The Beatles Tribute Show The Beatles Việt Nam

The Bootleg Beatles qua góc nhìn MC - Phần 2: Đêm diễn tại TP.HCM của The Bootleg Beatles

Thứ Hai, 4 tháng 11, 2024The Beatles Việt Nam

Cuối cùng sau hơn 3 tháng chờ đợi, ngày được xem The Bootleg Beatles biểu diễn cũng đã đến. Lúc đầu địa điểm biểu diễn của The Bootleg Beatles ở Sài Gòn không phải là ở Lalaland Hồ Con Rùa mà là ở Nhà Hát Hòa Bình, quận 10. Như đã nói ở phần 1, tôi đã mua 2 vé ở hàng 2 gần sân khấu nhất có thể để có thể xem rõ band biểu diễn ngay từ khi biết được thông tin bán vé trên ticketbox.vn vào cuối tháng 7, tức là trước đó ba tháng. Sở dĩ tôi đặt vé sớm như thế là vì tôi sợ rằng show sẽ nhanh chóng cháy vé, nếu không nhanh chân thì không thể có được chỗ tốt để xem. Nhưng có vẻ tôi lo lắng hơi bị thừa vì đến khi trước ngày diễn gần 1 tháng, show vẫn còn nhiều chỗ trống và sau đó lại chuyển sang địa điểm biểu diễn mới là Lalaland với sức chứa nhỏ hơn nhiều. Đồng thời, ban tổ chức còn thông báo ai mua 2 vé sẽ được tặng thêm 1 vé, mua 3 vé được tặng 2 vé. Trong lòng tôi thực sự rất lo rằng show sẽ bị hủy vì bán không được vé như trường hợp của nhóm The Beatels đến từ Úc năm 2009 mà tôi đã từng trải nghiệm. Cho tới khi được mời làm MC họp báo tôi mới yên tâm là cuối cùng show cũng sẽ diễn ra. Nhưng tôi cũng biết trước rằng khán giả sẽ không đông như mong đợi. 



Banner chương trình mà trang AMO đăng tải với đêm diễn đầu tiên dự kiến tổ chức tại Nhà Hát Hòa Bình, TP.HCM 


Việc bán vé không chạy theo tôi có nhiều lý do. Lý do đầu tiên có thể nói là giới trẻ Việt Nam hiện nay hầu như rất ít người quan tâm tới những tượng đài âm nhạc thế giới như The Beatles mà chỉ thích nghe những gì theo trào lưu thời thượng. Tôi nhớ những lần đi xem các bộ phim biopic như Bohemian Rhapsody, Rocket Man, Yesterday và gần đây nhất là Elvis, các suất chiếu cực kỳ vắng khách. Nguyên rạp hát hàng trăm ghế mà mỗi suất như vậy chỉ bán được chưa tới 10 vé trong khi bạn bè tôi ở Singapore hay Malaysia kể lại rằng bên các nước đó luôn phải đặt mua vé trước. Lý do thứ hai mà tôi nghĩ là cũng quan trọng không kém là ban tổ chức đã làm truyền thông không tốt lắm. Việc chọn cách bán vé trực tuyến trên trang web ticketbox.vn đã khiến cho những người lớn tuổi không rành công nghệ cũng như không có thẻ tín dụng không biết để mua vé và cũng không thể thanh toán trực tuyến được trong khi họ mới là đội ngũ khách hàng có tiềm năng nhất. Giá như BTC thực hiện những cuộc họp offline fan Beatles ở Sài Gòn và Hà Nội vừa quảng cáo vừa bán vé tại chỗ, trả bằng tiền mặt thì số lượng vé bán có lẽ sẽ tốt hơn nhiều. Một lý do khác mà tôi nghĩ cũng góp phần khiến cho việc bán vé không được tốt là ngay cả một số fan của The Beatles có ý nghĩ rằng đây là một band “hàng nhái” chứ không phải là The Beatles thật. Tất nhiên, mỗi người một suy nghĩ nhưng nếu thực tế một chút thì ai cũng biết làm gì có thể có xem chuyện The Beatles “hàng thật” biểu diễn khi họ đã tan rã hơn nửa thế kỷ trước và cho dù họ còn đi nữa thì Việt Nam cũng không đủ điều kiện để mời họ đến biểu diễn. Vậy thì tại sao lại phải tỏ thái độ kén cá chọn canh như thế? 

MC trong đêm diễn của The Bootleg Beatles tại Lalaland, TP.HCM

Vợ chồng tôi đến show 20 phút sớm hơn giờ diễn và thấy trước cửa Lalaland một đoàn người rồng rắn đứng xếp hàng chờ check in. Nhưng khi vào được bên trong thì thấy khá vắng, chỉ khoảng hơn ½ chỗ ngồi có khán giả. Giống như tôi nghĩ, khán giả nước ngoài là chủ yếu. Khán giả Việt Nam chỉ chiếm khoảng ⅓ và phần lớn là những người từ tuổi trung niên trở lên. Đến gần 20g, vẫn còn nhiều người đứng xếp hàng bên ngoài khiến BTC quyết định dời show diễn lại đến 20g15 để khán giả vào ổn định chỗ ngồi. Màn hình trên sân khấu bắt đầu chiếu những đoạn phim về The Beatles thật và The Bootleg Beatles cùng với những đoạn phim tư liệu thời thập niên 1960 mà tôi dám cá là hầu hết các khán giả đều không có chút khái niệm nào. Rồi cuối cùng buổi diễn cũng bắt đầu khi The Bootleg Beatles xuất hiện trên sân khấu với đồng phục đầu mop top, áo thun cổ lọ đen và quần tây đen như giai đoạn năm 1963 (riêng John thì còn mang thêm cặp kính đen nhìn rất phớt đời). Nhạc cụ của nhóm thời kỳ này ngoài dàn trống Ludwig của Ringo và cây Hofner hollow bass nổi tiếng của Paul thì John chơi cây Rickenbacker đen trắng và George thì chơi cây Gretsch Country Gentleman màu huyết dụ. Ban nhạc chơi ăn ý, nhạc cụ vintage đúng chuẩn và âm thanh cực tốt đã truyền tải một cách chân thật nhất thứ âm thanh đặc trưng của The Beatles qua những ca khúc nổi tiếng như “I Want to Hold Your Hand”, “She Loves You”, “Can’t Buy Me Love”, “All My Loving”, “From Me to You”, “Roll Over Beethoven”, “Twist and Shout”“I Wanna Be Your Man”. Không chỉ chơi nhạc giống và hát giống The Beatles thật,  nhóm Bootleg Beatles đã rất tinh tế trong việc thể hiện lại cực kỳ chuẩn xác từng cử chỉ, động tác và cả chất giọng Scouse đặc sệt của của The Beatles trên sân khấu khiến người xem có cảm giác trước mặt mình là "Tứ Quái" bằng xương bằng thịt chứ không phải là một nhóm “đóng giả”

 

The Bootleg Beatles xuất hiện trên sân khấu với đồng phục đầu mop top, áo thun cổ lọ đen và quần tây đen như giai đoạn năm 1963. 

 

Sau 7-8 bài “hâm nóng”, The Bootleg Beatles tạm rời sân khấu trong vòng vài phút để thay trang phục và quay trở lại trong tạo hình khi nhóm biểu diễn tại sân vận động Shea Stadium (Mỹ) năm 1965 với áo vest kiểu Nehru màu cát khoác bên ngoài. Nhóm bắt đầu trình diễn những ca khúc gắn liền với tên tuổi của nhóm giai đoạn 1964-1965 như “Help!”, “A Hard Day’s Night”, “I Feel Fine”, “Day Tripper”, “Act Naturally”, “I’m Down” và dĩ nhiên là không thể thiếu “Yesterday” huyền thoại. Điểm nhấn của phần này là cảnh John chơi keyboard bằng cùi chỏ trong phần trình diễn “I’m Down” giống hệt như phần trình diễn tại Shea Stadium. Điều này chứng tỏ nhóm đã rất nghiêm túc “nghiên cứu” nhất cử nhất động của "Tứ Quái" trên sân khấu để mang lại những cảm giác chân thật nhất cho khán giả. 

 

The Bootleg Beatles trình diễn ca khúc "I'm Down"  

Có một sự nuối tiếc “không hề nhỏ” khi nhóm bỏ qua giai đoạn từ cuối 1965-1967, giai đoạn mà theo tôi là hay nhất trong sự nghiệp của The Beatles với “In My Life”, “Michelle”, “Nowhere Man”, “Drive My Car” và tất cả những bài quan trọng trong hai album Revolver (1966) Sgt. Pepper’s Lonely Hearts Club Band (1967) mà vào thẳng giai đoạn Abbey Road với tạo hình hippie như khi đến dự họp báo. Điều khá bất ngờ là George đã hát ca khúc nổi tiếng “While My Guitar Gently Weeps” bằng phiên bản acoustic như trong album Anthology 3 với phần lời “I look from the wings at the play you are staging, while my guitar gently weeps/As I’m sitting here doing nothing but aging, still my guitar gently weeps” thay vì phiên bản với tiếng solo guitar huyền thoại (chắc có lẽ là vì không có một Bootleg Eric Clapton chăng?) Từ phần này trở đi, "sound engineer" Steve (vâng, nhân vật vui tính mà tôi có dịp phỏng vấn sau buổi họp báo) xuất hiện thường trực trên sân khấu để bổ sung các nhạc cụ khác như tambourine, keyboard, piano… hỗ trợ ban nhạc trong các ca khúc “Helter Skelter”, “Don’t Let Me Down”, “Come Together”, “Something”, “Obladi Oblada”, “The Ballad of John and Yoko”, “Here Comes the Sun”, “Get Back” “Revolution”. Lúc này John đã đổi qua cây Epiphone Casino và George cũng chuyển sang đánh cây Gibson Les Paul “Lucy” màu đỏ. Sau phần trình diễn “The Ballad of John and Yoko”, nhóm chào từ biệt khán giả và “John” đã nửa đùa nửa thật bảo rằng: “We had a good time as well. So thank you very much. Goodbye Forever!!!!” nhưng tôi biết chương trình vẫn chưa kết thúc. Nhóm nhanh chóng quay trở lại sân khấu với phần encore ba bài “Let It Be” (Paul chơi piano còn John chơi cây Fender bass sáu dây), “Hey Jude” (tới lượt George chơi cây Fender bass) và cuối cùng là liên khúc “Rock and Roll Music/Long Tall Sally”. Chương trình kết thúc đúng 2 tiếng đồng hồ kể từ lúc bắt đầu. 

Ban nhạc đến từ UK "bỏ qua" giai đoạn cuối 1965-1967 và vào thẳng thời kỳ 1968-1969

Đứng ở góc độ người hâm mộ The Beatles có thâm niên 30 năm, tôi đánh giá rất cao về sự chuyên nghiệp của The Bootleg Beatles trong việc đã nỗ lực hết sức để thể hiện lại hình ảnh của "Tứ Quái" The Beatles một cách chính xác đến từng chi tiết qua các thời kỳ khác nhau. Chính vì điều đó mà họ được đánh giá là tribute band thành công nhất với trung bình 150 show diễn một năm ở khắp nơi trên thế giới. Nếu ai đã xem những video tài liệu nhóm biểu diễn ở các liên hoan âm nhạc lớn như Glastonbury hay Isle of Wight trước biển khán giả vài chục ngàn người, chắc người đó sẽ không còn cái suy nghĩ đầy định kiến rằng họ là một nhóm “hàng nhái” kém chất lượng ban đầu. Là một người chơi band nhạc có nhiều năm kinh nghiệm diễn live, tôi đánh giá rất cao trình độ chơi nhạc “sạch không chút tì vết” của nhóm khi diễn live cũng như khả năng làm chủ sân khấu, giao lưu với khán giả trong khi phải “hóa thân” thành Tứ Quái hàng thật. Đó là tất cả những gì gần nhất với The Beatles mà bạn có thể cảm nhận được và như lời nhận xét cô bạn đi chung với vợ chồng, một fan cuồng khác của The Beatles, rằng “Ai không có mặt đêm nay uổng phí cả cuộc đời". Tôi thực sự rất cảm ơn The Bootleg Beatles đã mang lại cho tôi những trải nghiệm “được xem The Beatles biểu diễn” chân thật nhất có thể. 

MC trả lời phỏng vấn của giới truyền thông

Nếu hỏi tôi liệu có điều gì mà tôi chưa thực sự hài lòng từ show diễn này thì có hai điều tôi muốn chia sẻ. Điều đầu tiên đó là sự thiếu vắng của một số ca khúc đình đám như “Love Me Do”, “Please Please Me”, “Paperback Writer”, “Michelle”, “And I Love Her”, “In My Life”, “Strawberry Fields Forever”, “Penny Lane”, “I Am the Walrus” hay “Lady Madonna”. Tôi biết mình đã quá tham lam vì trong 2 tiếng đồng hồ nhóm đã chơi gần 30 bài và bài nào cũng hoàn hảo, nhưng đối với một fan cứng thì quả thật 2 tiếng và 30 bài cũng chưa thấm vào đâu cả. Điều thứ hai mà tôi cảm thấy không hài lòng cho lắm đó là khán giả không quá nhiệt tình với show diễn và rất ít người có thể hát theo những bài hát của nhóm. Vẫn biết là mình không thể mong đợi một Beatlemania trong show diễn nhưng tôi thật sự bất ngờ khi những người mua vé hàng đầu và hàng thứ hai nơi tôi ngồi không ai có thể hát theo một bài nào mà chỉ xem nhóm diễn trong im lặng. Nếu là fan của The Beatles không lý nào họ không thể hát theo những bài hát vô cùng phổ thông của nhóm ngoài “Yesterday”“Let It Be”? Điều này khiến cho nhiệt huyết của band có lẽ vì thế cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Với thực tế này thì khả năng các nhóm nhạc lớn đến Việt Nam biểu diễn sẽ là rất thấp, nếu như muốn nói là không có. Và riêng với The Bootleg Beatles, cũng như câu chào “Goodbye forever!” của “John Lennon”, tôi nghĩ sẽ không có lần sau để có thể gặp lại họ ở Việt Nam nữa! Đó quả thật là một điều đáng tiếc.   

 

 "John" cùng câu chào "Goodbye Forever!" đầy ngụ ý.

Huỳnh Chí Viễn 

Bài Viết Liên Quan

0 comments

Bài Đăng Phổ Biến

Video Thành Lập FC - 6/12/2015