Điều gì đã tạo nên sức mạnh phi thường của âm nhạc the Beatles?
Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2024The Beatles Việt NamTrong thế kỉ hai mươi, nhạc pop rock trở thành một phần không thể thiếu của văn hoá phương Tây. Nếu muốn liệt kê tất cả những ban nhạc hoặc ca sĩ nổi tiếng từ thập niên 50 cho đến ngày hôm nay chỉ ở Anh và Mỹ, có lẽ bạn sẽ có một cuốn danh bạ dày hơn cả cuốn danh bạ điên thoại thông thường. Trong số họ, những ngôi sao được tôn xưng là huyền thoại cũng đến vài trăm. Vậy mà cho đến tận ngày nay, chưa có một ban nhạc nào được tôn vinh một cách long trọng và toàn diện như ban nhạc của bốn chàng trai trẻ xuất than từ giai cấp công nhân thành phố Liverpool, Anh Quốc với tên gọi the Beatles. Nếu nói về thời gian tồn tại, họ không phải là nhóm nhạc tồn tại lâu nhất. Bắt đầu nổi tiếng năm 1963 và tan rã vào năm 1970, nhóm the Beatles có tuổi thọ còn thua xa những nhóm cạnh tranh trong thời kì đó vẫn còn sung sức đến hiện nay như Rolling Stones hay Bee Gees. Còn nếu nói về số lượng ca khúc sáng tác, với chưa tới hai trăm ca khúc được viết chung, the Beatles cũng không phải là quán quân về phương diện này. Về mặt phức tạp và điêu luỵên trong việc chơi nhạc, Beatles không phải là đối thủ của những Led Zeppelin hay Pink Floyd . Nói về scandals, nhóm Beatles chỉ xứng đáng theo đuôi rất rất nhiều nhóm nhạc hay ca sĩ sau này, những kẻ lắm tài nhiều tật chủ yếu thu hút công chúng bằng những trò quái đản hơn là tài năng thực sự. Vậy mà họ, những chàng trai đến từ Liverpool đã làm được điều tất cả những ban nhạc khác không làm được: the Beatles là một trong những hiện tượng văn hoá quan trọng và độc đáo nhất của thế kỉ 20. Vậy điều gì đã làm nên sự thành công vượt trên tất cả mọi thứ của nhóm Beatles? Đó chính là tính cách mạng trong âm nhạc của nhóm Beatles. Từ khi nhóm Beatles ra đời, nhạc pop không còn là một thứ nhạc giải trí bình thường mà trở thành một loại hình nghệ thuật thực sự. Hãy cùng nhau phân tích sự thay đổi của dòng chảy văn hoá đương đại dưới sự ảnh hưởng của the Beatles để thấy được tầm vĩ đại của ban nhạc này.
Âm nhạc nối liền hai bờ Đại Tây Dương
Năm 1956, cả nước Mỹ lên cơn sốt bởi một chàng trai trẻ với cái tên Elvis Presley. Với mái tóc chải ngược về phía sau, cây đàn guitar khoác hờ trên vai, những cái lắc hông gợi tình và giọng ca rực lửa, Elvis Presley khiến giới trẻ điên đảo và những phụ huynh đứng đắn lên cơn đau tim vì tức giận qua phần trình diễn ca khúc “Heartbreak Hotel” trên show truyền hình tạp kĩ của Ed Sullivan. Thứ âm nhạc kích động mang tên rock and roll ra đời từ khi đó. Rock and roll là biểu tượng của sức sống trẻ, sự khao khát được tự do yêu đương và tự do thể hiện chính bản thân mình, vượt khỏi mọi sự ràng buộc của xã hội. Đối với những người thế hệ trước, rock and roll là một sự sa đoạ về đạo đức không hơn không kém. Thứ nhất, đó là thứ nhạc giải trí rẻ tiền của người da đen, những kẻ nô lệ tôi tớ trước kia của dân da trắng. Tuy rằng dân da đen đã được tự do, nhưng trong mắt giới trung lưu và thượng lưu da trắng, họ vẫn là những công dân hạng hai. Trên xe bus, trong rạp hát và những nơi công cộng khác, người da đen đều bị cách li khỏi người da trắng như thể họ là một thứ bệnh dịch. Làm sao các quí ông quí bà da trắng có thể chịu được khi con cái của họ say mê và bắt chước hát theo loại nhạc hạ cấp đó được. Thứ hai, rock and roll khơi dậy những ham muốn mang tính bản năng nhất. Nó khiến những thanh niên nam nữ ngoan đạo và vâng lời cha mẹ trốn những buổi lễ ở nhà thờ mà quây quần với nhau cùng nhảy múa theo điệu nhạc cuồng dại. Trong mắt nhiều nguời thủ cựu, rock and roll là thứ nhạc của quỉ dữ cám dỗ và làm sa đoạ con người. Hãy nhìn anh chàng Elvis trên TV kia, trước bao nhiêu cặp mắt như thế mà anh ta dám lắc mông của mình một cách khiêu khích. Còn gì mất mặt hơn, còn gì xấu hổ hơn thế nữa? Nhưng cũng như nhiều điều hiển nhiên khác, cái gì càng bị cấm đoán thì nó càng được khao khát. Mặc cho những định kiến bất công dành cho nó bởi xã hội cổ hủ, nhạc rock and roll vẫn phát triển mạnh mẽ trên khắp nước Mỹ như một lời thách thức. Và sự phát triển của rock and roll không dừng lại ở đó.
Ở bên kia Đại Tây Dương, nước Anh bảo thủ trên lục địa châu Âu già cỗi cũng chuyển mình trước sự ảnh hưởng của rock and roll. Những thuỷ thủ tàu viễn dương và những lính Mỹ đồn trú tại Anh sau thế chiến thứ hai là những kẻ đã mang thứ âm nhạc kích động này theo bên mình như một đặc sản của quê hương. Là một thành phố cảng, Liverpool đón nhận nhạc rock and roll một cách nồng nhiệt. Những cái tên như Cliff Richard, Donnie Logan hay nhóm Shadows trở thành niềm tự hào của người Anh về nhạc rock. Tuy nhiên ở quê hương của nhạc rock and roll, những ngôi sao của Anh vẫn không gây được một ấn tượng nào mạnh mẽ. Họ vẫn là những bản sao không hoàn hảo của Elvis Presley, Chuck Berry hay Jerry Lee Lewis. Cho đến khi nhóm Beatles ra đời.
Đúng vậy, khi hàng ngàn fan (người hâm mộ) đứng chen nghẹt sân bay JFK để đón bốn chàng trai trẻ tuổi từ Liverpool đến nứơc Mỹ lần đầu tiên và hơn 73 triệu người dán mắt vào TV để xem buổi diễn của nhóm nhạc Anh này trong chương trình tạp kĩ Ed Sullivan show năm 1964, người Anh đã chứng tỏ cho nước Mỹ biết rằng, rock and roll đã không còn là độc quyền của dân Yankee nữa. Người Anh đã tạo ra thể loại rock and roll của họ, thậm chí còn mạnh mẽ và lôi cuốn hơn cả rock and roll của nước Mỹ. Vậy sự hấp dẫn của thể loại rock and roll của Anh nằm ở đâu?
Sức mạnh của sự đoàn kết
“So với Elvis thì cá nhân mỗi người chúng tôi không thể nào bằng được. Nhưng khi bốn chúng tôi hợp lại, Elvis đành phải đầu hàng!” Đó là lời tuyên bố của John Lennon, thủ lĩnh nhóm Beatles khi được so sánh với Elvis Presley trong một cuộc phỏng vấn năm 1964. Thật vậy, thành công của Beatles chính là sức mạnh của tập thể đoàn kết. Nếu trước khi the Beatles ra đời, khái niệm một ban nhạc cùng chia sẻ với nhau mọi việc từ việc sáng tác, hoà âm, chơi nhạc và hát với nhau hoàn toàn chưa có. Thường thì một số nhạc sĩ sẽ được đặt hàng để viết một số ca khúc cho một ca sĩ nào đấy, sau đó ca sĩ đó sẽ thu âm bài hát với sự giúp sức của ban nhạc đệm trong phòng thu. Và nếu có biểu diễn trến sân khấu thì ban nhạc một là sẽ đứng phía sau tấm màn sân khấu hoặc đứng lùi hẳn về phía sau so với ca sĩ. Nói một cách ngắn gọn, tác giả, ca sĩ và ban nhạc đệm là ba thành phần tách rời nhau trong nhạc rock thời đó.
Đối với the Beatles thì khác, những thành viên trong ban nhạc cùng viết ca khúc với nhau. Ca từ trong những bài hát của họ có thể ngô nghê và không trao chuốt bằng những nhạc sĩ chuyên nghiệp nhưng nó trong sáng hơn, tự nhiên hơn và có nét riêng đặc sắc hơn. Vì cùng nhau chơi nhạc nên việc trình diễn của họ ăn ý hơn, hoà điệu hơn. Vì là bạn bè than thiết với nhau từ thời niên thiếu, các thành viên của nhóm Beatles dường như hiểu ý nhau rất rõ trong việc phối bè sao cho thật hoà quyện với giọng hát chính. Và trong nhóm, ai cũng có thể là ca sĩ chính cả, kể cả tay trống. Ranh giới giữa nhạc công và ca sĩ bị xoá nhoà vì nhạc công cũng là ca sĩ.. Với tuổi đời chỉ mới đôi mươi, bộ tứ Beatles mang lại sức trẻ sôi nổi cho những buổi diễn. Họ đùa giỡn với nhau trên sân khấu, chọc ghẹo khan giả và luôn luôn cười thật tươi. Nhìn tổng thể, sức hấp dẫn của nhóm Beatles được thể hiện toàn diện với hình thức những chàng trai trẻ sung sức, nói lên tiếng nói của chính bản thân mình một cách thân thiện và tươi trẻ. Có thể nói tất cả những ban nhạc tự sáng tác và tự chơi nhạc của mình sau này đều nợ nhóm Beatles một lời cảm ơn vì nếu không có Beatles, họ đã không có được những gì mình có.
Sức mạnh của các chiến dịch ăn theo
Có thể nói, góp phần rất quan trọng trong việc đưa the Beatles vượt qua mọi rào cản để trở thành số một thế giới là công lao cực kì to lớn của ông bầu Brian Epstein. Mặc dù chơi nhạc hay, nhóm Beatles vẫn không phải là những nhà kinh doanh với tầm nhìn rộng lớn có thể vạch ra một kế hoạch chinh phục thế giới hoàn hảo. Chính ông Brian Epstein đã đưa nhóm Beatles ra khỏi những quán bar tăm tối đầy mùi rượu và thuốc lá ở Liverpool để đặt họ vào những khách sạn sang trọng nhất trên thế giới, thậm chí vào cả điện Buckingham của nữ hoàng Anh để nhận huy chương MBE (Members of the British Empire). Chính ông Brian Epstein đã xây dựng nên hình tượng những con bọ với mốt tóc moptop nổi tiếng và những bộ veston lịch lãm. Để chinh phục được nhiều tầng lớp khán thính giả khác nhau, bộ cánh nổi loạn áo khoác da và quần jean bạc phếch được thay thế bằng những bộ vest thanh lịch.
Dưới tài phù phép của ông Epstein, nhóm Beatles nhìn vừa đứng đắn vừa năng động, giống những chàng sinh viên trí thức biết chơi nhạc hơn là những nhạc công quán rượu nhếch nhác. Điều này khiến cho các bậc phụ huynh yên tâm hơn khi con mình mua đĩa của nhóm Beatles. Cũng chính ông Epstein đã dốc tiền túi mua hết những đĩa đơn phát hành đầu tiên của nhóm để bài “Love Me Do” lọt vào bảng xếp hạng ở vị trí 17, một vị trí tuy khiêm tốn nhưng cũng đủ để cho mọi người chú ý đến nhóm. Với tài ngoại giao tuyệt vời của mình, ông Epstein không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào để quảng bá tên tuổi của nhóm Beatles trong và ngoài nước. Và khi the Beatles chinh phục được nước Mỹ, đầu óc kinh doanh của ông Epstein đã mách bảo cho ông biết rằng tất cả những gì có tên Beatles đều đồng nghĩa với hai chữ “lợi nhuận”. Thế là hàng ngàn sản phẩm mang tên Beatles lần lượt ra đời, từ tóc giả Beatles, kẹo chewing gum Beatles, nhãn vở Beatles, cho đến kem đánh răng và quần lót phụ nữ có in hình nhóm Beatles. Trong thời gian cơn cuồng Beatles lên đến đỉnh điểm từ giữa năm 1963 đến cuối năm 1964, có hàng triệu thương phẩm ăn theo Beatles đựoc bán ra với lợi nhuận thu được lên đến sáu số không, một kỉ lục thương mại ăn theo giải trí mà chưa ai có thể phá được, kể cả Elvis Presley. Sự nhạy bén trong kinh doanh đã biến tài năng âm nhạc của Beatles thành “con gà đẻ trứng vàng” đúng nghĩa.
Sức mạnh của sự cách tân
và cải tiến trong nghệ thuật
Nếu nhìn lại cả giai đoạn cao trào của cơn Beatlemania một cách công bằng, những fan âm nhạc khó tính sẽ lên tiếng phê phán sự dễ dãi của những nguời thần thánh hoá nhóm Beatles vì xét cho cùng, ngoài sự đoàn kết gắn bó, sự trẻ trung sôi nổi, và sự đỡ đầu của một ông bầu thông minh, nhóm Beatles thời kì 63-65 vẫn chưa xứng đáng được xem như một huyền thoại. Thật vậy, mặc dù các ca khúc của Beatles thời gian đó có giai điệu hay và dễ thuộc, hầu hết chúng đều không có một chiều sâu nghệ thuật để tồn tại mãi mãi với thời gian. Với sức ép của thị trường và thời khoá biểu sát sao của những chuyến lưu diễn bất tận, những sáng tác của Beatles của Beatles thời kì đầu gói gọn trong công thức thương mại: sôi động, kích thích đôi chân nhún nhảy, không dài quá ba phút, phối âm đơn giản với guitar, trống, bass và nói về tình yêu của tuổi teen. Nói tóm lại, nhóm Beatles trong thời kì đầu là một ban nhạc thị trường đúng nghĩa, tạo ra thị trường và chịu sự chi phối của thị trường do chính mình tạo ra.
Rất may mắn cho nhóm Beatles và dĩ nhiên là cũng rất may mắn cho những fan thực sự của nhóm, the Beatles không phải là những nhạc sĩ, ca sĩ thị trường vì lẽ dĩ nhiên, nếu họ thuộc về thị trường, họ sẽ bị chính thị trường đào thải khi có một làn sóng khác mạnh hơn cuốn qua. Vậy mà trong hơn nữa thế kỉ nay, cái tên the Beatles vẫn đứng vững vàng trứơc bao nhiêu thay đổi của các trào lưu âm nhạc. Điều kì diệu đó là do chính dộng lực luôn làm mới mình của những nghệ sĩ chân chính.
Không vừa lòng với thành công do tên tuổi mình tạo ra, những con bọ Beatles luôn trăn trở dể cải tiến chính mình. Việc đó bắt nguồn tự sự cạnh tranh lành mạnh giữa hai tay sáng tác chính John Lennon và Paul McCartney. Từ việc viết ca khúc chung với nhau, cả hai tách riêng làm việc để tạo ra những tác phẩm mang đậm tính cá nhân hơn. Khi đã quá ngán ngẩm với những “She loves you yeah yeah yeah” hay “I wanna hold your hand”, John và Paul bắt đầu viết những ca khúc sâu sắc nói về nỗi cô đơn của con người, ảnh hưởng của thế giới vật chất đối với đời sống tâm linh hay lời mỉa mai châm biếm những thói hư tật xấu trong xã hội và trên tất cả, sự đấu tranh cho quyền tự do của con người trên khắp mọi nơi trên thế giới. Cá tính đặc trưng của từng thành viên được thể hiện rõ qua từng tác phẩm riêng. John luôn cay đắng, châm biếm và rất thích chơi chữ với thể loại rock thô ráp, mạnh mẽ. Paul thì nhẹ nhàng bay bổng và lãng mạn với những bản tình ca đẹp như thơ. Còn George Harrison, tuy không đóng góp nhiều như John và Paul, cũng tạo được dấu ấn rất riêng bằng những ca khúc mang đậm chất thiền và triết lí phương đông qua giai điệu mang âm hưởng Ấn Độ. Chính sự cạnh tranh bên trong đã khiến cho nhóm Beatles trở nên hấp dẫn và đa dạng hơn. Sự trải nghiệm cuộc sống và tâm hồn nghệ sĩ đã giúp cho những ca khúc của nhóm giai đoạn 1966-1969 mang đậm tính nhân văn và chiều sâu cảm xúc.
Sự cách tân trong nội dung ca từ đã dẫn đến sự thay đổi trong phương thức biểu diễn và thu âm. Những phối âm đơn giản do trống, bass và guitar mang đến đã không còn đủ sức để truyền tải nội dung ngày càng phức tạp của ca từ. Chính vì lí do đó mà nhóm không ngừng tìm kiếm những âm thanh mới. Việc ngừng lưu diễn hoàn toàn để tập trung vào thu âm những ca khúc chất lượng là một bước ngoặc quan trọng trong cuộc cách mạng Beatles. Với sự lao động nghệ thuật nghiêm túc, nhóm Beatles đã tạo nên những siêu phẩm âm nhạc như Revolver (1966), Sgt. Pepper’s Lonely Hearts Club Band (1967) và Abbey Road (1969). Không để mình bị bó buộc vào thể loại rock and roll đơn điệu, nhóm Beatles sử dụng khá nhiều thể loại nhạc khác nhau như folk, country, blues, jazz, cabaret, reggae, heavy rock, nhạc điện tử và thậm chí là nhạc dân gian của Ấn Độ để hoà âm và phối khí với nhiều nhạc cụ khác nhau từ dàn nhạc hoà tấu cổ điển cho đến những thiết bị âm thanh hiện đại nhất thời bấy giờ như Mellotron hay bộ tổng hợp âm Moog. Thậm chí những thứ thông dụng trong đời sống như hộp diêm, lược chải tóc, giấy hay nước cũng được nhóm sử dụng để tạo hiệu ứng trong âm nhạc. Và nếu như công lớn giúp đưa tên tuổi của Beatles trở thành một nhãn hiệu thương mại quốc tế thuộc về ông Brian Epstein, công lao nâng cấp nghệ thuật và sang tạo của Beatles chắc chắn phải thuộc về ông George Martin, thầy phù thuỷ đứng sau những tác phẩm ghi âm của nhóm. Chỉ có ông Martin mới có đủ kiên nhẫn và niềm tin để biến những ý tưởng điên rồ xuất phát từ trí tưởng tượng phong phú của John Lennon thành hiện thực. Chỉ có ông Martin mới có khả năng chiều lòng Paul thuê cả dàn nhạc giao hưởng vào chỉ để chơi 25 giây trong đoạn nối của ca khúc “A Day in the Life”. Và cũng chỉ có ông Martin mới đồng ý cho George Harrison mang những nhạc công Ấn Độ vào hoà tấu với dàn nhạc dây cổ điển phương Tây trong những tác phẩm của mình. Tóm lại, chính ông Martin là người lắng nghe, thấu hiểu và tìm mọi cách thực hiện bằng được những yêu sách “không giống ai” của nhóm Beatles trong việc thu âm. Vì không biết đọc và viết nhạc nên những yêu cầu về phối khí của John, Paul hay George đều rất mơ hồ. Họ chỉ có thể nói được những cảm nhận mà họ có được. Ví dụ như John đã từng đòi hỏi rằng: “người nghe phải ngửi được mùi của bột mạt cưa và kim tuyến khi nghe bài hát Being for the Benefit of Mr. Kite như đang ở trong một rạp xiếc thực thụ.” Với những nhà sản xuất khác, yêu sách đó có thể bị bác bỏ, nhưng đối với ông George Martin, mỗi đòi hỏi là một thử thách và ông luôn tìm cách giúp nhóm hoàn thành ý nguyện của mình. Chính sự cầu tiến và nghiêm túc trong công vịêc khiến cho âm nhạc của Beatles luôn đa dạng về âm sắc và quyến rũ về giai điệu.
Ý nghĩa xã hội của hiện tượng Beatles
Có thể chia sự nghiệp của nhóm Beatles ra hai giai đoạn chính: giai đoạn từ 1963-1966, giai đoạn thành công trong thương mại và giai đoạn từ 1966-1970, giai đoạn trưởng thành về mặt nghệ thuật. Tuy nhiên, dù cho bất kì trong giai đoạn nào, nhóm Beatles luôn đóng vai trò tiên phong, là cánh chim đầu đàn trong sự đổi mới.
Sự nổi tiếng của Beatles khiến tỉ lệ tội phạm ở Liverpool giảm hẳn. Các băng đảng thanh thiếu niên thay vì tụ tập gây rối hoặc đánh nhau thì nay lập những ban nhạc để chơi với hi vọng đổi đời, thoát khỏi đời sống lao động cực nhọc nơi bến cảng. Không những ở Liverpool mà ở cả những thành phố khác của Anh như Birmingham, Manchester, và London, hang loạt các ban nhạc mọc lên như nấm. Trong hơn ba trăm ban nhạc đựơc thành lập trong giai đoạn 1963-1965 trên khắp nước Anh, có nhiều ban nhạc đã thực sự thành danh và góp phần vào phong trào British Invasion, cuộc xâm lấn của người Anh về văn hoá trên đất Mỹ, như Rolling Stones, the Who, Kinks, the Hollies. Và từ đó trở đi, thị trường âm nhạc thế giới được chia đều cho cả Anh và Mỹ chứ không còn là độc quyền của nước Mỹ nữa.
Do những đóng góp to lớn của mình về mặt văn hoá nhất là do số ngoại tệ khổng lồ mà nhóm Beatles mang lại cho nước Anh qua những sản phẩm âm nhạc, bộ tứ đã phá lệ trở thành những chàng thanh niên thuộc giai cấp lao động đầu tiên được nữ hoàng Anh ban cho huân chương cao quí Members of the British Empire. Khi bị giới quí tộc Anh phản đối vì cho rằng nhóm Beatles không xứng đáng được hựởng vinh dự trên, John đã phản pháo: “Chúng tôi giành được vinh dự này từ việc tạo nên âm nhạc, còn các ông có được huân chương nhờ tạo ra chiến tranh. Vậy thì ai xứng đáng hơn ai?” Lập luận của John không phải là không có cơ sở.
Trong giai đoạn 1967-1970, mặc dù không còn gắn bó đoàn kết với nhau như thời gian đầu, nhóm Beatles vẫn trở thành những nhà tiên tri của thời đại hippie. Với phương châm: “nghệ thuật là một sự sáng tạo không có giới hạn”, nhóm đã thành công trong việc đưa nhạc rock từ một thể loại âm nhạc thuần tuý thị trường trở thành một dạng nghệ thuật nghiêm túc với nhiều thể loại phong phú và đa dạng. Nhờ Beatles mà các nhóm nhạc rock sau này chịu khó đào sâu về mặt tư duy hơn để cho ra đời những tác phẩm thực sự có giá trị để khẳng định bản thân mình và để cạnh tranh trên thị trường. Nếu như thứ nhạc rock của Elvis Presley và Jerry Lee Lewis chỉ đơn thuần nói về tình yêu của tuổi trẻ và khẳng định cái tôi cá nhân một cách bộc phát, thứ âm nhạc mà Beatles đã làm được sứ mạng to lớn hơn: kết nối những trái tim lại với nhau. Nó đi vào từng ngõ ngách của tâm hồn con người, chạm vào những nỗi buồn thầm kín nhất và xoa dịu chúng bằng những giai điệu thật đẹp. Âm nhạc của Beatles thách thức sự đào thải khắc nghiệt của thời gian vì đơn giản nó không phải là một thứ thời trang thịnh hành trong chốc lát rồi bị chìm vào quên lãng. Các cô cậu thanh thiếu niên từng say mê âm nhạc của ban nhạc Beatles trong thập niên 60 giờ đã trở thành những ông bà già lưng còng tóc bạc. Và nhiều người trong số họ chắc hẳn đã rất hãnh diện khi những đứa cháu của mình cũng tập làm quen và bắt đầu nghiện nhạc của the Beatles. Âm nhạc của Beatles cũng không phải là tài sản của một tầng lớp giai cấp nào cả vì mỗi thính giả của thứ nhạc này đều thấy được một phần của mình trong những ca khúc. Bằng tiếng nói riêng của mình, đôi khi có phần ngây thơ và cảm tính, âm nhạc của the Beatles đã dám đấu tranh cho lẽ phải, chống lại những nghịch lí bất công của xã hội áp đặt cho con người. Tất cả những gì chúng ta cần là tình yêu. Thật vậy, chỉ có tình yêu là tồn tại mãi mãi và đó cũng là tất cả những gì mà nhân loại trên thế giới này cần để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn. Chừng nào triết lí “All you need is love” vẫn còn giá trị thì giá trị của the Beatles, người đã tạo ra nó, vẫn còn nguyên vẹn mặc cho những biến đổi không ngừng của thế giới.
Huỳnh Chí Viễn / Sách Nửa Thế Kỷ Một Huyền Thoại
0 comments