George Martin The Beatles

Lời tri ân dành cho phù thủy âm thanh George Martin, người đã tạo nên âm nhạc của the Beatles.

Thứ Năm, 10 tháng 3, 2016The Beatles Việt Nam

I. Tầm quan trọng của một nhà sản xuất âm nhạc đối với thành công của một ban nhạc hoặc ca sĩ lớn đến mức nào?

Đối với những người nghe nhạc nghiệp dư, có lẽ ít ai chú ý vai trò của một nhà sản xuất quan trọng như thế nào trong một sản phẩm âm nhạc, nhất là trong thời đại ngày nay khi các beat nhạc thu sẵn, autotune và các phần mềm làm nhạc trên máy tính làm tất cả những công việc mà một nhà sản xuất âm nhạc cần làm. Tuy nhiên, những người nghe nhạc nghiêm túc khi thưởng thức một sản phẩm âm nhạc, ngoài band nhạc hoặc ca sĩ mình yêu thích, vai trò của nhà sản xuất là cực kỳ quan trọng. Nói một cách dễ hiểu, nếu như giọng hát, trình độ chơi nhạc của ca sĩ hoặc band nhạc có thể được so sánh với tài năng diễn xuất của các diễn viên trong một bộ phim vai trò của nhà sản xuất âm nhạc cũng như một đạo diễn điện ảnh. Nhà sản xuất sau khi nghe bản thu âm demo (thu thử) của band nhạc sẽ hội ý cùng band nhạc về việc sẽ xử lý ca khúc đó như thế nào, có cần tăng tốc độ chơi nhạc lên hay giảm xuống một tí, chỗ này cần phối bè cho dày, chỗ kia thêm đàn dây hoặc bộ gõ. Nhà sản xuất cũng là người quyết định phong cách của sản phẩm âm nhạc đó, đôi khi hoàn toàn trái ngược với ý đồ của band nhạc hay ca sĩ. Một nhà sản xuất âm nhạc thành công ngoài trình độ chuyên môn về âm nhạc còn phải có gu thẩm mỹ tốt và những hiểu biết về kỹ thuật thu âm. Ngoài ra, người này còn phải hiểu điểm mạnh điểm yếu của ca sĩ hoặc band nhạc mình phụ trách sản xuất cũng như thị hiếu của thính giả. Kỷ nguyên rock and roll khó mà hình thành nếu chỉ có những band nhạc mà thiếu đi những nhà sản xuất huyền thoại như George Martin, Phil Spector, Arif Mardin, Quincy Jones hay Jim Steinman. Mỗi nhà sản xuất đều gắn liền tên tuổi mình với những album hoặc ca khúc để đời của những thần tượng lớn trong âm nhạc như The Beatles, the Rolling Stones, Aretha Franklin, Michael Jackson … Trong đó, George Martin có thể được xem là một tượng đài lớn nhất vì nếu không có ông, the Beatles có thể đã không bao giờ được đánh giá là ban nhạc xuất sắc nhất mọi thời đại.


Nếu nói về công lao trong việc phát hiện ra The Beatles và đưa nhóm từ những quán rượu tồi tàn ở Liverpool ra thế giới, không ai không nói đến nhà quản lý Brian Epstein. Nhưng để định hình phong cách và tạo nên một thứ âm thanh rất riêng của the Beatles, giúp cho tài sáng tác của cặp đôi Lennon & McCartney và của cả George Harrison được thăng hoa một cách trọn vẹn thì công lớn đó thuộc về George Martin. Và hôm nay, George Martin, tay phù thủy âm thanh đứng sau những thành công của nhóm nhạc vĩ đại nhất mọi thời đại đã trút hơi thở cuối cùng bình yên trong giấc ngủ ở tuổi 90 sau hơn sáu thập niên miệt mài cống hiến cho âm nhạc. Bài viết này là lời tri ân dành cho George Martin, nhà sản xuất huyền thoại.

II. Mối duyên lạ giữa the Beatles và ông George Martin.
Khi hãng Decca từ chối ký hợp đồng với the Beatles năm 1962 vì họ nghĩ những nhóm nhạc guitar đã hết thời, Brian Epstein đã tìm đến hãng đĩa Parlophone để tìm vận may với khá ít hi vọng vì nhà sản xuất George Martin là một người không chuyên về mảng nhạc pop. Được đào tạo piano cổ điển từ bé, George Martin có sự say mê với nhạc hòa tấu cổ điển nên sau khi xuất ngũ, ông chịu trách nhiệm sản xuất và sáng tác những nhạc phẩm hòa tấu dành cho dàn nhạc giao hưởng và nhạc nền cho chương trình hài kịch “the Goon Show”. Xuất thân từ một gia đình danh giá ở London, George Martin có phong cách nghiêm khắc và lịch lãm của một gentleman đúng nghĩa hoàn toàn trái ngược với vẻ nổi loạn và bụi bặm của các chàng trai trẻ đến từ Liverpool. Tuy nhiên, do cảm kích trước sự nhiệt tình của Brian Epstein cũng như ưa thích giọng hát của John và Paul, George Martin đã quyết định ký hợp đồng với the Beatles sau khi thỏa thuận rằng tiền thù lao của nhóm sẽ là 1 xu chia đều cho bốn thành viên trên mỗi bản đĩa bán ra trên thị trường. Với cái giá rẻ bèo đó, hãng Parlophone dường như không có gì để mất khi đầu tư cho một nhóm nhạc pop mà theo ông là “không mấy triển vọng” như the Beatles. 


Có thể nói, sự hợp tác bước đầu của George Martin và the Beatles không mấy suông sẻ. Ông tỏ ra không hài lòng với ca khúc “Love Me Do” vì ca từ và giai điệu của nó quá đơn điệu cũng như không mấy tin tưởng vào tài đánh trống của Ringo Starr khi xếp anh chơi tambourine và maracas trong ca khúc này. Khi John và Paul đề nghị phát hành ca khúc do hai người sáng tác “Please Please Me” thành đĩa đơn thì George Martin lại đề xuất “How Do You Do It?” một ca khúc không phải do nhóm sáng tác khiến John và Paul phải năn nỉ rất nhiều cho tới khi ông đổi ý. Tuy nhiên, khi the Beatles thuyết phục được ông bằng tài sáng tác và chơi nhạc của mình thì giữa người thầy khó tính và bốn cậu học trò thông minh này lại phát triển một mối quan hệ hợp tác khá ăn ý. Nhờ the Beatles mà George Martin nhận thấy tiềm năng và sản xuất cho các nhóm nhạc pop rock theo phong cách Mersey Beat như Gerry and the PacemakersBilly J. Kramers with the Dakotas tạo nên làn sóng British Invasion xâm nhập và chinh phục thị trường âm nhạc Mỹ cũng như thế giới. Ngược lại, nhờ ông George Martin, the Beatles ngày càng hoàn thiện kỹ thuật sáng tác, thu âm cũng như mạnh dạn cách tân âm nhạc của mình với những ý tưởng trời ơi đất hỡi mà một nhà sản xuất thiếu kiên nhẫn cũng như lòng tin sẽ sẵn sàng bác bỏ ngay lập tức. 


Trở ngại lớn nhất của George Martin và the Beatles là căn bản âm nhạc khác nhau: một bên được đào tạo bài bản chuyên viết nhạc cho dòng nhạc cổ điển/giao hưởng, một bên không hề biết đọc và viết nốt nhạc. Những ý tưởng âm nhạc của John hoặc Paul đều được họ ngân nga thành giai điệu hoặc diễn tả một cách hết sức cảm tính mơ hồ. Đóng góp trực tiếp đầu tiên của George Martin trong tác phẩm của the Beatles là đoạn solo piano theo phong cách baroque được tăng tốc độ trong ca khúc “In My Life” năm 1965. Ông là người đề xuất đưa bộ tứ đàn dây vào ca khúc bất hủ “Yesterday” của Paul trên nền guitar gỗ mộc mạc cũng như cho toàn bộ đàn dây chơi trong ca khúc “Eleanor Rigby” thay vì để các thành viên chơi nhạc cụ điện tử. Ông cũng tạo điều kiện cho George Harrison mang dàn nhạc công Ấn Độ vào thu âm với dàn nhạc phương Tây trong các tác phẩm như “Love You To” hay “Within You, Without You”. Đối với chàng John Lennon, thành viên hay mè nheo và khó chiều nhất nhóm, người luôn đưa ra những yêu cầu khá oái oăm như làm sao cho giọng hát của John trong bài “Tomorrow Never Knows” nghe như tiếng niệm kinh của hàng trăm Lạt Ma vang vọng trên đỉnh Hy Mã Lạp Sơn hay “người nghe phải ngửi được mùi mạt cưa và kim tuyến như trong rạp xiếc” khi nghe “For the Benefit of Mr. Kite”, ông đều cố gắng làm tốt nhất. Đỉnh điểm của sự sáng tạo phá cách là thời gian nhóm thu âm hai album “Revolver” (1966) và “Sgt. Pepper’s Lonely Hearts Club Band” (1967) khi ông để cho nhóm thí nghiệm với đủ loại âm thanh từ đơn giản nhất như dùng lược chải lên giấy cho tới những phương tiện thu âm hiện đại nhất thời đó như máy ghi âm 8 track và cây đàn mellotrone phức tạp. Để tạo ra một “Strawberry Fields Forever” huyền ảo, George đã cho thu nhiều phiên bản của ca khúc này với các tốc độ khác nhau sau đó tăng giảm tốc độ cho đồng bộ rồi cắt ghép chúng lại thành ca khúc hoàn chỉnh. Cũng như trong “A Day in the Life”, để tạo nên đoạn “cực khoái âm nhạc” chơi từ nốt thấp nhất dần lên nốt cao nhất, George Martin đã phải thuyết phục dàn nhạc giao hưởng 40 người tham gia. Những ý tưởng thiên tài điên rồ của the Beatles đã có thể chẳng bao giờ thực hiện được nếu không có George Martin. Một đóng góp khá quan trọng nữa của George Martin là phần nhạc không lời ông viết cho các bộ phim của the Beatles như “A Hard Day’s Night” (1964) hay bộ phim hoạt hình “Yellow Submarine” (1968).

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa the Beatles và ông George Martin không phải lúc nào cũng thuận lợi. Khi thu âm ca khúc “She’s Leaving Home” trong album “Sgt. Pepper’s Lonely Heart Club Band”, Paul đã nhờ nhà soạn nhạc Mike Leander sáng tác phần phối khí đàn dây khi ông George Martin bận chưa làm kịp. Điều này khiến ông cảm thấy bị tổn thương. Và điều này lại xảy ra một lần nữa khi Phil Spector được chọn để sản xuất album “Let It Be” (1970) thay cho ông George Martin. Sau khi the Beatles tan rã, giữa John Lennon và ông George Martin có những điều qua tiếng lại không hay về nhau khi John ra sức phủ nhận những đóng góp của George Martin với âm nhạc của the Beatles thậm chí còn cho rằng nhờ the Beatles, George mới trở nên nổi tiếng. Tuy nhiên, sau này, John Lennon đã hối hận và đính chính lại rằng những phát ngôn của mình xuất phát từ sự nông nổi và khẳng định lại vai trò quan trọng của George trong các tác phẩm mà nhóm ghi âm. Đó là một điều hiển nhiên vì năm 1995, George Martin lại được mời làm nhà sản xuất cho bộ album Anthology cùng với Jeff Lynn và ba thành viên còn lại của the Beatles. Và năm 2006, ông cùng con trai là Giles Martin đã bỏ công sức ra mix lại các ca khúc của the Beatles trong dự án Love với đoàn xiếc trứ danh Cirque du Soleil theo một phong cách hết sức kỳ lạ và táo bạo: giai điệu của bài hát này được mix trên nền nhạc của một bài hát khác. 


III. Vĩ thanh
Sẽ khó mà kể hết những nghệ sĩ danh giá nhất trong làng nhạc pop rock đã nhờ George Martin nhúng cây đũa thần của mình vào sản phẩm âm nhạc của họ từ Cilla Black, Jeff Beck, Elton John, Paul McCartney, Bee Gees, Dire Straits cho đến Stevie Wonder, Kenny Rogers cũng như số lượng sản phẩm âm nhạc mọi thể loại mà ông đã sản xuất. Tất cả những tác phẩm nổi trội của ông sản xuất cho các nghệ sĩ khác đã được xuất bản trong bộ box set gồm sáu đĩa mang tên Produced by George Martin (2001). Với hơn sáu mươi năm hoạt động tích cực với vô số đóng góp trong âm nhạc, George Martin là một tượng đài vĩ đại có thể sánh ngang với bất cứ tượng đài âm nhạc nào của thế kỷ 20. Tuy nhiên đối với người hâm mộ, ông vẫn được nhớ nhất với vai trò nhà sản xuất, phù thủy âm thanh đã tạo nên thứ âm nhạc tuyệt vời, âm nhạc của the Beatles. 

Huỳnh Chí Viễn

Bài Viết Liên Quan

0 comments

Bài Đăng Phổ Biến

Video Thành Lập FC - 6/12/2015