John Lennon Sách John Lennon

'Tôi hung hăng vì muốn trở nên nổi tiếng. Tôi muốn làm người lãnh đạo'

Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2024The Beatles Việt Nam


 
Thế chiến II gieo rắc kinh hoàng tại những nơi nó chạm tới, nhưng nước Anh đã thắng thế và từ tranh đấu, một thái độ dân tộc mới đã xuất hiện. Trong ba mươi năm đã có hai cuộc thế chiến và một cuộc khủng hoảng kinh tế gây ra thất nghiệp hàng loạt. Nhưng đến năm 1945, binh lính bắt đầu trở về nhà và xây dựng lại cuộc sống và người Anh đòi phải có một cuộc sống tốt đẹp hơn cho họ và con cái. Luồng ý tưởng này được nhanh chóng thể hiện trong thắng lợi áp đảo của đảng Lao động trong cuộc tổng tuyển cử. Những cải tổ lâu dài đối với cơ cấu xã hội Anh được áp dụng nhanh chóng, có thể nói đó là những thay đổi đã giúp cho thế hệ của John Lennon trở thành một thế hệ may mắn nhất. Giả sử anh được sinh ra sớm hơn 5 năm, có lẽ cuộc đời của anh sẽ rất khác biệt.

Một trong những cải cách quan trọng nhất đã được thống nhất là Luật Giáo dục 1944, một luật định cung cấp giáo dục miễn phí cho trẻ em cho đến bậc đại học nếu chúng thỏa đủ điều kiện về học vấn. Đó không hẳn là một hệ thống hoàn hảo; người ta sẽ đánh giá tiêu chuẩn của học sinh và cấp học bổng vào trường chuyên cho những học sinh xuất sắc khi chúng mới 11 tuổi, như vậy có nghĩa là 2/3 số trẻ em của đất nước, chắc chắn trong số này có nhiều em phát triển muộn, đã bị xem là những kẻ thất bại thậm chí trước khi chúng bước vào tuổi teen.Nhưng chương trình này sẽ đảm bảo cho những học sinh nhận học bổng 11-Plus – đây là cái tên sau này của chương trình – có được những cơ hội mà cha mẹ, hay thậm chí là anh chị của chúng, không thể tưởng tượng nổi. Và không có bậc phụ huynh nào, trong trường hợp này là người giám hộ, lại ý thức được những cơ hội trong tương lai cho đứa trẻ mà họ đang nuôi dưỡng hơn bà Mary Smith (dì Mimi của John!) ở Mendips - ngôi nhà số 251 Đại lộ Menlove, Woolton, Liverpool.

Dì Mimi là một phụ nữ cộc tính, sắc bén và thông minh. Bà say mê đọc sách và thẳng thừng tuyên bố rằng không bao giờ chịu đựng những kẻ ngu ngốc. Bà gặp chồng mình, ông George Smith, năm 1931, khi ông đang giao sữa từ trang trại sữa nhỏ của gia đình cho Bệnh viện Woolton ở nam Liverpool nơi bà đang làm y tá. Bà tiếp tục phát triển sự nghiệp và trở thành người quản lý trước khi bà và George cưới nhau có phần không lãng mạn vào năm 1939, lại là một cuộc đeo đuổi dai dẳng khác nữa ở gia đình Stanley. Vì vậy, bà đã gần 40 tuổi khi John đến sống hẳn với bà và dượng George trong căn nhà song lập bốn phòng ngủ cứng cáp, to lớn, nằm phía bên kia đường từ khu sân golf của Câu lạc bộ Golf Thành phố Allerton.

John, dì Mimi và dượng George chụp vào năm 1951-1952

Mặc dù đất đai của gia đình dượng George đã bị chính phủ trưng dụng vào cuối chiến tranh và việc kinh doanh sữa đã đóng cửa, nhưng gia đình Smith vẫn rất khá giả. Có thể quan điểm chung của công chúng đều cho rằng Liverpool là khu vực của tầng lớp lao động thô lỗ và xù xì, nhưng vẫn luôn có một bộ phận lớn dân cư gồm những người quản lý, chuyên gia và thương gia giàu có sống trong và ngoài thành phố. Phải có những người như thế để quản lý cả hơn chục cây số cảng và tất cả những ngành kinh doanh phụ trợ mà ngành tàu bè ấy tạo ra!

Mãi cho đến cuối Thế chiến I, Woolton vẫn là một làng nhỏ nằm ngoài thành phố, nơi có những biệt thự tách biệt xây theo kiểu Victoria nằm trong những khu rừng rộng lớn trên những con đường hẹp, bên cạnh những ngôi nhà nhỏ từ thế kỷ 18 và 19. Việc mở rộng thành phố vào những năm 1920-1930 và việc xây dựng Đại lộ Menlove thành làn đường đôi làm khu vực trung tâm cho các đường ray xe điện đã biến vùng này thành vùng ngoại ô. Nhưng khi John đến đây sống vào năm 1946, nó vẫn còn mang cái không khí làng quê rất rõ rệt.

‘Tôi là một cậu bé xinh xắn và sạch sẽ sống ở ngoại ô,’ John thừa nhận năm 1967. ‘Chúng tôi có nhà, có vườn riêng…’ cùng với hai luống cỏ mà khi còn nhỏ anh phải cắt mỗi tuần vào mùa hè - dì Mimi phớt lờ trước những lời than thở của thằng cháu! John chẳng bao giờ thích công việc tay chân; và cả cuộc đời mình, anh cũng hiếm khi làm những công việc ấy.

Họ cũng có một chiếc điện thoại, một biểu tượng địa vị thực sự ở thập niên 40, và đủ chỗ để đậu xe bên hông nhà, mặc dù họ không bao giờ mua. Không nhiều người ở Liverpool có xe vào thập niên 1940-1950.

Trước khi John đến sống ở Mendips, dì Mimi vẫn đang làm thư ký, và bà đã nghỉ việc ngay lập tức vì muốn có mặt ở nhà để đón đứa cháu tan học về. Vì vậy, hoàn cảnh mới đồng nghĩa với việc hy sinh tài chính, và cùng với việc đóng cửa nhà máy sữa, dượng George, ở tuổi 42, đã nhận công việc bảo vệ ở một xưởng gần đấy, xây trên mảnh đất nơi mà trước chiến tranh đàn bò của ông từng gặm cỏ. Đây hẳn là một sự xuống cấp về địa vị xã hội, nhưng dì Mimi không bao giờ thể hiện ra điều đó.

Để đáp ứng nhu cầu chi tiêu, tài chính của gia đình được hỗ trợ bằng cách để căn phòng phía trước nhà cho một loạt người thuê, và đó luôn là những nam sinh viên khoa thú y của trường Đại học Liverpool. Lại một lần nữa, khát vọng của dì Mimi, quan điểm của chính bà và gia đình bà được thể hiện rõ. Không phải bất kỳ ai đến thuê bà cũng đều đồng ý, mà họ phải là những người có giáo dục, vì như thế sẽ tốt cho John.

John chụp ảnh cùng các sinh viên thuê phòng vào năm 1951

Mimi là một người kiểu cách. Luôn ăn mặt tươm tất, nguyên tắc cư xử cứng nhắc, và luôn thể hiện tác phong trên bàn ăn, bà tin rang chị em mình ở địa vị cao hơn hầu hết những người xung quanh, ví dụ như những người sống trong khu cư xá thành phố mới ngày càng được xây dựng nhiều hơn khi thành phố vẫn tiếp tục vươn xa về phía Woolton. ‘Dì ơi, ngoại trừ dì thì ai cũng tầm thường!’, John hay giễu bà như thế, khi anh bước vào tuổi thiếu niên.

Mẹ Julia thì chiều chuộng, nhưng về phía dì Mimi, cách biểu hiện tình yêu thương của bà dành cho đứa cháu mà bà tin mình đã cứu vớt nó, và giờ đây xem nó như con ruột, là không ngừng khuyến khích John học hành. Học vấn sẽ là chìa khóa dẫn đến thành công, và bà đã nhất định rằng John sẽ có mọi cơ hội của mình trong một nước Anh mới mẻ và đang chuyển biến này. Vì vậy, điều quan trọng là John không được phát âm có chất giọng của tầng lớp lao động Liverpool, hay thường được gọi là tiếng Scouse – trong mắt dì Mimi thì đó sẽ là một bất lợi về sau.

'Tôi rất kỳ vọng về nó,' bà nhớ lại. 'Người ta chẳng đi tới đâu nếu nói chuyện như một kẻ vô lại.' Với nhiều đứa bé, điều này có lẽ cũng có phần đúng trong một đất nước phân định đẳng cấp rõ ràng. Nhưng hóa ra, chất giọng Scouse chẳng bao giờ làm tổn thương John. Thật ra, khi đã đạt được danh vọng, anh còn thích cố ý cường điệu nó, chỉ để chọc tức dì Mimi.

Nói chung, rất dễ thấy rằng, kể từ khi John đến Mendips, cả căn nhà đều quay quanh những gì tốt cho John... cho dù cậu bé có thích điều ấy hay không. Và chưa có một phút giây nào người ta khiến cậu cảm thấy rằng sự hiện diện của cậu là một gánh nặng. Hoàn toàn ngược lại: Mimi đảm bảo rằng đứa cháu phải hiểu đấy là nhà của mình. Nhiều thập niên sau, khi đã giàu có và nổi tiếng, John đã xin dì không bán căn nhà. Đó chính là nơi lưu giữ mọi kỷ niệm thời thơ ấu của anh.

Phòng ngủ của John nằm ngay phía trên cửa chính và gian sảnh. Qua cửa sổ của căn phòng, cậu bé có thể nhìn thấy toàn bộ khung cảnh dọc theo Đại lộ Menlove. Đến khi John 8 tuổi, xe điện vẫn còn chạy lên xuống dọc theo làn trồng cỏ giữa làn đường đôi, và cậu sẽ quỳ bên cửa sổ để nhìn ngắm chúng, phát hiện dì Mimi và dượng George trở về nhà từ đằng xa. Đôi khi cậu cũng có thể thấy cả mẹ Julia đang đến thăm. Năm 1949, xe buýt đã thay thế xe điện, sau đó các đường dây được kéo đi và nhường chỗ cho những bụi cây. Và quỳ nơi vọng gác bên cửa sổ, John có thể thấy được xe hơi chạy qua – không nhiều lắm vào thời ấy.

Dượng George, người đàn ông hiền lành luôn chịu sự chỉ huy của vợ, cư xử hoàn toàn khác với dì Mimi trong mối quan hệ với John. ‘George cho rằng John được sinh ra trên đời là để làm ông vui,’ Mimi hay nói đùa như thế. Nhưng một trong những kỷ niệm thơ ấu mà John yêu thích nhất là khi dượng đưa anh theo trên chiếc xe ngựa có từ thời chiến tranh: John ngồi sau con ngựa, với những thùng gỗ và chum lớn bằng kim loại đựng sữa đặt xung quanh khi dượng George đi giao hàng. Là người thích gần gũi hơn dì Mimi, sau đó George sẽ ôm John vào lòng và chỉ cho cháu đọc tiêu đề của tờ báo buổi chiều Liverpool Echo.

Dĩ nhiên, một số bài viết trên báo sẽ có liên quan đến bóng đá, và hầu hết bọn con trai sống ở Liverpool đều thể hiện đôi chút hứng thú về môn này. Khó mà không như thế ở cái thành phố cuồng bóng đá này. Nhưng mặc dù dượng George cũng đá bóng cùng John ở vườn sau, thể thao thuộc mọi thể loại đều hoàn toàn bỏ qua cậu bé. Thay vì vậy, ngay khi biết viết, cậu bé John sẽ để lại những mẩu giấy nhắn nhỏ bảo dượng George ẵm mình vào phòng ngủ thay vì dì Mimi, hay bảo dượng dẫn đi xem phim ở Woolton, một thứ giải trí hoàn toàn không thuộc phong cách của dì Mimi.

Thứ mà dì Mimi thích hơn chính là những chuyến đi chơi mang tính giáo dục của gia đình đến trung tâm Liverpool cách đấy chừng 8km. Lúc lắc trên những băng ghế cứng bằng gỗ của những chiếc xe điện hai tầng có từ trước chiến tranh, trên đầu là những sợi dây điện lập lòe khi xe chạy ngang, họ sẽ đi từ Woolton qua các cửa hàng ở Penny Lane và xuống đường Smithdown, hướng tới khoảng không gian mở lộng gió của Pier Head.

Liverpool - Thập niên 1950

Sau London, Liverpool đã từng là thành phố thứ hai của Vương quốc Anh, với những ngôi nhà theo kiểu Victoria đồ sộ, nguy nga được dựng lên bên bờ sông Mersey để quản lý bến cảng và những con tàu khởi hành từ đấy. Sau hơn nửa thế kỷ trải qua mưa gió, khói sương, sự lãng quên và cuộc chiến vừa qua, những tòa nhà ấy không còn gây ấn tượng với John vào cuối những năm 40. Nhưng người Liverpool vẫn luôn tự hào về thành phố, họ thấy hào hứng khi ngắm mặt nước sủi bọt trắng xóa như kem phía sau những chiếc phà khi chúng băng qua sông Mersey để đến Birkenhead và New Brighton. Trong khi, thỉnh thoảng, phía xa xa cảng, có thể có một con tàu lớn đang chờ để khởi hành đi Mỹ.

Nước Mỹ! Ly kỳ và hào hứng, cái ý tưởng về nước Mỹ luôn ngự trị trong mỗi trái tim người dân Liverpool ở vùng đất hướng về phía tây ấy của nước Anh. Tại bến cảng này, biết bao di dân từ khắp châu Âu đã băng qua bên kia đại dương tìm cuộc sống mới, trên những con tàu được lèo lái bởi những thủy thủ Liverpool.

Hẳn là John đã được cha kể lại rằng ông nội của anh cũng đã rời đi từ chính nơi này để kiếm sống bằng nghề ca hát ở nước Mỹ. Và cả người cha, Freddie, cũng đã nhiều lần vượt biển sang đấy! Những tòa nhà to lớn tại Liverpool này, mà với John như là những tòa tháp sừng sững, cũng chẳng là gì nếu so sánh với những tòa nhà mà người Mỹ có tại New York. Đó là điều mà mọi thủy thủ ở Liverpool đều kể cho con cháu của mình

Nhưng John không cần phải sang Mỹ để nhìn thấy người Mỹ. Họ ở ngay tại Liverpool từ khi John còn nhỏ, và cậu có thể nhận ra những quân nhân Mỹ qua bộ đồng phục bằng vải bông nhẹ mà họ mặc trên người, đổ xô về trung tâm thành phố từ căn cứ Không quân Mỹ đặt ở Burtonwood gần đấy. Trong con mắt của những cậu bé thời bấy giờ, những người lính Mỹ có sức hấp dẫn rất lớn. Nước Mỹ, như một thông điệp ngầm lặp đi lặp lại, là nơi cần phải đến. Và với John, thông điệp ấy ngày một lớn lên theo năm tháng.

Ngôi nhà của gia đình Smith tại Đại lộ Menlove được xây vào năm 1933 là một ngôi nhà ấm cúng. Với những cây du được trồng ở vườn sau, xà nhà giả kiểu Tudor, cửa sổ bằng kính trang trí phía trước, hành lang trước nhà và bên hông nhà, và một lò sưởi mà cả nhà quây quần xung quanh vào những tối mùa đông – cùng với một con chó và hai, sau đó là ba, con mèo. Nhiều thập niên sau, người vợ đầu của John, Cynthia, than phiền về cái mùi cá ‘được nấu trong bếp để cho lũ mèo’ ngập ngụa khắp căn nhà. Nhưng John chẳng hề đề cập đến việc này. Bản thân anh cũng thích mèo.

Mặc dù John từng học vài tuần tại một trường tiểu học khác trước khi được giao cho dì Mimi, nhưng thực tế, việc học của cậu bé bắt đầu tại trường tiểu học Dovedale, nằm xuôi theo Đại lộ Menlove, hướng về Penny Lane. Ở trường, người ta nhanh chóng nhận ra rằng John là một đứa nhỏ thông minh nhưng bất thường, ‘sáng láng như một cái cúc áo và tay chân nhanh nhảu,’ theo trí nhớ của dì Mimi. Biết đọc, biết viết chỉ sau vài tháng học ở Dovedale, điều này khuyến khích dì trao cho đứa cháu một quyển sách cổ điển trong tuổi thơ của bà, Alice In Wonderland. Đầu tiên dì đọc cho John nghe, sau đó để cậu bé tự mày mò. Vài năm sau, John vẫn còn chúi mũi vào quyển sách ấy, cùng với tác phẩm tiếp theo của Lewis Carroll, Through The Looking Glass, có bài thơ ‘The Walrus And The Carpenter’. Cậu thích những vần thơ vô nghĩa, lối chơi chữ và hình ảnh thế giới mộng ảo. Hai mươi năm sau, đắm chìm trong những ký ức về những quyển sách đó, John đã tạo ra một không khí siêu thực trong những bài hát của The Beatles là ‘I Am The Walrus’ và ‘Lucy In The Sky With Diamonds’ vào cuối những năm 60.

John trong chuyến dã ngoại đến Douglas, Isle of Man cùng các bạn học Dovedale năm 1951

'Tôi rất say mê Alice In Wonderland,' John thường nhớ lại, 'và vẽ tất cả nhân vật trong đó. Tôi còn làm thơ theo kiểu của Jabberwocky nữa.' John cũng thích The Wind In The Willous và bộ truyện hài Just William của Richmal Crompton, kể về một chú bé khoảng 10 tuổi ưa phiêu lưu mạo hiểm và băng nhóm của mình. ‘Tôi đã viết ra những câu chuyện về William cho chính mình, trong đó tôi là người làm hết mọi thứ,’ anh kể.

Thế nhưng, chẳng mấy chốc, chỉ đọc truyện thôi chưa đủ, John còn muốn tạo ra chúng. Và năm lên chín, John đã viết và tự minh họa cho quyển sách nhỏ của mình gồm những truyện cười, tranh biếm họa và tranh vẽ với nhan đề 'Sport, Speed and Illustrated' của J.W. Lennon. Đó là một nhan đề rất 'người lớn', tên tác giả cũng mang phong cách người lớn đối với một cậu bé, cuối truyện còn lồng thêm câu giới thiệu theo thể loại nhiều kỳ đầy kịch tích, 'Nếu bạn thích câu chuyện này, hãy trở lại vào tuần sau, mọi thứ thậm chí sẽ kịch tính hơn.'

John luôn thích đọc và viết, và thích cả báo chí. Khi đã nổi tiếng, John rất thân thiện với các nhà báo và hay tò mò về nghề nghiệp của họ. Có lần, John nói với tôi, ‘Tôi từng nghĩ mình sẽ trở thành một nhà báo. Thật ra, tôi cho rằng mình thực sự muốn trở thành một nhà văn, nhưng ở Liverpool, theo tôi nghĩ, chỉ có cách viết bài cho các tờ báo mới có thể kiếm sống được.'

Vào thời điểm mà trẻ con phải tự nghĩ ra trò giải trí riêng cho mình, chương trình Children's Hour vào lúc 5h chiều những ngày trong tuần trên đài BBC Home Service đã cho John cái nhìn nhanh qua radio về một văn hóa trung lưu, đáng kính và lành mạnh. Nhưng chính series hàng đêm dài mười lăm phút Dick Barton – Special Agent phát vào lúc 7h kém 15 mới là chương trình khiến John bỏ dở việc chơi đùa trong vườn hay đọc sách trong phòng để theo dõi chúng.

Vào những ngày chưa có tivi đó (ít nhất là với phần đông dân chúng). radio, với các chương trình hài như Up The PoleLife With The Lyons – một chương trình hài kịch về một gia đình người Mỹ sống ở London - là chất keo dính toàn quốc. Ai ai cũng nghe radio. Sau này, John nhớ lại, trong nhà anh không có nhiều âm nhạc, nhưng thời đó, một đứa trẻ vẫn có thể có được một hiểu biết khá tươm tất về các bài nhạc cổ điển và những bản aria' phổ biến nếu nghe chương trình Family Favourites phát nhạc theo yêu cầu được phát sóng hàng tuần trên BBC.

John thừa hưởng từ cha mẹ một thính giác tốt với các bài hát phổ biến, và khi còn nhỏ, cậu có thể hát vang khắp nhà bài ‘Let Him Go, Let Him Tarry’, một bài dân ca Ái Nhĩ Lan được Jean Simmons khơi lại vào năm 1945 trong bộ phim nói về chiến tranh mang tên The Way to the Stars. Một người ở trọ sau khi cho John mượn chiếc kèn harmonica, nhận thấy cậu bé rất thích nó, đã hứa sẽ tặng John một chiếc nếu cậu có thể thổi một giai điệu trên chiếc harmonica vào sáng hôm sau. John chơi được những hai điệu, và thế là được tặng một chiếc harmonica mới cáu vào dịp Giáng sinh. ‘Đó là một trong những khoảnh khắc tuyệt diệu nhất trong cuộc đời của tôi, lúc tôi có chiếc harmonica đầu tiên ấy’, John nói. Không chỉ dừng lại ở đó. John còn lấy tiền dành dụm mua sách hướng dẫn chơi harmonica. Cậu nhóc đã bộc lộ quyết tâm của mình.


John ôm chú chó Sally chụp tại sân sau căn nhà Mendips vào mùa đông 1947

Nếu việc có được chiếc harmonica khiến John phấn khởi, thì một trong những khoảnh khắc phiền muộn xuất hiện trong tuổi thơ của John là khi lên 7 tuổi. Cậu bé được đưa đến bác sĩ nhãn khoa và bị buộc phải đeo kính – với tròng kính thật dày. John bị cận thị nặng. Hai mươi năm sau, John đã khiến cho chiếc kính tròng tròn, gọng kim loại NHS trở thành món đồ mang biểu tượng thời trang, nhưng vào thời điểm cậu học tiểu học thì không như thế, và đôi khi John bị những đứa trẻ khác trêu là ‘bốn mắt’. Ngay sau khi ra khỏi lớp học, cậu bé liền tháo kính và cất nó vào túi, một thói quen mà sau này John vẫn làm trước công chúng mãi đến thập niên 60.

Biết được mọi việc tiến triển rất tốt tại trường, dì Mimi rất tự hào khi thấy sự động viên, khích lệ của mình đã gặt hái được những phần thưởng nhanh chóng như thế. Hai dì cháu thường ngồi bên bàn ăn vào buổi tối, John luôn hí hoáy viết và vẽ, còn dì Mimi thì đọc. Tuy bà rất khắt khe ở nhiều chuyện, nhưng họ cũng thường xuyên cười vang với nhau. John luôn làm dì Mimi cười bằng những từ ngữ do chính mình nghĩ ra, những trò ngớ ngẩn của một cậu bé và luôn là một người bầu bạn rất tốt – có lẽ với dì hợp với cậu bé còn hơn là với chồng!

Nhưng đó là John khi ở nhà. Ở trường, John là một đứa trẻ hoàn toàn khác, khi mà, gần như ngay từ đầu, cậu là một đứa bé rất hung hãng trên sân chơi, nhanh chóng gây dựng tiếng tăm thích đối đầu của mình. ‘Anh ấy không phải là một Harry yên tĩnh ngồi-một-xó’, diễn viên hài Jimmy Tarbuck, người cũng từng học ở trường Dovedale vào thời điểm đó, đã kể lại cho tờ Guardian năm 2009. ‘Nếu có một chút náo động, thì John chắc chắc có mặt ở đó... Anh không phải thuộc loại bất trị, nhưng sẽ không bỏ qua bất kỳ chuyện gì.'

'Tôi hung hăng vì muốn trở nên nổi tiếng,’ sau này John giải thích. 'Tôi muốn làm người lãnh đạo. Nó hấp dẫn hơn việc chỉ là một trong những kẻ thường thường. Tôi muốn mọi người phải làm theo những gì tôi nói, cười khi tôi nói đùa và để tôi làm thủ lĩnh.'

Anh không hề tiết lộ vì sao lại muốn làm người lãnh đạo, một nét cá tính xuyên suốt cả cuộc đời, hay có lẽ chính anh cũng không hiểu. Nhưng, bằng cách bộc lộ rằng anh sẵn sàng chiến đấu giành vị trí thống trị, mặc dù thường là bằng lời lẽ hơn là đánh đấm, và dám trả đũa từ sớm, John đã tìm ra được cách nhanh nhất để đi trên con đường của mình. Sinh vào tháng 10 nghĩa là lớn hơn hầu hết những đứa trẻ khác trong lớp, vì vậy cậu bé John cũng là thủ lĩnh trên sân chơi. Nhưng, suốt cuộc đời, anh luôn có cái dáng vẻ trưởng thành sớm hơn tuổi. Trông anh trưởng thành hơn, có vẻ thạo đời hơn những người đồng trang lứa – với cách nói chuyện trầm bổng cố ý nghe như chế giễu nhưng lại không cho phép bất kỳ sự tranh cãi nào.

Nhưng còn gì khác nữa? Trường học của John nằm gần cuối con đường hướng tới Liverpool, hẳn là còn có những đứa trẻ khó bảo khác ở Dovedale. Giai đoạn đầu đời của John khá bấp bênh. Có phải anh đã nhận thức từ rất sớm rằng thế giới bên ngoài có thể đầy thù địch, và nếu muốn tìm cho mình một chỗ đứng trong cái thế giới đó, anh phải tự mình đứng lên, cạnh tranh như những đứa trẻ khó bảo ở trường? Như Paul McCartney có lần phỏng đoán, liệu có phải John dựng lên vỏ ốc bao bọc xung quanh mình?


John đứng trước cổng vào căn Mendips vào năm 1952

Dù có giải thích thế nào thì sự thách thức luôn có sẵn trong John là một đặc tính theo anh suốt đời. Và cũng như việc không cưỡng lại bất kỳ cơ hội bông đùa nào, John cũng sẽ không bỏ qua bất kỳ cuộc tranh cãi nào, miệng lưỡi của anh càng trở nên hằn học khi tức giận, như những người yêu thương anh nhất dễ dàng nhìn thấy. Anh hiếm khi xin lỗi, mặc dù anh thường thay đổi suy nghĩ của mình về người mà anh đã gây tổn thương. ‘Đó chỉ là lời ngoài miệng của tôi,’ anh thường biện hộ như thế mỗi khi nhớ lại những điều tổn thương mà anh đã nói.

Nhưng nói những điều tàn nhẫn cũng chỉ là một phần khác của con người John Lennon.

*Nguồn ảnh được sử dụng từ Internet, sách không bao gồm bất kỳ hình ảnh

Bài Viết Liên Quan

0 comments

Bài Đăng Phổ Biến

Video Thành Lập FC - 6/12/2015