã gây khó chịu cho họ khi bài hát còn bị biến tướng sang các vấn đề chính trị). Julian chỉ biết bài hát viết về mình cho đến khi trở thành thiếu niên. Nhưng đúng là trong thực tế, anh có nhiều kỷ niệm gần gũi với McCartney hơn là với cha đẻ.

Vậy là, McCartney đã viết Hey Jude để an ủi cậu bé Julian. Nhưng John Lennon lại nghe ra điều khác. Nhiều năm sau, trong các cuộc phỏng vấn, Lennon cho biết: Ông vốn nghĩ bài hát viết về mình, nghĩ rằng đó là lời chúc phúc mà Paul gửi tới khi ông quyết định đến với Ono và rời bỏ ban nhạc.


Thực tế là McCartney đã ngồi đằng sau tay lái, không phải lướt nguệch ngoạc trên đàn piano hay guitar, khi ông viết bài hát và do đó, nó phải đơn giản hết sức có thể, nhưng phải ấm áp như tình cảm trong gia đình. Trở lại London, ông thu lại bản demo trên phím đàn piano. Thế nên, Hey Jude đã bắt đầu là bản ballad cho piano, biểu diễn độc tấu trong 25 giây, trước khi ông biến nó thành thứ tham vọng hơn.

Dù sao thì, Beatles đã không ở trong trạng thái tốt nhất khi thu âm Hey Jude. McCartney và George Harrison đã tranh cãi gay gắt về phần guitar của Harrison trong bài hát. Cuối cùng, McCartney đã thắng. Có lẽ chúng ta nên cảm thấy may mắn. Bốn ngày sau khi single được phát hành, Ringo Starr rời khỏi ban nhạc, chỉ quay lại sau khi các thành viên trong ban nhạc thấy ông trên chiếc du thuyền của Peter Sellers ở Địa Trung Hải và thuyết phục ông quay trở lại.

Nhà sản xuất George Martin rất khó chịu với ý tưởng về single dài 7 phút. Bởi ông lo lắng họ sẽ không chịu phát bài hát trên radio. Lennon thì tự tin: “Họ sẽ phát nếu đó là chúng tôi”. Lennon đã đúng! Nhưng công bằng mà nói, Hey Jude không phải bài hát dài hơi duy nhất trên sóng radio Mỹ tính đến thời điểm đó. Trước đó, MacArthur Park còn dài hơn và có được No.2 trên Billboard.

Nhưng ngay cả khi Beatles chuẩn bị tan rã lúc thu âm Hey Jude, họ vẫn chứng tỏ sức mạnh của một ban nhạc tài năng. Họ thu âm ca khúc cho White Album. Họ đủ niềm tin vào ý tưởng của McCartney. Nghe Hey Jude hoàn toàn không có cảm giác của một ban nhạc sắp mỗi người một phương, mà hoàn toàn ngược lại, như thể họ là một tâm hồn. Tiếng đàn piano của McCartney ấm áp và có hồn. Hòa âm mềm mại và mang hơi thở tiếng của các thiên thần. Tiếng trống của Ringo Starr nhẹ bẫng xao động. Thêm vào một khúc không trống bởi sự cố hy hữu: Ban nhạc vẫn chơi mà không hề nhận ra tay trống đã vào toilet!


Hey Jude đã trở thành bài hát đỉnh cao của Beatles. Chỉ vừa nghe đã biết: Đây là bài hát “bom tấn” của nhạc đàn thế giới. Nó trở thành bài hát mà hàng triệu người yêu thích. Giai điệu tuyệt vời và trong suốt. Tiếng piano, tiếng trống, tiếng hát… dễ dàng khắc sâu vào tâm trí. Nó có đoạn điệp khúc mà đứa trẻ cũng có thể ngân nga. Nhạc cụ được bố trí khéo léo.

Vấn đề có lẽ chỉ nằm ở việc liệu nó có thực sự cần dài đến 7 phút? Những na na na khởi đầu là khoảnh khắc ngông cuồng tuyệt đẹp, nhưng khi kéo dài thì có lẽ một số người sẽ cảm thấy thiếu kiên nhẫn. Nhưng cũng chính điều đó khiến nó trở thành bài hát đặc biệt hoặc bạn sẽ bị cuốn vào bản nhạc vô tận ấy hoặc bạn sẽ thấy bồn chồn và mong nó kết thúc sớm hơn, tùy theo tâm trạng. Nhưng bất kể bài hát có đi theo chiều hướng nào, thì nó đã thu hút được lời khen ngợi cao nhất từ vị thẩm phán khó tính nhất. “Đây là bài hát hay nhất của Paul”, Lennon nói.

Và mỗi khi cậu cảm thấy đau khổ, Jude, hãy dừng lại
Đừng cố gánh cả thế giới trên vai mình
Vì cậu cũng biết rằng khi một kẻ ngốc cố tỏ ra mình thật ngầu
Thì hắn cũng chỉ khiến thế giới của mình càng thêm lạnh lẽo mà thôi…

Du Du /Sống Mới

Bài Viết Liên Quan

0 comments

Bài Đăng Phổ Biến

Video Thành Lập FC - 6/12/2015